Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vì sao khu vực phía Tây Hà Nội ngập sâu trong nước?

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Do ảnh hưởng của bão số 2, trong các ngày 23, 24/7, tại nhiều khu vực trên địa bàn Thủ đô, đặc biệt là khu vực phía Tây rơi vào cảnh ngập úng kéo dài. Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng trên?

Lượng mưa vượt ngưỡng

Đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, đêm ngày 23, sáng ngày 24/7 trên địa bàn thành phố xảy ra mưa trên diện rộng. Tổng lượng mưa đo được tại thời điểm 6 giờ ngày 24/7 dao động từ 138mm đến 295,8mm. Trong đó, quận Hoàn Kiếm 167,6mm; Hoàng Mai 266,3mm; Ba Đình 159,1mm; Cầu Giấy 161,3mm; Hai Bà Trưng 190,4mm; Tây Hồ 138 mm; Đống Đa 151,1mm; Nam Từ Liêm 212,2mm; Thanh Xuân 202,4mm; Hà Đông 295,8mm; Long Biên 171,8mm; Sóc Sơn 136,7mm; Quốc Oai 274,1mm; Đông Anh 215,7mm; Thanh Oai 256,4mm; Thanh Trì 222,5mm; Đan Phượng 180,4mm; Gia Lâm 175,3mm; Ứng Hoà 205,1mm…

Khu đô thị Geleximco Lê Trọng Tấn ngập sâu trong nước.
Khu đô thị Geleximco Lê Trọng Tấn ngập sâu trong nước.

Lượng mưa lớn diễn ra trên diện rộng trong một thời gian dài, đã khiến mực nước tại các sông dâng cao, phát sinh hàng loạt các điểm ngập úng như: Đàm Quang Trung, Cổ Linh, Ngọc Lâm, Hoa Lâm, Vũ Xuân Thiều trung bình 20 - 25cm, Hoàng Như Tiếp ngập 10cm (quận Long Biên); Phan Văn Trường; Dương Đình Nghệ (quận Cầu Giấy); Tòa nhà UDIC - Võ Chí Công (quận Tây Hồ)… đặc biệt là khu vực Triều Khúc (quận Thanh Xuân); Phùng Hưng (Yên Xá), điểm QL6 bến xe Yên Nghĩa, đường Quyết Thắng (quận Hà Đông); Đại lộ Thăng Long, các hầm chui… rơi vào cảnh ngập úng kéo dài, ngập từ đường và nhà dân, nhấn chìm nhiều xe máy, giao thông đi lại khó khăn.

Đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho hay, nguyên nhân khiến các khu vực phía Tây như: tuyến Đại lộ Thăng Long, khu vực Triều Khúc, Văn Quán… xảy ra úng ngập kéo dài là do đây là vị trí các điểm trũng so với khu vực, cao độ nền thấp hơn khu vực xung quanh nên khi mưa lớn, nước chảy theo mặt đường dồn về nhanh gây ra úng ngập cục bộ. Mặt khác, do hệ thống thoát nước vận hành theo nguyên lý tự chảy nhưng các trạm bơm đầu mối hiện nay chưa được xây dựng hoàn thiện đồng bộ theo quy hoạch nên việc tiêu thoát nước ra nguồn xả còn hạn chế.

Đẩy nhanh xây dựng các trạm bơm

Ông Trịnh Ngọc Sơn – Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, để khắc phục tình trạng trên, trước mắt đơn vị sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở NN&PTNT, Công ty Thuỷ lợi sông Nhuệ thống nhất quy trình phối hợp trong công tác khống chế mực nước sông Nhuệ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thoát nước của lưu vực ra sông Nhuệ; Phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư có công trình, dự án thi công ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước, thống nhất phương án dẫn dòng, phối hợp ứng trực, thanh thải, phá đập quây khi có mưa…

Phố Triều Khúc ngập sâu trong nước.
Phố Triều Khúc ngập sâu trong nước.

Song, theo ông Trịnh Ngoc Sơn, đây chỉ là những biện pháp trước mắt, về lâu về dài Hà Nội cần đầu tư xây dựng các công trình tiêu thoát nước theo quy hoạch như: các trạm bơm Nam Thăng Long 9m3/s, Ba Xã 20m3/s và hệ thống các hồ điều hoà như Cổ Nhuế 1, 2, Phú Đô…để giảm thiểu tình trạng ngập úng cho khu vực này.

Đặc biệt, đối với khu vực Đại lộ Thăng Long, đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, đề đảm bảo thoát nước cho khu vực này trong giai đoạn trạm bơm Yên Nghĩa chưa thể vận hành đủ công suất thiết kế, đơn vị đề xuất xây dựng các trạm bơm dã chiến như: trạm bơm Đìa Sáo cuối kênh T2-4-2 để hạ thấp mực nước trên kênh; trạm bơm Đồng Tép bơm hạ mực nước kênh Đồng Tép và kênh Trung Thượng trước, trong và sau khi mưa nhằm giảm mức độ úng ngập cũng như thời gian ngập cho khu vực…

Cùng với đó, các đơn vị chức năng cần đầu tư xây dựng các công trình tiêu thoát nước theo quy hoạch như: trạm bơm Liên Mạc 170m3/s, Liên Trung 30m3/s, Yên Thái 54m3/s, Đào Nguyên 25m3/s, Cao Viên 60m3/s… cùng với 531ha hồ điều hoà và cụm công trình đầu mối kèm theo và xây dựng hệ thống thoát nước dọc tuyến Đại lộ Thăng Long theo quy hoạch để dẫn nước thoát ra sông Đáy qua trạm bơm Đào Nguyên.