Hiện người lao động và chuyên gia chưa được đi bằng phương tiện cá nhân (xe máy, xe mô tô) vào địa phận tỉnh Đồng Nai để làm việc |
Hiện nay 100% người lao động tại Công ty PouChen Việt Nam (công ty có 16.000 lao động, hoạt động tại phường Hóa An, TP Biên Hòa) đi làm bằng xe máy, trong đó có rất nhiều lao động đang ở trọ tại địa phận tỉnh Bình Dương giáp ranh |
Sáng ngày 15/10, trao đổi với PV báo Kinh tế và Đô thị, một lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Đồng Nai (xin không nên tên) cho biết, trước đó TP Hồ Chí Minh đã có Dự thảo hai văn bản 3513 xin ý kiến các tỉnh liên vùng (TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An) là phải thống nhất với nhau về phương án đi lại của người lao động và người dân (theo chỉ đạo của Thủ tướng). Trong đó, văn bản 3513 của TP Hồ Chí Minh thì tỉnh Đồng Nai thống nhất về những đối tượng được di chuyển đi lại liên vùng (gồm những người vận chuyển hàng hóa, đi khám chữ bệnh, đi làm công vụ, công nhân và chuyên gia).
Trong văn bản 3513 này TP Hồ Chí Minh chỉ đưa ra đề nghị di chuyển công nhân và chuyên gia bằng xe ô tô thôi (chứ không đưa ra phương án đưa công nhân và chuyên gia bằng xe mô tô và xe gắn máy cá nhân), và tỉnh Đồng Nai đã thống nhất hoàn toàn với TP Hồ Chí Minh với nội dung này.
Sau đó TP Hồ Chí Minh có thêm văn bản 3552 gửi đến tỉnh Đồng Nai xin ý kiến về việc di chuyển công nhân và chuyên gia, trong đó có hai phương án, một là di chuyển bằng xe ô tô đưa rước công nhân tập trung; hai là cho công nhân và chuyên gia di chuyển bằng phương tiện cá nhân là xe mô tô và xe gắn máy.
“Thời điểm TP Hồ Chí Minh gửi văn bản 3552 thì tình hình dịch tại Đồng Nai vẫn còn phức tạp, đặc biệt TP Biên Hòa giáp ranh với TP Hồ Chí Minh dịch Covid-19 vẫn còn hết sức phức tạp. Do đó phương án di chuyển bằng xe cá nhân (mô tô, xe máy) cho công nhân sẽ dễ dẫn đến Đồng Nai không thể kiểm soát được tình hình hình dịch Covid-19. Vì vậy, ngày 14/10 tỉnh Đồng Nai đã có văn bản thông báo cho TP Hồ Chí Minh thống nhất phương án cho phép người lao động và chuyên gia vào tỉnh bằng xe ô tô đưa rước công nhân tập trung và ô tô cá nhân. Còn phương tiện xe mô tô, xe máy cá nhân, khi nào Đồng Nai hoàn toàn ổn định dịch Covid-19 sẽ thực hiện theo lộ trình, chứ không phải là không cho”.
Cũng theo vị lãnh đạo này “Đồng Nai làm rất kỹ càng trong vấn đề này. Hiện Đồng Nai mới nhận được Nghị quyết 128 của Chính phủ, trong đó có chia vùng dịch ra thành 4 cấp 1,2,3,4. Nhưng phải đợi hướng dẫn của Bộ Y tế phân định rõ từng cấp. Vì vậy Đồng Nai nói rõ là phải chờ hướng dẫn của Bộ Y tế để thực hiện theo Nghị quyết 128 của Chính phủ là như vậy”.
Tuy nhiên, ngày 13/10, Bộ Y tế đã chính thức ban hành hướng dẫn cách tính tiêu chí đánh giá cấp độ dịch và các biện pháp chuyên môn y tế nhằm thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Theo đó, Bộ Y tế đã đưa ra các biện pháp hướng dẫn chuyên môn y tế, trong đó tập trung việc tăng cường khả năng đáp ứng của hệ thống y tế khi có dịch. Đồng thời yêu cầu các địa phương phải có phương án phòng chống dịch đối với từng cấp độ dịch và sẵn sàng triển khai khi có dịch…
Không để tình trạng cục bộ, cát cứ! Ngày 11/10, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid - 19” và có hiệu lực từ ngày ký. Nghị quyết nêu: Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid - 19” với mục tiêu bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể, phấn đấu trong năm 2021. Đồng thời tạo điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, đưa đời sống sinh hoạt của Nhân dân dần trở lại tình trạng bình thường mới; không để tình trạng cục bộ, cát cứ trong ban hành và thực hiện các giải pháp trên mức cần thiết gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất kinh doanh, đời sống xã hội. |