Ô nhiễm môi trường
Vừa qua, Báo Kinh tế & Đô thị nhận được phản ánh của một số người dân sống dọc tuyến mương Thuỵ Khuê (phường Thuỵ Khuê, quận Tây Hồ) về những bất cập trong tác triển khai dự án cải tạo hệ thống mương thoát nước Thuỵ Khuê – tình trạng chậm tiến độ, thi công “xôi đỗ”… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, đời sống của người dân trong khu vực.
Theo phản ánh của người dân, dự án cải tạo mương thoát nước Thuỵ Khuê đã được triển khai từ hơn chục năm nay. Tuy nhiên, đến thời điểm này, trên tuyến vẫn còn 3 điểm chưa được triển khai xây dựng, tạo ra những điểm mương lộ thiên gây mất vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị.
“Vào những ngày nắng, mùi hôi thối bốc lên từ mương thoát nước Thuỵ Khuê khiến những gia đình nơi đây luôn trong cảnh cửa đóng, then cài, rất bí bách… ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân trong khu vực” - một người dân trong khu vực cho biết.
Không chỉ gây mất vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị, việc dự án cải tạo hệ thống mương thoát nước Thuỵ Khuê phải triển khai theo kiểu “xôi đỗ” (khu vực nào đảm bảo mặt bằng thì tổ chức thi công đến đó - PV), đã khiến việc di chuyển, sinh hoạt của người dân gặp rất nhiều khó khăn, bất tiện.
Một số người dân trong khu vực cho biết thêm, trước tình trạng trên, người dân trong khu vực đã nhiều lần phản ánh với chính quyền địa phương nhưng bản thân họ - chính quyền địa phương vẫn chưa có câu trả lời chính xác cho vấn đề này.
“Chính quyền địa phương có trả lời chúng tôi rằng, nguyên nhân khiến dự án chậm tiến độ là do chậm GPMB để tạo mặt bằng sạch cho đơn vị thi công. Thế nhưng, bao giờ những khó khăn trên được tháo gỡ thì chính quyền địa phương cũng không có câu trả lời chính xác” – một người dân trong khu vực cho biết.
Sớm tháo gỡ những vướng mắc
Liên quan đến vấn đề này, Trưởng phòng GPMB và Phát triển quỹ đất, Ban QLDA Đầu tư xây dựng quận Tây Hồ Nguyễn Hải Dương cho biết, dự án cải tạo hệ thống mương thoát nước Thuỵ Khuê có 325 trường hợp (11 tổ chức và 314 hộ gia đình, cá nhân) thuộc diện thu hồi đất. Đến nay, chủ đầu tư dự án đã tiếp nhận mặt bằng của 317/325 trường hợp và đã hoàn thành thi công trên phần diện tích được bàn giao mặt bằng.
Hiện chỉ còn tồn tại đoạn mương dài hơn 100m từ ngõ 167 Thụy Khuê đến ngõ chùa Châu Lâm và một phần khu vực ngõ 123A Thụy Khuê chưa được triển khai xây dựng do chưa có mặt bằng sạch.
Cũng theo ông Nguyễn Hải Dương, trong khu vực dự án còn 8 trường hợp người dân đã đồng ý bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên, do toà nhà CT2 Xuân La – khu vực được bố trí tái định cư chưa đưa vào sử dụng, nên các đơn vị chức năng chưa thể bàn giao nhà tái định cư cho các hộ gia đình để thu hồi nốt mặt bằng phục vụ dự án.
Liên quan đến việc vì sao toà nhà CT2 Xuân La chưa thể đi vào sử dụng, trả lời báo chí, đại diện Phòng Quản lý dự án 2, Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình dân dụng thành phố Hà Nội cho biết, khi triển khai xây dựng, công trình được thi công theo đúng thiết kế được phê duyệt và đã được Sở Xây dựng nghiệm thu hoàn thành công trình.
Tuy nhiên, khi bàn giao cho đơn vị quản lý, vận hành tòa nhà theo hướng dẫn tại Quyết định số 20/2011/QĐ-UBND ngày 5/7/2011 của UBND thành phố Hà Nội về việc ban hành quy chế bàn giao, tiếp nhận, quản lý công trình nhà ở, căn hộ và các hạng mục xây dựng công trình phụ trợ thuộc các khu chung cư phục vụ công tác tái định cư trên địa bàn thành phố, đã phát sinh một số yêu cầu của đơn vị tiếp nhận hệ thống điện, nước trong tòa nhà để bán đến từng hộ dân, nên thời gian bàn giao bị kéo dài.
Như vậy có thể thấy, nguyên nhân sâu xa khiến dự án cải tạo hệ thống mương thoát nước Thuỵ Khuê bị chậm tiến độ là những thay đổi của chính sách trong quản lý nhà tái định cư nhằm hướng đến sự phục vụ tốt nhất đối với người dân thuộc diện tái định cư.
Do đó, kiến nghị các đơn vị có liên quan khẩn trương khắc phục những tồn tại, bất cập nhà tái định cư CT2 nói riêng và các dự án nhà tái định cư khác trên địa bàn thành phố sớm đi vào hoạt động. Từ đó phục vụ tốt hơn việc phát triển hạ tầng của Thủ đô.