Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vì sao khó xử lý tội phạm rửa tiền?

Bài, ảnh: Thiên Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tội phạm rửa tiền không phải là loại hình mới tại Việt Nam. Tuy nhiên, ghi nhận trên thực tế, việc điều tra, truy tố và xét xử đối với loại tội phạm này lại luôn gặp nhiều khó khăn.

Vậy vì sao loại tội phạm này lại khó xử lý sẽ được chúng tôi làm rõ trong bài viết dưới đây.
Sắp xét xử vụ rửa tiền đầu tiên
Theo dự kiến, ngày mai (16/2), TAND TP Hà Nội sẽ mở lại phiên tòa xét xử vụ án “Tham ô tài sản; Rửa tiền” xảy ra tại Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn dương (Vinashinlines). Trong vụ án này, bị cáo Giang Văn Hiển (67 tuổi) bị cáo buộc về hành vi giúp sức cho con trai là Giang Kim Đạt (SN 1977) - nguyên quyền Trưởng phòng Kinh doanh của Vinashinlines tham ô số tiền hơn 259 tỷ đồng.
Cụ thể, để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, Đạt nhờ bố đẻ trực tiếp đứng tên mở 22 tài khoản ngoại tệ tại 4 ngân hàng trong nước để nhận và rút tiền hoa hồng.

Bị cáo Giang Văn Hiển tại phiên tòa ngày 21/1.

Mỗi lần thông báo có tiền, Đạt đã cung cấp số tài khoản của bị cáo Hiển cho các công ty nước ngoài chuyển về. Tổng cộng, các công ty nước ngoài có 92 lần chuyển tiền vào tài khoản của Hiển với số tiền hơn 259 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền chiếm đoạt, Đạt đầu tư vào bất động sản trong nước và chuyển tiền ra nước ngoài.
Có thể nói, Giang Văn Hiển là bị cáo đầu tiên tại nước ta được đưa ra xét xử về tội “Rửa tiền”. Liên quan đến vụ án này, khi trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, vụ án Giang Kim Đạt là điển hình của tội phạm tham nhũng, rửa tiền và rất ít khi áp dụng tại Việt Nam.
Có khung pháp lý nhưng vẫn vướng
Theo quy định tại Bộ Luật hình sự (BLHS) năm 1999, loại tội phạm này được quy định tại Điều 251: Tội hợp pháp hóa tiền, tài sản do phạm tội mà có. Tuy nhiên, phải đến BLHS (sửa đổi) năm 2009 thì thuật ngữ “Rửa tiền” mới chính thức được đưa vào sử dụng. Theo đó, rửa tiền là hành vi của cá nhân, tổ chức tìm cách hợp pháp hóa tiền, tài sản do phạm tội mà có thông qua các hoạt động như: tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào một giao dịch liên quan đến tiền, tài sản do phạm tội mà có…
Mặc dù khung pháp lý đã có nhưng theo ghi nhận thì việc thực thi vẫn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Còn theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc truy tố và đưa ra xét xử tội phạm về rửa tiền rất hiếm do nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân chính là việc chứng minh dòng tiền còn gặp nhiều khó khăn. Bởi, các giao dịch tài chính tại Việt Nam thì tiền mặt vẫn chủ đạo và hạn chế việc giao dịch, thanh toán qua ngân hàng. Trong khi hiện nay chúng ta lại đang thiếu một cơ chế quản lý tiền mặt rõ ràng nên khó có thể làm minh bạch nguồn gốc các khoản tiền. Ngoài ra, quy định pháp luật hiện hành còn một số điểm hạn chế như không truy cứu trách nhiệm đối với người tự rửa tiền và pháp nhân thương mại; chỉ quy định tiền do phạm tội mà có chứ chưa chỉ rõ do phạm tội nào mà có…
Nhìn nhận thực tế này, luật sư Hoàng Thị Khánh Linh – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, Việt Nam đang thực hiện chính sách thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài nên sẽ có lượng tiền mặt lưu thông trên thị trường nhiều và đây là điều kiện thuận lợi cho tội phạm rửa tiền hoạt động. Tuy nhiên, việc điều tra, truy tố, xét xử đối với tội phạm rửa tiền gặp nhiều khó khăn vì liên quan đến chứng minh, xác định chủ thể, tội danh. Do vậy, theo quy định hiện hành thì việc xử lý người phạm tội rửa tiền luôn kèm theo việc phải chứng minh người đó phạm một hoặc một số tội phạm cụ thể. Đây là vấn đề rất phức tạp và nhiều khi không chứng minh được tội phạm mà người đó đã thực hiện trước đó.
Mặt khác, có trường hợp tội phạm đã hết hiệu lực truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người phạm tội đã chết thì Cơ quan Điều tra không thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can nên không thể chứng minh nguồn gốc tài sản do phạm tội mà có được. Do đó, không có căn cứ vững chắc để truy cứu trách nhiệm hình sự người có hành vi hợp pháp hóa tiền, tài sản nêu trên… Đây cũng là một trong các lý do mà các vụ án về tội phạm rửa tiền ít bị phát hiện và xử lý.