Vì sao lại là Donbass?

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giới chuyên gia quốc tế đánh giá, kết quả của “trận chiến Donbass” có thể là bước ngoặt đối với chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.

Thiên thời - địa lợi - nhân hòa

Theo giới chức Ukraine, bắt đầu từ tuần này, trung tâm công nghiệp ở phía Đông nước này đã trở thành trọng tâm của một đợt tấn công mới từ Nga, nơi mà “một bộ phận đáng kể của quân đội Nga hiện đang tập trung” - theo tuyên bố của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào đêm 18/4. Kể từ năm 2014, sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn đã chiến đấu với các lực lượng Ukraine ở Donbass - bao gồm các khu vực Luhansk và Donetsk.

Một đoàn xe bọc thép tại khu vực do Nga kiểm soát ở rìa phía Nam vùng Donbass, tháng 3/2022. Ảnh: Reuters
Một đoàn xe bọc thép tại khu vực do Nga kiểm soát ở rìa phía Nam vùng Donbass, tháng 3/2022. Ảnh: Reuters

Sau 3 tháng Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, các chuyên gia tin rằng có nhiều yếu tố trong trận chiến Donbass đang có lợi cho Moscow. Trước hết, điều kiện thời tiết giá lạnh của mùa Đông sẽ được cải thiện đáng kể khi mùa Xuân đến, giúp địa hình trở nên dễ dàng di chuyển hơn với lực lượng của Nga.

Tướng Richard Barrons, cựu lãnh đạo Bộ chỉ huy các lực lượng liên quân của Vương quốc Anh, nhận định với BBC, khi thời tiết cải thiện sẽ có nhiều cơ hội hơn cho các xe tăng Nga “tràn ra đường thay vì bị hạn chế như khi ở gần Kiev”.

Tiến sĩ Peter Caddick-Adams, nhà sử học quân sự và là Giám đốc của Viện Nghiên cứu quốc phòng và an ninh toàn cầu, cho rằng địa hình rộng mở, bằng phẳng ở phía Đông sẽ là một bất lợi với Ukraine - bên đã dựa vào các rừng và đồi để tấn công quân đội Nga ở các TP khác.

“Các trận chiến hiện đại bao gồm xe tăng, pháo binh, bộ binh và máy bay trực thăng yểm trợ cùng nhau tiến lên. Điều đó sẽ rất tốt nếu diễn ra ở những nơi có nhiều chỗ che, nơi có đồi núi trập trùng và rừng rậm” - ông Caddick-Adams giải thích - “Nhưng Donbass phẳng hơn nhiều, sẽ gây khó khăn cho Ukraine vì người Nga có thể thấy tất cả khi họ xông lên”.

Khi giao tranh bắt đầu ở phía Đông, Tổng thống Zelensky đã đưa ra những lời kêu gọi mới về việc cung cấp nhiều vũ khí hơn. Phần lớn sự hỗ trợ của phương Tây cho Kiev chỉ giới hạn ở các loại vũ khí phòng thủ như tên lửa chống tăng và phòng không. Một số quốc gia đã bắt đầu cung cấp vũ khí hạng nặng hơn, bao gồm Cộng hòa Séc cung cấp xe tăng và Mỹ gửi pháo. Tuy nhiên tiến sĩ Caddick-Adams vẫn tỏ ra nghi ngại: “Không có cơ sở để tin rằng Ukraine có đủ hệ thống vũ khí hoặc nhân lực để chống chọi với sự gia tăng lực lượng khổng lồ của Nga”.

Khu vực Donbass có chung đường biên giới với Nga, khiến đường tiếp tế cho các lực lượng của Moscow được rút ngắn hơn nhiều so với những nơi khác ở Ukraine. Đó là một phần lý do khiến các lực lượng Nga được cho đã gặp khó khăn bởi các vấn đề hậu cần trong giai đoạn đầu của chiến dịch, khi một số hình ảnh được ghi lại cho thấy nhiều phương tiện của Nga bị mắc kẹt trên đường vì hết nhiên liệu.

Sau những thiên thời - địa lợi nói trên, một lợi thế đáng kể với Moscow lúc này ở mặt trận phía Đông là tình cảm “thân Nga” tại đây. Donbass là trung tâm công nghiệp chủ yếu nói tiếng Nga, nơi Moscow đã vun đắp mối quan hệ chặt chẽ với phe ly khai đang kiểm soát các vùng lãnh thổ trong khu vực. Trước chiến dịch, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh công nhận khu vực Luhansk và Donetsk là các nước cộng hòa độc lập - một động thái bị phương Tây lên án là hành động bất hợp pháp.

Khoảng 600.000 hộ chiếu Nga đã được cấp cho người dân Donbass kể từ khi ông Putin ký một sắc lệnh vào tháng 4/2019, cho phép họ đăng ký nhập quốc tịch theo một thủ tục nhanh chóng hơn. Reuters dẫn nguồn một cựu quan chức cấp cao của Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng nói với hãng tin này vào năm 2016 cho biết, Moscow cũng trực tiếp cung cấp lương và lương hưu cho khu vực công ở 2 vùng ly khai.

“Sau 8 năm chiến đấu, có khá nhiều người sẽ hướng về Moscow hơn là Kiev” - tiến sĩ Caddick-Adams nêu quan điểm. Ông cho biết, tình cảm “thân Nga” và chống chính phủ đã bắt đầu ở Donbass ngay sau cuộc xung đột năm 2014, được thúc đẩy bởi tình trạng thất nghiệp, ý thức độc lập mạnh mẽ và sự mất kết nối hoàn toàn với thủ đô phía Tây Ukraine.

Bước ngoặt của cuộc chiến

“Người Nga chắc chắn có thể chiếm Donbass trong giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến. Họ có thể chọn tấn công trực tiếp Severodonets (một TP ở Luhansk) hoặc họ có thể tạo vòng cung về phía Tây tại Kramatorsk và cắt đứt các đơn vị Ukraine” - tiến sĩ Matthew Ford, giảng viên cao cấp về quan hệ quốc tế tại Đại học Sussex, nói với iNews.

Truyền thông phương Tây dự đoán rằng Nga đang hướng đến một tuyên bố chiến thắng tại Donbass vào đúng ngày 9/5 tới, trùng với kỷ niệm Chiến thắng phát-xít của Hồng quân Liên Xô trong Thế chiến II. Mặc dù điều này sẽ tạo ra một kết thúc mang tính biểu tượng, các chuyên gia hầu như bác bỏ thời hạn chóng vánh này.

Sam Cranny Evans, một nhà phân tích nghiên cứu tại Rusi, lưu ý: “Một chiến thắng nghĩa là người Nga sẽ phải kết thúc các hoạt động chiến đấu ở Mariupol (TP cảng ở miền Nam Ukraine) và giành quyền kiểm soát một vùng đất rộng lớn. Tính riêng vùng Donetsk đã rộng 26.500km2 và tôi không biết làm thế nào họ sẽ giành được chiến thắng quyết định ở đó trong 20 ngày, khi mà chỉ mình Mariupol đã tốn hơn 50 ngày như hiện nay”.

Như một quan chức an ninh quốc gia cấp cao đã từng dự báo với Nội các của Anh rằng, giai đoạn tiếp theo trong cuộc chiến Nga - Ukraine có thể là “một cuộc xung đột tiêu hao lực lượng”, có thể kéo dài tới “vài tháng”. Kịch bản Nga vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ không ngờ của người Ukraine như ở Kiev hay các vùng khác trước đó vẫn có thể lặp lại ở mặt trận phía Đông. Để thấy, một chiến thắng hoàn toàn ở Donbass được cho là khả thi đối với các lực lượng Nga, nhưng không hẳn là dễ dàng.

“Đối với Moscow, tầm quan trọng của việc giành quyền kiểm soát Donbass nằm ở việc cho người dân Nga thấy rằng chiến dịch đặc biệt đã đạt được một số kết quả có ý nghĩa” - tiến sĩ Ford nhận định - “Đây không phải là sự tái hợp nhất hoàn toàn Ukraine vào Nga, nhưng sẽ là một “lá bài” quan trọng để giao dịch trong tương lai”.

Đồng quan điểm, tiến sĩ Martin Smith - giảng viên cao cấp về quốc phòng và các vấn đề quốc tế tại Học viện Quân sự Hoàng gia Sandhurst - nói: “Điểm mấu chốt với chính quyền Tổng thống Putin sẽ là thiết lập quyền kiểm soát lâu dài và đáng tin cậy đối với toàn bộ Donbass, đảm bảo hành lang trên bộ giữa Donbass và Crimea, đồng thời buộc Chính phủ của ông Zelensky nhượng bộ lãnh thổ này trong một cuộc đàm phán nào sau đó”.

“Tôi nghĩ chúng ta đang ở thời điểm then chốt, để xem liệu hai bên có thể đạt được hòa bình, một thỏa thuận đình chiến hay xung đột vẫn còn kéo dài” - Justin Crump, cựu chỉ huy lực lượng xe tăng của Anh, hiện là người đứng đầu Công ty Tư vấn quốc phòng Sibylline Ltd., nhận định với AP.

 

"Đối với Moscow, tầm quan trọng của việc giành quyền kiểm soát Donbass nằm ở việc cho người dân Nga thấy rằng chiến dịch đặc biệt đã đạt được một số kết quả có ý nghĩa." - Tiến sĩ Matthew Ford, giảng viên cao cấp về quan hệ quốc tế tại Đại học Sussex, Vương quốc Anh

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần