Vì sao khó giữ thầy giỏi?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không phải là vấn đề mới phát sinh, nhưng vụ khởi kiện các nhân tài vi phạm hợp đồng...

Kinhtedothi - Không phải là vấn đề mới phát sinh, nhưng vụ khởi kiện các nhân tài vi phạm hợp đồng Đề án 922 của TP Đà Nẵng mới đây lại thêm một lần gióng hồi chuông báo động về tình trạng "chảy máu chất xám". Rõ ràng, tình trạng này vẫn đang tiếp diễn với nhiều bất hợp lý.

Cam kết, ràng buộc chưa đủ mạnh

Câu chuyện “trở về” có 2 góc độ. Thứ nhất, những người giỏi xin được học bổng nghiên cứu sinh ở nước ngoài sau đó không về nước. Họ cho rằng, điều kiện làm việc ở trong nước không bằng nước ngoài, đã thế tìm được việc lại khó. Còn nếu làm ở cơ quan Nhà nước, thu nhập không đủ sống, sao có thể chuyên tâm nghiên cứu khoa học. Vậy là nhiều người chọn con đường ở lại làm việc vài năm đến khi có tích lũy sẽ trở về. Cũng có người sống và làm việc luôn ở nước ngoài. Thứ hai là những người có năng lực được Nhà nước đầu tư cho ra nước ngoài học sau đại học (ĐH), nhưng sau đó không thực hiện nghĩa vụ về làm việc cho đơn vị đã cử đi học. Lại có những người trở về nhưng làm việc giữa chừng rồi bỏ ngang đi làm việc khác.
Một nhóm nghiên cứu sinh Đại học Bách khoa Hà Nội  bên đề tài thực nghiệm.
Một nhóm nghiên cứu sinh Đại học Bách khoa Hà Nội bên đề tài thực nghiệm.
Lý giải cho thực trạng này, TS Phạm Thị Ly - chuyên gia quản lý giáo dục, Giám đốc Chương trình nghiên cứu của Viện Đào tạo quốc tế, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho hay: “Đối với du học sinh theo con đường khoa học, về nước rất khó đi theo hướng nghiên cứu, vì lương thấp, thiếu những nhóm nghiên cứu mạnh, thiếu trang thiết bị… Quan trọng nhất, môi trường làm việc không hỗ trợ tài năng”. Hơn thế, PGS Lê Hữu Lập - Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông còn nhấn mạnh đến yếu tố cam kết, ràng buộc không đủ mạnh, chưa bền vững để người giỏi thiết tha trở về. Chẳng hạn, trước khi đi học theo đề án, học viên chỉ phải ký cam kết nếu vi phạm phải đền bù tiền, gia đình cũng ký vào đơn xin đi học. Thế nhưng, sau vài năm gia đình có biến động, người đi học muốn kéo dài thời gian vì lý do chính đáng, nhưng không được nhà trường giải quyết. Trong khi Nhà nước lại chưa có bộ phận chuyên trách quản lý và giải quyết sự việc phát sinh. Người vi phạm hợp đồng muốn đền bù tiền nhưng gặp khó về thủ tục. Vì thế, trong câu chuyện này, PGS Lập đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện chính sách về hành chính, kinh tế. Việc lập cam kết trước khi đi nước ngoài học phải chặt chẽ, cụ thể hơn. Nếu người đi học ở lại nước ngoài làm việc, thủ tục bồi hoàn tiền phải được thực hiện dễ dàng. Các cơ quan, đơn vị cũng phải xây dựng những chính sách về kinh tế và môi trường để tạo điều kiện cho người giỏi trở về làm việc. Và khi họ làm công việc không phát huy được thế mạnh, muốn chuyển ra làm bên ngoài thì cũng nên tạo điều kiện, tất nhiên họ phải bồi hoàn khoản tiền Nhà nước đã đầu tư cho đi học.

Tạo môi trường và điều kiện làm việc

Lãnh đạo các trường ĐH đều hiểu, muốn thu hút người tài, giải pháp tối ưu là trả lương cao và tạo môi trường làm việc tốt. Thế nhưng, các trường, nhất là khối công lập gặp khó ở cơ chế ràng buộc. Trường cũng không thể trả lương cao cho TS đi học ở nước ngoài về khi những giáo viên giỏi đang làm việc ở trường không được. Bởi vậy, một số trường đã đề ra chính sách ưu đãi người tài trong điều kiện của riêng mình. Ví như ĐH Bách khoa Hà Nội cho hưởng ngay 100% lương, thay vì hưởng mức lương TS tập sự. Bên cạnh ưu ái về thu nhập, nhà trường tạo cơ hội cho các TS trẻ được giảng dạy những mảng sở trường, tham gia đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường. “Khi các bạn phát huy được khả năng thì cũng tạo ra được thành công cho mình và nhà trường. Đó là điều quan trọng" - PGS Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội thông tin.

PGS Lập cũng đồng tình với việc trả lương theo năng lực cho những người tài để tạo cơ chế cạnh tranh bình đẳng. Ngoài phần lương cứng theo ngạch bậc, TS mới về nước trong 5 năm đầu được hưởng thu nhập tính theo tiết giảng gấp 2 lần. Sau 5 năm, họ làm mới khả năng tiếng Anh, có các công trình nghiên cứu được đăng tạp chí tính điểm thì số tiết giảng vẫn được tính bằng 2 hoặc 1,5 lần, còn nếu không thì chỉ là 1. Quay trở lại câu chuyện người tài trở về gắn bó lâu dài, bản thân lãnh đạo nhà trường cũng cần biết năng lực và thế mạnh của từng người để bố trí công việc phù hợp. Việc này nhằm tránh xảy ra trường hợp đáng tiếc như vừa qua cựu quán quân Olympia Doãn Minh Đăng - giảng viên Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ bị kỷ luật vì phản ứng việc nằm trong quy hoạch vị trí Phó Hiệu trưởng.

GS Nguyễn Văn Hiếu - ĐH Bách khoa Hà Nội chia sẻ: "Về nước công tác dĩ nhiên sẽ gặp khó khăn về đời sống, điều kiện làm việc, nhưng khi có quyết tâm, đó sẽ là động lực vượt qua. Chỉ có điều cần có sự chuẩn bị trước khi về nước. Ví dụ, phải tìm và liên hệ trước được viện nghiên cứu phù hợp với định hướng, mục đích nghiên cứu của mình. Không thể đòi thế này thế kia, trong khi Việt Nam chưa đủ năng lực để làm và chưa có chính sách thu hút nhân tài thì rất khó".

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần