Ngày 3/2, Hà Nội ghi nhận trường hợp hộ ông Nguyễn Văn Sơn ở xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ có tổng đàn 2.397 con vịt cho kết quả dương tính cúm A/H5N6. Ngày 9/2, cũng tại xã Phú Nghĩa, tiếp tục phát sinh 3 hộ chăn nuôi, tổng đàn 3 hộ là 4.410 con có biểu hiện nghi cúm gia cầm.
Tính đến nay, trên địa bàn TP có 4 hộ chăn nuôi gia cầm ốm chết, trong đó, 1 hộ chăn nuôi dương tính với cúm A/H5N6. Tổng số gia cầm tiêu hủy của 4 hộ là 6.807 con. Tất cả các hộ đều nằm trên địa bàn xã Phú Nghĩa.
Đáng lo ngại, đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội cho viết, thời gian tới, nguy cơ bùng phát dịch bệnh vẫn rất cao. Sở dĩ vậy là bởi hiện nay, thời tiết có diễn biến bất lợi, mưa phùn, lạnh, ẩm ướt làm sức đề kháng vật nuôi giảm, mầm bệnh có điều kiện phát sinh. Mặt khác, chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn TP vẫn chiếm tỷ lệ cao. Nhận thức của người dân về chăn nuôi an toàn sinh học và chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn gia cầm tại một số địa phương còn thấp…
Trước diễn biến dịch bệnh cúm gia cầm, Sở NN&PTNT Hà Nội đã chỉ đạo Chỉ cục Chăn nuôi và Thú y giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại cơ sở; chuẩn bị vật tư, hóa chất, vắc xin để triển khai các giải pháp phòng, chống dịch kịp thời.
Cùng với đó, duy trì hoạt động các chốt kiểm dịch động vật tại các đầu mối giao thông và Tổ Kiểm dịch động vật liên ngành lưu động TP. Kiểm tra, rà soát, bổ sung đầy đủ vật tư, hóa chất phục vụ kịp thời công tác phòng, chống dịch…
Để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm, Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã tăng cường giám sát, thực hiện tốt các giải pháp phòng, chống dịch. Kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển gia cầm trái phép vào địa bàn. Làm tốt công tác tuyên truyền để người chăn nuôi tự chủ động phòng, dịch bệnh. Đồng thời, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng tốt biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để không để dịch bệnh xảy ra.