Vì sao doanh nghiệp vẫn “quay lưng” với cải tạo chung cư cũ?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự đồng thuận của người dân và sự hỗ trợ của Nhà nước là hai yếu tố then chốt để DN quyết định có tham gia xây dựng, cải tạo nhà chung cư cũ hay không.

Đây là ý kiến của ông Nguyễn Văn Đực - Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành.
Chung Cư G6A - Tập Thể  Thành Công, Hà Nội.  Ảnh Phạm Hùng
Chung Cư G6A - Tập Thể Thành Công, Hà Nội. Ảnh Phạm Hùng
Theo ông Nguyễn Văn Đực, tiến độ xây dựng, cải tạo lại các chung cư cũ, hư hỏng nặng vẫn còn rất chậm, chưa đáp ứng yêu cầu công tác chỉnh trang đô thị, và nguyện vọng của người dân. Ai cũng biết, nguyên nhân chủ yếu của thực trạng này là do lâu nay Nhà nước chưa có cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu của người dân, đồng thời thu hút, khuyến khích các DN tham gia đầu tư xây dựng, cải tạo chung cư cũ.

Tại TP Hồ Chí Minh, TP dự kiến di dời, tháo dỡ khoảng 70 chung cư cũ với hơn 7.249 hộ dân đang sinh sống và sửa chữa 3 lô chung cư cũ với quy mô 10.000m2 sàn. Đồng thời, khởi công xây dựng mới thay thế 61 lô chung cư cũ với quy mô khoảng 9.870 căn hộ, tương đương 901.696m2 sàn. Đây là con số đầu tư rất lớn mà nếu có sự tham gia của DN sẽ giảm rất nhiều gánh nặng ngân sách. Tuy nhiên, điều kiện quan trọng để các DN tham gia đầu tư xây dựng, cải tạo lại chung cư cũ, bên cạnh sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách của Nhà nước, rất cần sự đồng thuận của người dân (ở đây là các chủ sở hữu nhà chung cư cũ). Bởi vì, trong thực tế đã có việc, một khu chung cư cũ có 200 hộ dân, DN đã GPMB được đến 180 hộ dân, nhưng với 20 hộ dân còn lại không đồng thuận, mọi việc liên quan đến đầu tư đều ách tắc.

Nghị định số 101/2015/NĐ-CP của Chính phủ ban hành tháng 10/2015, về cải tạo, xây dựng lại chung cư cơ bản đã giải quyết được những vướng mắc bấy lâu nay và đưa ra được một số cơ chế khuyến khích DN như giảm thuế, tiền sử dụng đất, nguồn vốn vay ưu đãi... Tuy nhiên, dưới góc độ DN, ông Đực cho rằng có 2 điểm cần được bổ sung, làm rõ. Thứ nhất: Cần làm rõ quy định về mức điều chỉnh tăng hệ số sử dụng đất (tối đa bao nhiêu lần, tối thiểu bao nhiêu lần), chiều cao công trình như thế nào thì phù hợp và quy mô dân số tăng hay không tăng, tăng bao nhiêu lần. Tránh nguy cơ phát sinh cơ chế xin - cho có thể xảy ra bởi sự không rõ ràng. Thứ hai: Giao quyền lựa chọn nhà đầu tư cho người dân là đúng, nhưng giả sử có 10 - 20% chủ sở hữu chung cư không đồng thuận thì sao, có cưỡng chế không, sau bao lâu thì cưỡng chế? Mặt khác, cần quy định rõ mức giá cho phần diện tích chênh lệch sau khi cải tạo. Điều này là phù hợp, bởi DN khi đầu tư đã phải tốn rất nhiều các loại chi phí khác nhau. Tuy nhiên, nếu để DN "bóp" người dân - đa phần sống trong chung cư cũ là người thu nhập thấp - theo giá thị trường thì chắc chắn hai bên không thể có tiếng nói chung được.

Tóm lại, DN luôn khát dự án, khát công ăn việc làm, khát doanh thu - lợi nhuận... và sẵn sàng tham gia đầu tư xây dựng cải tạo chung cư cũ, vì hầu hết chung cư cũ đều nằm trong nội đô nơi "đất vàng - đất bạc". Nhưng nếu thiếu sự đồng thuận của người dân và sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua những cơ chế, chính sách phù hợp thì DN rất khó để tham gia.