Vì sao Hà Nội khó nhân rộng mạ khay, cấy máy?

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Áp dụng mạ khay, cấy máy cho năng suất lúa tăng 10 - 12% so với phương pháp truyền thống, giảm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân. Hiệu quả đã rõ, song việc nhân rộng mạ khay máy cấy tại Hà Nội vẫn gặp nhiều khó khăn.

Rõ lợi ích

Vụ Xuân 2022, xã Minh Đức (huyện Ứng Hòa) có tới hơn 50% diện tích lúa áp dụng mô hình mạ khay, cấy máy. Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Minh Đức Chu Văn Tráng chia sẻ, nhờ cấy máy, mật độ thoáng nên cây lúa phát triển tốt, ít sâu bệnh.

Những năm gần đây, đa số diện tích gieo cấy bà con không phun thuốc trừ sâu mà năng suất vẫn cao hơn lúa cấy tay trung bình 10%. Bởi vậy, tuy có nghề phụ cho thu nhập ổn định nhưng người dân Minh Đức không bỏ ruộng hoang.

Gieo cấy lúa bằng mạ khay, cấy máy tại huyện Quốc Oai. Ảnh: Ngọc Ánh
Gieo cấy lúa bằng mạ khay, cấy máy tại huyện Quốc Oai. Ảnh: Ngọc Ánh

Phú Xuyên là một trong những huyện tiên phong của TP trong việc ứng dụng mạ khay, cấy máy. Nếu như năm 2012, diện tích cấy máy của huyện chỉ đạt 70ha thì nay đã đạt hơn 1.000ha, chiếm 16% tổng diện tích gieo cấy. Vụ Xuân 2022, Phú Xuyên gieo cấy hơn 6.800 mẫu lúa.

Huyện đã hoàn thành 100% diện tích gieo cấy trong tháng 2/2022 với tỷ lệ cấy máy đứng top đầu TP.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên Lê Tiến Xuân cho biết, áp dụng cấy máy, nông dân được giải phóng công đoạn nặng nhọc là cấy tay. Toàn bộ quy trình từ làm đất, đổ ải, gieo cấy đến gặt hái, bà con nông dân chỉ cần thuê hợp tác xã làm dịch vụ giá 260.000 – 280.000 đồng/sào.

So với gieo cấy lúa truyền thống, áp dụng phương pháp mạ khay, máy cấy giúp tiết giảm chi phí được từ 3,9 – 5,4 triệu đồng/ha.

Những năm gần đây, Hà Nội đã có nhiều chính sách hỗ trợ thúc đẩy cơ giới hóa đồng bộ sản xuất lúa. Trong đó nổi bật là nguồn Quỹ Khuyến nông TP cho vay mua máy cấy và hỗ trợ 50% kinh phí mua máy theo mô hình khuyến nông (tối đa 75 triệu đồng/đầu máy).

Quốc Oai là huyện sớm thành lập được trung tâm sản xuất mạ khay phục vụ nhân rộng cấy máy trên địa bàn. Ảnh: Ngọc Ánh
Quốc Oai là huyện sớm thành lập được trung tâm sản xuất mạ khay phục vụ nhân rộng cấy máy trên địa bàn. Ảnh: Ngọc Ánh

Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương, chỉ tính riêng năm 2021, Trung tâm hỗ trợ các địa phương xây dựng mô hình điểm về mạ khay, cấy máy đạt gần 700ha. Đánh giá hiệu quả cho thấy, riêng khâu gieo mạ khay, cấy máy đã giúp giảm chi phí sản xuất so với gieo mạ và cấy tay truyền thống 4,3 - 7,6 triệu đồng/ha. Ngoài ra, áp dụng gieo mạ khay cấy máy, ruộng lúa thông thoáng, giảm sâu bệnh hại, giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật; năng suất lúa cao hơn so với cấy truyền thống 10 - 12%. Cụ thể, vụ Xuân năng suất lúa đạt 61 - 69 tạ/ha, vụ Mùa đạt 60 - 62 tạ/ha.

Sớm tháo gỡ khó khăn bằng cơ chế

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện nay, việc áp dụng mô hình mạ khay cấy máy trên địa bàn TP còn thấp, chỉ đạt 2 - 4% tổng diện tích gieo cấy mỗi vụ.

Mặc dù ngành nông nghiệp Hà Nội đã tổ chức rất nhiều hội nghị, hội thảo về mạ khay, cấy máy để các địa phương tham khảo. Hiệu quả kinh tế - xã hội đã rõ nét nhưng việc nhân rộng mô hình không ít khó khăn do nhiều nguyên nhân.

Đó là thiếu mặt bằng để phát triển mạ khay; nhân lực vận hành mạ khay, cấy máy còn thiếu; đồng ruộng canh tác không đồng đều, gây khó khăn cho di chuyển của máy cấy và giữ nước. Ngoài ra, sản xuất mang tính thời vụ, thời gian gieo cấy trong một vụ rất ngắn, không kịp quay vòng; kinh phí đầu tư ban đầu lớn, lâu thu hồi vốn… cũng ảnh hưởng đến việc nhân rộng mô hình.

Đây là những khó khăn, hạn chế cần được TP tiếp tục quan tâm, có cơ chế hỗ trợ để tạo động lực thu hút các hợp tác xã mạnh dạn đầu tư làm dịch vụ mạ khay, cấy máy.

 

Sở NN&PTNT tiếp tục tham mưu cho TP có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm hộ và hộ gia đình làm dịch vụ cơ giới hóa; ban hành chính sách hỗ trợ linh hoạt, khuyến khích phát triển cơ giới hóa theo đặc thù từng địa phương, tăng mức hỗ trợ trực tiếp để khuyến khích người dân mua máy tốt, máy có công suất lớn, đáp ứng được tính khẩn trương của thời vụ...

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường

Đưa ra những giải pháp để nhân rộng mô hình mạ khay, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng, trước hết, các địa phương cần tuyên truyền nhiều hơn nữa về hiệu quả của áp dụng mạ khay, cấy máy để người dân biết và đồng loạt áp dụng. Cùng với đó, cần quy hoạch được vùng sản xuất tập trung, hệ thống kênh mương thủy lợi đáp ứng diện tích ruộng cấy; áp dụng đồng bộ biện pháp kỹ thuật từ khâu làm đất đến gieo cấy.

Đặc biệt, chính quyền địa phương cần có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư cơ giới hóa trong khâu gieo cấy, như tạo điều kiện về mặt bằng để hợp tác xã xây dựng kho bãi, nhà xưởng chứa máy móc, giá thể, tập kết khay mạ.

Chỉ khi nào giải quyết tốt những bất cập trên thì việc triển khai nhân rộng mô hình mạ khay cấy máy mới lan tỏa rộng khắp trên toàn TP và mang lại lợi nhuận cho nhà nông.

Cũng theo ông Tạ Văn Tường, Sở NN&PTNT tiếp tục tạo điều kiện về vốn vay thông qua nguồn Quỹ Khuyến nông TP để các hộ nông dân có thể tham gia đầu tư sản xuất mạ khay, cấy máy.

Đồng thời, tăng cường liên kết với các tổ chức, DN xây dựng chuỗi thu mua lúa gạo từ vùng sản xuất áp dụng mạ khay, cấy máy nhằm khuyến khích nông dân tham gia.