Luật sư, chuyên gia kinh tế Trương Thanh Đức - Công ty Luật Basico |
- Thực tế, việc tăng thuế vấp phải phản đối vì người dân chưa cảm thấy được thụ hưởng lợi ích từ việc này. Phải khẳng định, người dân sẵn sàng nộp thuế nếu mục đích sử dụng tiền nộp thuế của Chính phủ là minh bạch, vì cuộc sống tốt hơn cho mỗi người dân và cho toàn thể xã hội. Đơn cử như câu chuyện nhà tôi đang ở, tôi sẵn sàng trả tiền điện, nước, dịch vụ cây xanh, không gian vì tôi được hưởng lợi từ những dịch vụ này. Tôi cũng sẵn sàng nộp thuế môi trường để được hít thở không khí trong sạch hơn.
Lấy ví dụ như tại Canada, Chính phủ thu thuế của dân để phục vụ những mục đích rõ ràng, đồng nào ra đồng đấy, người dân còn kiểm soát được chi tiêu của chính quyền địa phương có hiệu quả hay không thông qua những cơ chế, chính sách của chính quyền đối với người dân. Trái lại, ở Việt Nam không ai biết tiền thuế của dân được chi tiêu cụ thể thế nào, tiền thuế do dân đóng góp đã đi đâu về đâu? Cuối cùng chỉ thấy dùng tiền thuế của dân chủ yếu để trả lương và trả nợ, còn rất ít để tái đầu tư cho phát triển và càng không còn để dành cho an sinh, phúc lợi.
Tiền đầu tư cho phát triển mà không có, thì sau này cũng lại không có tiền để bảo đảm phúc lợi xã hội. Cho nên, ở Việt Nam, đi đâu, làm gì cũng phải chi tiền từ học phí, viện phí cho đến phí vào công viên, thậm chí vệ sinh công cộng. Bởi vậy, khi bất kỳ một sắc thuế mới nào ra đời, người dân sẽ đặt ra câu hỏi: Vậy thu thuế thêm của người dân để làm gì, có ích lợi, tác dụng gì cho họ hay không?Như lý giải của Bộ Tài chính, tăng thuế là việc cần thiết phải thực hiện trong bối cảnh ngân sách khó khăn như hiện nay. Vậy để thuyết phục người dân sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước, Chính phủ cần làm những gì, thưa ông?- Với bối cảnh cuộc sống, nền kinh tế, môi trường pháp lý như ở Việt Nam hiện nay, bất kể một chính sách nào làm tăng nghĩa vụ tài chính của người dân đều sẽ bị phản ứng. Cho nên, Chính phủ phải có lộ trình đủ dài và cách thức hợp lý để kế thừa toàn bộ những sắc thuế cũ thay vì tạo ra những sắc thuế mới. Tôi cho rằng không nên đặt tỷ lệ thu thuế cao mà cần giữ nguyên mức thuế cũ và có điều chỉnh, có thể giảm thu thuế này, tăng thu thuế kia.
Lấy ví dụ đối với thuế tài sản, hiện nay khi mua nhà người dân đang phải đóng phí trước bạ 1%. Nếu Luật Thuế tài sản đi vào hiện thực, không có lý do gì để Nhà nước tiếp tục thu phí mà bản chất là thu thuế như vậy. Có chăng chỉ nên thu phí phục vụ việc quản lý giấy tờ, hồ sơ, sổ sách giao dịch tài sản. Hoặc đến khi người dân bán nhà, thì Nhà nước phải đánh thuế khác đi so với khi chưa thu thuế tài sản.Nhắc đến thuế tài sản, đây có lẽ là sắc thuế bị người dân phản đối nhất từ trước đến nay, dù loại thuế này đã được rất nhiều nước trên thế giới áp dụng. Quan điểm của ông về sắc thuế này như thế nào? - Đối với sắc thuế này, tôi ủng hộ về nguyên tắc, nhưng phản đối trên thực tế. Thuế tài sản không phải là thuế doanh thu, không phải là thuế lợi nhuận, nên không thể đánh đồng, đánh đồng thì không còn ý nghĩa của thuế này nữa. Mục đích của việc đánh thuế tài sản là điều tiết, chống đầu cơ, sử dụng hiệu quả tốt hơn tài sản và phân bổ nguồn tài sản xã hội. Thuế tài sản chỉ cần tập trung vào tiêu dùng, cái không sử dụng, còn sản xuất, kinh doanh đã có các loại thuế khác rồi.Kinh nghiệm của các nước thì rất ít để chúng ta có thể học tập được. Nếu có học chỉ là học việc phải đánh thuế này, phải thu thuế này. Còn thu như thế nào, thu bao nhiêu… lại là câu chuyện từ chính chúng ta.Trong đề xuất đánh thuế tài sản, câu chuyện mà dư luận đưa ra mổ xẻ và nhận được nhiều ý kiến bất đồng nhất vẫn là ngưỡng đánh thuế. Vậy theo ông, ngưỡng nào là hợp lý thay cho ngưỡng 700 triệu đồng mà Bộ Tài chính đang đề xuất?- Theo tôi, không cần quan tâm đến diện tích, hay vị trí của bất động sản, vì mọi thứ đều phải có mẫu số chung. Bộ Tài chính nên bỏ cách tính giá trị nhà và tính theo đơn giá xây dựng mà thay vào đó cứ quy ra đúng giá thị trường để đánh thuế đối với phần tài sản có giá trị ngoài 5 tỷ đồng. Mức này là mức giá trị tài sản đối với những người khá giả trong xã hội, có khả năng chi trả thuế.Thuế tài sản chỉ cần đánh vào người giàu vì họ sở hữu nhiều tài sản (vật – đất đai, bất động sản; tiền; giấy tờ có giá trị; quyền tài sản). Thuế tài sản cần chủ đích vào những người có khả năng nộp thuế, có thu nhập và cần miễn cho người nghèo. Lấy ví dụ nếu người ta có nhà 10 tỷ đồng thì cần phải đánh thuế. Còn nếu người ta có 2 cái nhà 2 tỷ đồng, một cái để ở và một cái cho thuê mà cái cho thuê đã phải nộp thuế môn bài, thuế GTGT và thuế TNCN rồi thì không có cớ gì phải chịu thêm thuế nữa.Không thể cào bằng giữa người rất giàu, nhiều tài sản với người nghèo. Nếu như vậy sẽ không bất công và không đảm bảo mục tiêu cuối cùng của việc thu thuế tài sản...Ông có đề xuất cụ thể hơn về vấn đề này không thưa ông?- Tôi đề xuất 3 cách chính: Thứ nhất, đánh thuế chung với mọi nhà và đất chứ không tách rời. Thứ hai, đánh bậc khởi điểm chỉ 0,1% và mức cao nhất gấp 10, tức là 1%. Thứ ba, đánh luỹ tiến với nhà đất từ 5 tỷ đồng trở lên theo giá thị trường, tức cỡ phân nửa theo khung giá. Bộ Tài chính đã rút lại mức 700 triệu đồng chỉ tính riêng cho nhà theo đơn giá xây dựng, nhưng có vẻ giữ nguyên khởi điểm thuế suất 0,4%.Xin cảm ơn ông!
"Đến khi nào người dân cảm nhận được việc nộp thuế là cho chính bản thân mình, góp phần cho bản thân mình và xã hội có được cuộc sống tốt hơn nhờ các chính sách của Chính phủ, thì chắc chắn mỗi người dân sẵn sàng đóng góp một ít vì cái chung, vì chất lượng cuộc sống tốt hơn lên." - Luật sư Trương Thanh Đức |