Vùng ĐBSCL có diện tích tự nhiên 39,7 nghìn km2 (chiếm 12,2% diện tích cả nước), dân số khoảng 18 triệu người (chiếm 19% dân số cả nước), trong đó có gần 10 triệu hộ nông dân. Đây là trung tâm lớn về sản xuất lúa gạo, trái cây, nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản, đóng góp lớn vào xuất khẩu nông lâm thủy sản của cả nước…
Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết: Thời gian qua, nông nghiệp vùng ĐBSCL liên tục tăng trưởng nhờ khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế; đạt được những thành tựu phát triển vượt bậc, đóng góp tỷ lệ lớn vào tăng trưởng nông nghiệp cả nước, thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu nông sản.
Năm 2021, giá trị gia tăng tổng sản phẩm ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL tăng 1,6%, chiếm 32,2% giá trị gia tăng tổng sản phẩm trên địa bàn toàn vùng và chiếm 31,3% giá trị gia tăng tổng sản phẩm toàn ngành nông nghiệp cả nước. ĐBSCL đứng đầu cả nước về sản lượng gạo, tôm nước lợ, cá tra và trái cây; với 24,5 triệu tấn thóc (chiếm 55,4% cả nước), 0,78 triệu tấn tôm (chiếm 83,5%), 1,47 triệu tấn cá tra (chiếm 98%) và 4,3 triệu tấn trái cây (chiếm 60%).
Phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn mới được chú trọng và đạt nhiều kết quả cao; đời sống người dân nông thôn được nâng cao, điều kiện sinh hoạt được cải thiện một bước đáng kể. Cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được quan tâm đầu tư góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển và đổi mới bộ mặt nông thôn…
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL cùng lúc chịu nhiều khó khăn, thách thức, tác động lớn. Tác động biến đổi khí hậu (BĐKH) là một trong những thách thức lớn nhất; với nền đất thấp, đối diện với 2 mặt biển cả phía Đông và Tây, ĐBSCL là một trong những vùng hứng chịu nặng nề nhất tác động BĐKH.
Tác động phía thượng nguồn sông Mekong do các hoạt động kinh tế sử dụng nguồn nước, như thủy điện, chuyển nước khỏi lưu vực hệ thống, suy giảm nhanh diện tích rừng, thảm thực bì (nơi giữ nước, điều tiết nước) đã, đang và sẽ diễn ra ngày càng nghiêm trọng làm thay đổi căn bản quy luật dòng chảy khi vào đến địa phận Việt Nam.
Những điểm bất hợp lý trong sự phát triển kinh tế nội tại, như thâm canh lúa 3 vụ, khai thác cát, nguồn nước ngầm, xây dựng hạ tầng, nhà ở ven sông cùng với các hoạt động kinh tế khác gây nên tổn thương lớn đến vùng châu thổ và sự phát triển bền vững. Sử dụng quá mức thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vô cơ, ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe và chất lượng, an toàn thực phẩm.
Những hạn chế, yếu kém nội tại của nền sản xuất nhỏ, thiếu liên kết chậm được khắc phục, cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn còn nhiều yếu kém, thiếu hạ tầng logistics phục vụ kinh tế nông nghiệp, nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế là thách thức lớn để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL…
Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ trăn trở với ĐBSCL, vùng có tiềm năng, lợi thế rất lớn, điều kiện tự nhiên phát triển nông nghiệp nói chung là thuận lợi nhất trên phạm vi cả nước, rất được Đảng, Nhà nước quan tâm, nhưng vì sao ĐBSCL vẫn chưa phát triển nhanh, bền vững, chưa phát huy được hết các tiềm năng, lợi thế?
“Phải cụ thể hóa chủ trương, đường lối chính sách của Đảng về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, về phát triển ĐBSCL như thế nào” – Thủ tướng Chính phủ đặt vấn đề và đề nghị các đại biểu tập trung trả lời các câu hỏi: Tư duy đột phá ở đây là gì, tầm nhìn chiến lược ở đây là gì? ĐBSCL cần gì về mặt thể chế? ĐBSCL khẳng định sản phẩm chủ lực là gì, quy hoạch vùng nguyên liệu thế nào?
Vùng cần phát triển hạ tầng như thế nào, cụ thể là hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội (giáo dục, y tế), hạ tầng thích ứng BĐKH, hạ tầng chuyển đổi năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng nào làm trước, hạ tầng nào làm sau? Nâng cao năng suất lao động trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, tổ chức, quản trị, liên kết thế nào?
“Một vấn đề rất quan trọng khác là giải bài toán thị trường một cách căn cơ khi thời gian vừa qua, chúng ta tích cực giải quyết vấn đề ùn tắc nông sản tại cửa khẩu biên giới theo tinh thần vừa giải bài toán trước mắt, vừa phải có giải pháp chiến lược, lâu dài” – Thủ tướng lưu ý.
Phát biểu tiếp thu chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, nhờ vào vị trí địa lý, điều kiện thiên nhiên, ĐBSCL đã trở thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, sớm tiếp cận nền kinh tế thị trường. Nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao, so với bình quân cả nước, cung ứng đa dạng các mặt hàng lúa gạo, trái cây, thuỷ sản, đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan lẫn nội tại, ĐBSCL chưa cất cánh như kỳ vọng.
Gần đây, ĐBSCL đón thêm một cơ hội khi Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ. Cần Thơ luôn được xác định là trung tâm nối kết các địa phương trong vùng. “Cùng với hệ thống giao thông đường bộ, trong đó các tuyến cao tốc trong giai đoạn trung hạn 2021-2025, các dự án thủy lợi, phòng chống thiên tai, sạt lở bờ sông, bờ biển, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư, mở ra nhiều dư địa phát triển mới, ĐBSCL dần khơi thông điểm nghẽn về một vùng trũng hạ tầng như Thủ tướng đã từng phát biểu” – Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Tuy nhiên, theo ông Hoan, cơ hội chỉ được khởi tạo và tận dụng, khi từng địa phương và cả vùng chuẩn bị thật tốt, thật đồng bộ ngay từ bây giờ, với tâm thế sẵn sàng, chủ động. Nếu không, sẽ mãi dừng lại ở cơ hội. Khi hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông - vận tải, đô thị, thủy lợi, phòng chống thiên tai, logistics phục vụ nông nghiệp, nông thôn, thì ĐBSCL sẽ như thế nào?
“Chắc chắn dòng chảy nông sản đến thị trường sẽ nhanh hơn, chi phí sẽ giảm hơn, sức cạnh tranh hàng hóa sẽ cao hơn. Doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhất là đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông nghiệp công nghệ cao, chế biến sâu... sẽ đến với ĐBSCL ngày càng nhiều hơn” - Bộ trưởng NN&PTNT chia sẻ.
Cũng theo vị tư lệnh ngành nông nghiệp, ĐBSCL có 13 tỉnh, thành phố, khoảng 150 đơn vị cấp huyện, hơn một ngàn đơn vị cấp xã, gần 10 triệu hộ nông dân đang đứng trước lựa chọn chuyển từ “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp”. Hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học bị suy thoái, sau thời gian dài lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đặt ra thách thức lớn với định hướng tiến đến một nền nông nghiệp xanh…
Những vấn đề nội tại cho thấy, dù hạ tầng được đầu tư như thế nào, nhưng nếu không giải quyết thỏa đáng những nút thắt thì cũng khó và chậm cải thiện được tình hình mất cân đối cung cầu, chặng đường hướng tới thị trường chất lượng cao, tạo ra giá trị gia tăng cao và tăng thêm thu nhập cho người nông dân, lại càng thêm xa.
Sự điều phối theo chuỗi ngành hàng, tính liên kết vùng, tiểu vùng giữa các địa phương cần phải được chú trọng ngay đầu mùa vụ, chứ không phải chỉ tập trung xử lý khi nông sản ùn ứ sau thu hoạch. Mỗi địa phương cần chủ động mở rộng không gian liên kết, phát triển.
“Đất đai có thể manh mún, địa giới hành chính có thể bị chia cắt, nhưng tư duy không thể manh mún, không gian kinh tế không thể bị chia cắt” – Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.