Lễ Thất tịch ngày 7/7 âm lịch gắn liền với sự tích về mối tình đau khổ của Ngưu Lang và Chức Nữ. Tương truyền, Ngưu Lang là một anh chàng chăn trâu nghèo khó nhưng lại rất chăm chỉ, thiện lương nên đã dành được tình cảm của nàng tiên Chức Nữ - con gái út của Vương Mẫu Nương Nương. Nàng có nhiệm vụ chuyên dệt các đám mây ngũ sắc trên bầu trời.
Hai người nên duyên vợ chồng, trải qua những năm tháng hạnh phúc bên nhau và có được 2 người con, một trai một gái.
Nhưng vào một ngày, Chức Nữ phải trở về thiên đình theo lệnh của Ngọc Đế. Ngưu Lang đau khổ đuổi theo, nhưng bị chặn lại bởi con sông Thiên Hà, ranh giới giữa hai cõi phàm tiên. Thế nhưng Ngưu Lang không rời đi mà ở đó chờ đợi mãi.
Từ đó, bên cạnh sông Thiên Hà có thêm một vì sao, mọi người gọi đó là sao Ngưu Lang. Vương Mẫu vì cảm động trước tình cảm chân thành của Ngưu Lang nên đã đồng ý cho họ mỗi năm gặp nhau một lần vào ngày Thất tịch (7 /7 âm lịch).
Do vậy, ngày Thất tịch trở thành ngày biểu tượng cho tình yêu đôi lứa ở một số quốc gia phương Đông. Những năm gần đây, giới trẻ rất quan tâm đến ngày Thất tịch, thậm chí còn gọi đây là Valentine phương Đông.
Vào ngày lễ Thất tịch, các bạn trẻ thường rủ nhau ăn các món từ đậu đỏ, thường là chè đậu đỏ để cầu nhân duyên, mong sớm gặp ý trung nhân. Ngoài chè đậu đỏ, mọi người cũng thường ăn những món ăn được làm từ đậu đỏ như xôi đậu đỏ, cháo đậu đỏ, kem cá đậu đỏ, bánh bao nhân đậu đỏ…
Theo quan niệm của nhiều nước, đậu đỏ là vật mang lại nhiều may mắn, bởi màu đỏ tương trưng cho sự tốt lành, vui vẻ và hạnh phúc. Ăn đậu đỏ trong ngày Thất tịch được coi là cách cầu nhân duyên, hoặc giúp cho tình cảm lứa đôi được vững bền, không bị chia cắt.
Không có bằng chứng hay lý luận nào xác minh rằng “ăn đậu đỏ thoát ế” nhưng giới trẻ ngày nay vẫn nhiệt tình hưởng ứng trào lưu này như một cách lưu truyền nét đẹp văn hóa. Hơn nữa, chè đậu đỏ cũng là món ăn rất tốt cho cơ thể. Vì thế, cứ đến ngày Thất tịch, món chè đậu đỏ đặc biệt được người đang cô đơn, độc thân, thậm chí cả những cặp tình nhân lựa chọn làm món ăn ưa thích.