Huyền thoại Kenny G sẽ diễn trong concert Kenny G Live in Vietnam. Chương trình này nằm trong dự án Good Morning Vietnam do Báo Nhân Dân và IB Group Vietnam khởi xướng và tổ chức.
Người ta có thể tranh cãi ai là nghệ sĩ saxophone vĩ đại nhất, là Charlie Parker, John Coltrane hay Stan Getz. Nhưng có lẽ chẳng ai tranh cãi về nghệ sĩ saxophone nổi tiếng rộng khắp nhất. Đó hẳn nhiên phải là Kenny G, người đã bán được 75 triệu đĩa nhạc trên toàn thế giới. Những danh ca như Aretha Franklin hay những huyền thoại rock như Nirvana cũng chỉ bán chạy tới thế mà thôi.
Âm nhạc của Kenny G giống như bản soundtrack của biết bao người sinh ra trong những năm 70 và 80 trên toàn thế giới. Người ta được nghe thấy nó dù đang ở đâu, trong thang máy, trong nhà hàng, trong cửa hiệu mua sắm, khi chờ đến lượt khám bệnh trong phòng khám nha khoa, giữa các chương trình truyền hình trên tivi và đài phát thanh... Thậm chí ở một số đất nước, người ta mở bản Going Home của Kenny G để báo hiệu cho mọi người biết rằng đã tới giờ tan sở về nhà, và cứ tới tầm chiều muộn là bản nhạc thiết tha êm đềm của ông vang lên khắp phố phường. Đâu đâu cũng là Kenny G.
Nhiều khán giả nhận xét tiếng kèn của Kenny G mang tính biểu tượng như mái tóc xoăncủa ông, tạo nên thương hiệu "lãng tử saxophone". Điệu kèn da diết, uyển chuyển, khác biệt so với điệu jazz truyền thống với cách chơi ngẫu hứng, nghịch âm phức tạp. Khán giả của Kenny yêu những giai điệu du dương, có tính xoa dịu, chữa lành của ông. Kể cả những người chưa từng tiếp xúc jazz, cũng dễ dàng hiểu được.
Năm 1986, khi album Duotones được phát hành với hai ca khúc Songbird và Don’t Make Me Wait For Love, chúng đã trở thành những bản hit vô tiền khoáng hậu trong dòng nhạc jazz. Đặc biệt với Songbird, chỉ nghe vài nốt nhạc đầu tiên ngân nga là thính giả đã được trôi vào một cõi bềnh bồng thơ mộng.
Kenny G không quá chú trọng về kỹ thuật. Trong phim tài liệu Listening to Kenny G (HBO sản xuất năm 2021), khi được hỏi "Ông chịu ảnh hưởng thế nào bởi những người đi trước?", nghệ sĩ đáp: "John Coltrane hay Charlie Parker, kỹ thuật của họ thật phi thường. Nhưng kiểu âm nhạc như vậy chưa bao giờ khiến tôi rung động. Vậy nên đó không phải thứ nhạc tôi muốn sao chép".
"Chân thành, cảm động" (heartfelt) là từ Kenny G thường dùng để miêu tả triết lý âm nhạc của mình. Thay vì khiến khán giả choáng ngợp vì kỹ thuật điêu luyện, ông chỉ muốn đi vào trái tim khán giả một cách đơn giản, chân thành.
Những ứng tác điêu luyện, những đoạn trình diễn bùng nổ, những sáng tạo lạ lùng như những bậc thầy jazz tiền bối, ông chỉ muốn đi vào trái tim khán giả một cách chân thành và giản đơn nhất. Chẳng cần khả năng thẩm âm thì khán giả nghe Forever in Love cũng cảm nhận được cái mênh mông của tình yêu, nghe The Moment cũng thấy cái lắng sâu của khoảnh khắc ái tình, nghe những bản nhạc mùa Giáng Sinh trong hai album Miracles và Fatih đã bán ra tổng cộng 15 triệu bản của Kenny G thì cũng muốn đu đưa theo.
Khi chơi nhạc, các nghệ sĩ jazz thường xuyên có những cuộc "đối thoại" bằng âm nhạc với những nhạc sĩ jazz trong quá khứ, nhưng Kenny G thì không. Ông gần như chỉ nói chuyện với chính những người đang nghe mình, cá biệt có album New Standard ra mắt hai năm trước lấy cảm hứng từ nhạc jazz thập niên 50-60, có cả đoạn sử dụng sample từ nghệ sĩ saxophone huyền thoại Stan Getz.
Nhiều nghệ sĩ jazz thường có những album lấy cảm hứng từ các huyền thoại trong quá khứ, nhưng Kenny G thì không. Ông sáng tạo một cõi riêng để trò chuyện với khán giả. Nghệ sĩ tập trung vào giai điệu mềm mại, du dương, thay vì những đoạn ngẫu hứng đặc trưng của jazz. Thập niên 90, ông thường kết hợp với những biểu tượng nhạc pop hoặc R&B như How Could An Angel Broke My Heart (với Toni Braxton), Everytime I Close My Eyes (với Babyface), By The Time This Night Is Over (với Peabo Bryson). Tiếng kèn của Kenny G nâng đỡ, quấn quít tiếng hát của ca sĩ, tạo ra các bản nhạc tình êm dịu.
Có tư duy cởi mở, Kenny G còn hợp tác rapper Kanye West trong bài Use This Gospel. Ông cũng xuất hiện trong video Last Friday Night (T.G.I.F) với vai "chú Kenny". Nghệ sĩ chơi saxophone trên sân thượng trong buổi tiệc của bạn bè cháu gái.
Nhưng chính việc pop hóa jazz, phá vỡ lằn ranh giữa jazz sang trọng, truyền thống và các thể loại nhạc đại chúng, từng khiến Kenny G bị hoài nghi. Nhiều chuyên gia âm nhạc đặt câu hỏi các bài hát của ông có thực sự là jazz. Sau cùng, họ đã dùng thuật ngữ "smooth jazz" để nói về thứ âm nhạc mà ông theo đuổi.
Một trong những đặc sản không thể thiếu trong các đêm nhạc của Kenny G là phần biểu diễn thật dài chỉ với một nốt nhạc duy nhất. Ông từng được sách kỷ lục Guinness công nhận là nghệ sĩ saxophone chơi được một nốt dài nhất, khi chơi nốt Mi giáng tới 45 phút liền! Mặc dù không được xếp là kỹ thuật chơi chính thức, cách ông thổi và giữ được hơi lâu luôn khiến khán giả trầm trồ. Vì thế, các buổi biểu diễn của Kenny G luôn tràn đầy hứng khởi, những tràng vỗ tay không ngớt.
Những cây kèn Selmer Mark VI có một lịch sử rực rỡ. Chỉ được sản xuất trong khoảng 30 năm từ 1954 - 1981, nhưng dòng kèn này đã được quá nhiều những tên tuổi lừng lẫy của saxophone ưa chuộng: đó là Sonny Rollins, là John Coltrane, và tất nhiên, đó là Kenny G. Ngoài cây soprano saxophone quen thuộc, đôi khi Kenny G cũng biểu diễn alto, tenor sax và cả sáo. Nhưng điều đặc biệt là tất cả những cây kèn gắn bó với ông đều là những cây kèn từ những buổi đầu tập chơi nhạc ở trường trung học.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2014, Kenny G chia sẻ kỷ niệm mua cây kèn của mình thế này: "Tôi đăng một quảng cáo trên báo khi còn học ở trường trung học Franklin; lúc đó tôi 17 tuổi. Bài quảng cáo viết: Đang tìm: Soprano sax. Một anh chàng đến từ Lacey, Washington này đã hồi đáp". Vậy là Kenny G mua cây soprano sax từ anh ta với giá 300 USD. Nhưng vì sao ông không đổi kèn, dù khi là người học việc hay khi đã trở thành một ngôi sao?
Ông lý giải trong một cuộc phỏng vấn khác: "Khi tôi dùng một chiếc kèn mới, một chiếc kèn khác, nó chỉ như là một miếng kim loại với tôi. Nó không giống nhạc cụ của tôi, không giống như giọng nói của tôi, nếu bạn thứ lỗi cho sự so sánh ấy". Cây kèn là giọng nói của Kenny G, là một phần hữu cơ với ông, là một phần cơ thể nối dài của ông. Ngay cả điều này cũng trùng khớp triết lý âm nhạc của Kenny G. Có thể có những cây đàn đắt tiền hơn, kỳ công hơn, cũng như có thể có những kiểu nhạc jazz sang trọng hơn, tráng lệ hơn, nhưng ta vẫn chọn nghe Kenny G với cây sax cũ bao năm không đổi, bởi ở đó ta thấy một người đã vươn tới đỉnh cao bằng cách chơi nhạc thật nhất với những gì có trong trái tim mình.
Nhiều khán giả Việt biết đến Kenny lần đầu năm 1994, khi ông xuất hiện trong bế mạc World Cup 1994 ở Mỹ, độc tấu bài Quốc ca. Thế hệ 7x, 8x biết đến ông qua những chiếc đài cassette cổ, những chiếc tivi lồi phát nhạc không lời một thời. Khi đến Việt Nam biểu diễn lần đầu năm 2015, concert của ông hút nhiều khán giả, từ người dân lao động cho tới giới doanh nhân. Trở lại vào tháng 11 năm nay, Kenny G dự định mang đến cho khán giả Việt nhiều điều mới mẻ, qua những tiết mục được phối mới, và đặc biệt là phần trình diễn dân ca Việt Nam.