Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vì sao đô thị trung tâm chưa được giải nén?

Thuỳ Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giải nén cho đô thị trung tâm, đồng thời để phát triển cân bằng, bền vững, Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội từ năm 2011 đã xác định phát triển theo mô hình chùm đô thị, gồm có khu đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh và các thị trấn sinh thái.

Đại lộ Thăng Long là tuyến huyết mạch phía Tây Hà Nội. Ảnh: Phương Sơn
Đại lộ Thăng Long là tuyến huyết mạch phía Tây Hà Nội. Ảnh: Phương Sơn

Sau nhiều năm bên cạnh việc chậm hình thành các đô thị vệ tinh, về cơ bản các thị trấn được quy hoạch là đô thị sinh thái tại trung tâm các huyện cũng chưa có thay đổi đáng kể.

Giậm chân tại chỗ sau hơn 10 năm có quy hoạch

Sau mở rộng địa giới vào năm 2008, Hà Nội đã có Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng chính phủ phê duyệt vào năm 2011. Trong đó xác định Hà Nội phát triển theo mô hình chùm đô thị gồm khu vực đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh và các thị trấn.

Các thị trấn được xây dựng theo mô hình đô thị sinh thái mật độ thấp, từ các thị trấn huyện lỵ hiện hữu như Phùng, Tây Đằng, Liên Quan, Kim Bài, Vân Đình, Đại Nghĩa, Thường Tín, Phúc Thọ, Quốc Oai, Chúc Sơn và các thị trấn mới. Đặc biệt, quy hoạch nhấn mạnh phát triển 3 thị trấn Phúc Thọ, Quốc Oai, Chúc Sơn thành các đô thị sinh thái trong khu vực hành lang xanh, đáp ứng yêu cầu về phát triển bền vững.

Nhằm cụ thể hóa định hướng của quy hoạch chung, năm 2014 - 2015, TP Hà Nội đã phê duyệt các đồ án quy hoạch chung 3 thị trấn sinh thái Phúc Thọ, Quốc Oai, Chúc Sơn. Theo định hướng phát triển, các thị trấn sinh thái sẽ trở thành trung tâm hỗ trợ phát triển vùng nông thôn. Phát triển gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa địa phương, hài hòa với không gian cảnh quan tự nhiên hiện có...

Thị trấn sinh thái Phúc Thọ trở thành trung tâm hỗ trợ phát triển vùng nông thôn với các cơ sở công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm gắn với tiểu thủ công nghiệp làng nghề, dịch vụ công cộng và các dịch vụ hỗ trợ sản xuất khác, chuyển giao công nghệ và đào tạo. Tạo liên kết chặt chẽ với khu vực phát triển nông nghiệp năng suất cao của Vĩnh Phúc ở phía Bắc.

Thị trấn Quốc Oai sẽ là đô thị sinh thái phát triển bền vững, cân bằng giữa các yếu tố văn hóa, lịch sử, môi trường tự nhiên và vùng cảnh quan sông Đáy, sông Tích, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bảo tồn các yếu tố di tích văn hóa đặc trưng, cảnh quan thiên nhiên khu vực.

Xây dựng thị trấn sinh thái Chúc Sơn trên cơ sở phát triển mở rộng thị trấn Chúc Sơn hiện hữu về phía Bắc của Quốc lộ 6, chia thành 2 vùng phát triển gồm vùng phía Đông núi Tiên Phương và vùng phía Tây núi Tiên Phương. Cụm không gian mở gồm tổ hợp các Núi Trầm, Núi Ninh, Núi Tiên Phương và thung lũng ở giữa đóng vai trò là trọng tâm không gian đô thị.

Phát triển đô thị bền vững, có bản sắc đặc trưng riêng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, thống nhất với các khu vực phụ cận và kết nối với hạ tầng khung của Thủ đô Hà Nội. Khai thác tối ưu các nguồn lực đất đai, môi trường sinh thái tự nhiên, lao động, tài chính, kết hợp bảo vệ các giá trị về di tích văn hóa lịch sử, cảnh quan sinh thái và các giá trị phi vật thể khác hiện có tại khu vực… Thế nhưng, sau hàng chục năm triển khai thực hiện quy hoạch, hầu hết bộ mặt thị trấn sinh thái tại các huyện vẫn chưa có nhiều thay đổi đáng kể.

Theo đánh giá của Sở QH - KT Hà Nội, việc phát triển các thị trấn sinh thái theo Quy hoạch chung Thủ đô chưa đồng đều, chủ yếu phát triển trên cơ sở các thị trấn cũ có sẵn các lợi thế về đầu mối giao thông, hạ tầng. Chưa chia sẻ được chức năng và động lực phát triển của các đô thị sinh thái trong cấu trúc quy hoạch vùng huyện, vành đai xanh.

Các thị trấn đều chưa đạt mức tối thiểu của đô thị cấp V. Chỉ số hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chưa đạt mức tối thiểu do chưa được đầu tư đúng mức, thiếu nguồn vốn, thiếu chính sách thu hút đầu tư, chưa có bộ máy quản lý hành chính thống nhất.

Nêu thực tế tại địa phương, đại diện Phòng Quản lý đô thị huyện Quốc Oai thừa nhận, các đồ án quy hoạch, xây dựng, quy hoạch đô thị được duyệt trên địa bàn thị trấn sinh thái Quốc Oai chủ yếu là các quy hoạch chung, tỷ lệ lấp đầy quy hoạch chi tiết thấp nên chưa đáp ứng yêu cầu đầu tư phát triển và quản lý đô thị.

Đặc biệt, khu vực thị trấn sinh thái Quốc Oai tập trung nhiều dự án và quy hoạch chi tiết được duyệt từ hồi còn thuộc tỉnh Hà Tây nhưng đến nay chưa được điều chỉnh, triển khai dẫn đến tình trạng dự án và quy hoạch treo, gây lãng phí nguồn lực đất đai.

Bên cạnh đó, công tác quản lý xây dựng đô thị vẫn chưa làm chủ được tình hình phát triển, còn tình trạng xây dựng lộn xộn, không phép hoặc trái phép vẫn diễn ra, di tích lịch sử, văn hóa và cảnh quan bị vi phạm, kết cấu hạ tầng thiếu và chưa đồng bộ nên không thu hút được đầu tư, không di dời được trường học, bệnh viện… càng không thu hút được dân số để giảm áp lực cho nội đô.

Cần sớm có tiêu chí và chỉ tiêu quy hoạch

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, thời gian qua, các huyện của Hà Nội đã đạt được thành tích rất đáng tự hào về phát triển nông thôn mới. Tuy nhiên, nằm ở trung tâm của huyện nhưng các thị trấn sinh thái lại chưa được chú trọng gắn kết phát triển đồng bộ.

Do vậy, trong đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến 2065 cần nhấn mạnh nội dung này. Vì phát triển đô thị sinh thái không chỉ là xu thế mà còn nhằm tạo bước đi và nền tảng để phát triển bền vững Thủ đô.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, GS.TS.KTS Đỗ Hậu, trong hệ thống văn bản pháp luật của Việt Nam hiện vẫn chưa có một định nghĩa chính thống nào về “đô thị sinh thái” cũng như xác định tiêu chí chuẩn một đô thị sinh thái.

Vì vậy, trong các đồ án quy hoạch chung thị trấn sinh thái Quốc Oai, Chúc Sơn và Phúc Thọ mới chỉ xác định các định hướng phát triển theo đô thị sinh thái, còn các tiêu chí, chỉ tiêu quy hoạch xây dựng đô thị sinh thái chưa được xác định cụ thể trong đồ án.

“Để phát triển đô thị sinh thái, cần xác định các tiêu chí và chỉ tiêu quy hoạch, xây dựng đô thị sinh thái cụ thể. Đối với các đô thị Phúc Thọ, Quốc Oai, Chúc Sơn, trước mắt chính quyền cần quan tâm đến môi trường, tránh khai thác quá nhiều tài nguyên thiên nhiên. Sử dụng quỹ đất xanh, đất nông nghiệp và không gian mặt nước… sao cho hiệu quả, nâng cao chất lượng cuộc sống và nâng cao ý thức của người dân.

Đồng thời, cần có sự kiểm soát, giới hạn về quy mô, tính chất, chức năng và hình thái không gian, để các khu vực này xứng đáng là trung tâm động lực đóng vai trò hỗ trợ các tiện ích công cộng, hạ tầng, thúc đẩy sản xuất, kinh tế - xã hội trong vùng huyện và phụ cận, là cầu nối để phát triển cân bằng giữa đô thị và nông thôn” - GS.TS.KTS Đỗ Hậu lưu ý. 

 

Trong định hướng của đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến 2065 vẫn tiếp tục phát triển 3 thị trấn sinh thái và các thị trấn là trung tâm đầu não hành chính cấp huyện, là hạt nhân quản lý và nâng tầm giá trị nông nghiệp của địa phương, trở thành mắt xích của mạng lưới đô thị Thủ đô.

Đây là một định hướng hợp lý, không chỉ nằm nâng tỷ lệ đô thị hóa cho TP mà còn làm trung tâm, động lực phát triển các huyện nông thôn mới của Thủ đô, cân bằng giữa phát triển giữa khu vực nông thôn và đô thị.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam