Vì sao kinh tế Đà Nẵng tăng trưởng âm sau 23 năm?

Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lần đầu tiên kể từ ngày trở thành TP trực thuộc trung ương, kinh tế Đà Nẵng tăng trưởng âm 3,61%. Nguyên nhân cơ bản do cơ cấu những ngành kinh tế mũi nhọn, và đóng góp cho tăng trưởng đã bị tác động nhiều chiều từ dịch bệnh Covid-19.

Dịch vụ chiếm 64% quy mô nền kinh tế
Lần đầu tiên kể từ ngày trở thành TP trực thuộc Trung ương (tháng 1/1997), kinh tế Đà Nẵng tăng trưởng âm 3,61% trong 6 tháng đầu năm 2020. Tại kỳ họp thứ 15, HĐND TP Đà Nẵng diễn ra sáng 7/7, các đại biểu đã dành nhiều thời gian tập trung thảo luận về vấn đề này.
 Đại biểu Nguyễn Đức Trị.
Theo đó, nhiều ý kiến đồng nhất cho rằng, GRDP của Đà Nẵng giảm 3,61% chủ yếu do cơ cấu kinh tế với ngành dịch vụ vốn chiếm 64% trong tổng quy mô. Trong khi đó, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến ngành dịch vụ 6 tháng qua bị sụt giảm 4,62%. Điều này kéo theo sự sụt giảm của hàng loạt các ngành kinh tế mũi nhọn khác.
Đại biểu Nguyễn Đức Trị nêu: So với cả nước, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Đà Nẵng 6 tháng đầu năm đáng báo động. Đà Nẵng nằm trong nhóm 5 địa phương có tốc độ tăng trưởng thấp nhất cả nước; nằm trong nhóm 12 địa phương tăng trưởng âm; là TP trung ương duy nhất tăng trưởng âm. Nguyên nhân chủ yếu là do cơ cấu kinh tế của Đà Nẵng. Cụ thể, ngành dịch vụ chiếm 64% trong tổng quy mô của nền kinh tế, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dịch vụ đã sụt giảm 4,62%.
Ông Trị đặt tiếp vấn đề: Trong 6 tháng đầu năm, chỉ duy nhất ngành nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,22%, nhưng khu vực này chỉ chiếm 2,42 trong tổng quy mô của nền kinh tế. Điều đó đã dẫn đến GRDP của Đà Nẵng âm 3,61%.
Đại biểu Phan Thị Tuyết Nhung phân tích: Trong tương quan giữa 5 TP trực thuộc trung ương, GRDP của Đà Nẵng âm 3,61% là sự sụt giảm đáng kể. Tuy nhiên đây cũng là điều phù hợp với thực tế chung của các tỉnh thành có cơ cấu ngành dịch vụ, du lịch, thương mại lớn như TP Đà Nẵng. Bởi cơ cấu những ngành kinh tế mũi nhọn và đóng góp cho tăng trưởng đã bị tác động nhiều chiều từ dịch bệnh. Du lịch giảm thì kéo theo ăn uống, lữ hành, lưu trú, thương mại, vận tải… giảm.
Tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Từ những phân tích trên, các đại biểu đều cho rằng Đà Nẵng cần tập trung điều chỉnh, chuyển dịch cơ cấu các ngành để nền kinh tế phát triển bền vững.   
 Đại biểu Phan Thị Tuyết Nhung phát biểu tại kỳ họp.
Đại biểu Phan Thị Tuyết Nhung đề xuất TP tiếp tục có sự tính toán cơ cấu ngành để đảm bảo phù hợp, nhằm tránh những biến động lớn xảy ra khi có sự cố như đại dịch Covid-19. “Trong thời gian này, Đà Nẵng cần đẩy mạnh ngành công nghệ thông tin (CNTT) trong cơ cấu nền kinh tế, và phấn đấu đưa tỷ lệ đóng góp GRDP của ngành này từ 7% lên 10 - 15% trong thời gian sớm nhất”, bà Nhung nói.
Để làm được điều này, theo bà Nhung, Đà Nẵng cần đẩy nhanh tiến độ các dự án như: Khu Công viên phần mềm số 2 tại phường Thuận Phước (quận Hải Châu); xúc tiến và tạo điều kiện để các nhà đầu tư tham gia đầu tư vào Khu CNTT tập trung 131 ha tại Hòa Liên; xúc tiến kêu gọi các nhà đầu tư tham gia vào Khu Công viên phần mềm mở rộng tại Hòa Xuân (Quận Cẩm Lệ)…
Đại biểu Trần Đình Hồng cho rằng, kinh tế TP Đà Nẵng hơn 20 năm qua chuyển dịch đúng hướng trong cơ cấu kinh tế hiện nay. Trong đó, dịch vụ chiếm 64% và có xu hướng tiếp tục tăng. “Theo tôi, cần nghiên cứu lại tỷ lệ đóng góp trong cơ cấu kinh tế của các ngành, xác định tỷ lệ tối đa của khu vực dịch vụ, tới ngưỡng nào? Bên cạnh đó, Đà Nẵng cần tăng tỷ lệ đóng góp công nghiệp, phát triển một số ngành có tính ổn định cao. Có như thế, kinh tế TP mới phát triển bền vững trong tương lai”, ông góp ý kiến.
Còn ông Nguyễn Đức Trị bày tỏ: “Theo tôi, TP cần xem lại cơ cấu của nền kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp xây dựng và nông lâm thủy sản”.
 Đà Nẵng sẽ tập trung điều chỉnh lại cơ cấu nền kinh tế.
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho biết, sau kỳ họp này, TP sẽ tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Theo đó, sau Covid-19, ngành dịch vụ điều chỉnh xuống khoảng 60% trong cơ cấu. 
Bên cạnh đó, để nền kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững trong thời gian tới, các đại biểu cho rằng Đà Nẵng cần tập trung thực hiện hiệu quả các dự án, công trình trọng điểm, động lực; tăng đầu tư công; tổ chức nhiều chương trình kich cầu du lịch, đa dạng hóa, nâng cao sản phẩm du lịch; cần sớm tổ chức một buổi đối thoại để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong trong bối cảnh hiện nay.
Đặc biệt, Đà Nẵng cần nắm bắt cơ hội từ Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị; phải làm tốt hơn nữa công tác quảng bá thương hiệu để trở thành điểm đến ưu việt về đầu tư, nhất là công nghệ cao, công nghệ thông tin.  
Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP) Đà Nẵng 6 tháng đầu năm 2020 ước giảm 3,61% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, dịch vụ giảm 4,62%; công nghiệp - xây dựng giảm 1,8%; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,3% và thuế sản phẩm giảm 2,4%.
Quy mô nền kinh tế 6 tháng của Đà Nẵng ước đạt 51.072 tỷ đồng, thu hẹp hơn 918 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, quy mô khu vực dịch vụ bị thu hẹp nhiều nhất với 758 tỷ đồng; khu vực công nghiệp và xây dựng 261 tỷ đồng; thuế sản phẩm 12 tỷ đồng; riêng khu vực nông, lâm nghiệp thủy sản tăng thêm 114 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần