Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vì sao địa phương, doanh nghiệp kém “mặn mà” nhà cho thuê?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Phát triển nhà ở cho thuê là một chính sách quan trọng nhằm góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp dân cư tại khu vực đô thị và người thu nhập thấp. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy các địa phương và DN lại chưa quan tâm nên quỹ nhà này khó phát triển.

Phát triển nhà cho thuê gặp khó

Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp (DN) trong cả nước chỉ tập trung vào việc phát triển nhà ở thương mại để bán theo giá thị trường nhằm thu hồi vốn nhanh; đối với một số thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh... thì ngoài việc xây dựng nhà ở thương mại để bán, các  DN cũng chỉ tham gia xây dựng một số dự án nhà ở để bán cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị theo Quyết định số 67 của Thủ tướng Chính phủ.

Thực tế này cho thấy việc phát triển nhà ở cho thuê (bao gồm cả phát triển nhà ở thương mại và nhà ở xã hội để cho thuê) đều không được các địa phương và DN quan tâm.  Nguyên nhân được Bộ Xây dựng chỉ ra là do Luật Nhà ở đã có quy định về khuyến khích phát triển nhà ở để cho thuê, nhưng Nhà nước lại chưa có một chính sách cụ thể và toàn diện để điều chỉnh về vấn đề này. Trong đó, bắt buộc chính quyền các địa phương có nhu cầu lớn về nhà ở phải dành quỹ đất để xây dựng nhà ở cho thuê cũng như khuyến khích và yêu cầu các DN phải xây dựng nhà ở để cho thuê, nhằm giảm áp lực về giá bán nhà ở thương mại và tạo điều kiện cho những người có khó khăn về nhà ở có thể tạo lập được chỗ ở phù hợp với khả năng của bản thân và gia đình.

Phát triển nhà ở cho thuê không phải là một chính sách mới, nhưng do chưa có một văn bản chuyên biệt, có hiệu lực pháp lý  để cụ thể hoá quy định của Luật Nhà ở về vấn đề này, nên việc phát triển quỹ nhà ở cho thuê còn gặp nhiều khó khăn và chưa được quan tâm thực hiện trên thực tế.

Cần có Nghị định về phát triển nhà ở cho thuê

Hiện nay, đa số những người có nhu cầu thuê nhà ở đang phải thuê nhà do các hộ gia đình, cá nhân tự đầu tư xây dựng với diện tích chật hẹp, không đảm bảo an toàn, chất lượng sống. Đồng thời, việc đầu tư xây dựng nhà ở cho thuê tự phát, manh mún đã không đảm bảo tiêu chuẩn thiết kế, không phù hợp quy hoạch và ảnh hưởng không tốt đến mỹ quan đô thị.

Hình thức thuê nhà ở là rất phù hợp với các đối tượng có khả năng tích luỹ thấp, không có đủ điều kiện để mua nhà ở, các đối tượng mới lập gia đình như công nhân lao động tại các khu công nghiệp tập trung, người lao động ngoại tỉnh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng… Do đó, chính sách khuyến khích phát triển nhà ở cho thuê là một chính sách quan trọng nhằm góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp dân cư tại khu vực đô thị và người thu nhập thấp, đồng thời thúc đẩy thị trường bất động sản nhà ở phát triển đồng bộ.

Chính vì thế, Bộ Xây dựng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận để Bộ chuyển từ việc nghiên cứu, xây dựng Đề án về nhà ở cho thuê sang nghiên cứu, xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở cho thuê cho phù hợp với tình hình thực tế và quy định của Luật Nhà ở, nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng quỹ nhà ở này.

Dự kiến, nghị định sẽ có một chương để quy định toàn bộ các vấn đề liên quan đến đầu tư phát triển nhà ở cho thuê; sẽ có quy định cụ thể cơ chế ưu đãi cho các đối tượng tham gia phát triển nhà ở cho thuê nhằm tạo điều kiện thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở cho thuê như: miễn tiền sử dụng đất khi xây dựng nhà chung cư; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; cho phép chuyển sang hình thức thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm đối với nhà ở thấp tầng; vay vốn với lãi suất ưu đãi; điều chỉnh tăng mật độ xây dựng và tăng hệ số sử dụng đất so với quy định hiện hành...