Theo Reuters, Cơ quan điều tra nước Anh “tin rằng” 39 nạn nhân là những người di cư bất hợp pháp bị các đối tượng buôn người giấu lên thùng container từ Bỉ tới Anh qua một chuyến phà chở hàng từ cảng Zeebrugge, Bruges.
Tuy nhiên, giới chức Bỉ cho biết vẫn chưa rõ thời điểm các nạn nhân được đưa lên container và liệu quá trình này có diễn ra ở Bỉ hay không.
Cơ quan điều tra nước Anh “tin rằng” 39 nạn nhân là những người di cư bất hợp pháp bị các đối tượng buôn người giấu lên thùng container từ Bỉ tới Anh. |
Ông Joachim Coens - Giám đốc điều hành cảng Zeebrugge, cho rằng nhiều khả năng các nạn nhân không được lên container khi thùng hàng này nằm ở Zeebrugge bởi quá trình kiểm tra các container đông lạnh ở cảng này rất nghiêm ngặt. Trong khi đó, Thị trưởng TP Bruges, ông Dirk De fauw cũng tin rằng khả năng để nhóm 39 người lẻn vào container tại Zeebrugge là cực kỳ nhỏ.
Trong tuyên bố đưa ra mới đây, Thủ tướng Anh Boris Johnson gọi cái chết của 39 nạn nhân là “thảm kịch không thể tưởng tượng”; đồng thời khẳng định giới chức Anh sẽ làm mọi cách để truy lùng và đưa thủ phạm ra ánh sáng.
Vì sao di dân mạo hiểm đến Anh?
39 nạn nhân trong thùng container ở hạt Essex chỉ là con số nhỏ trong số hàng chục ngàn người đã thiệt mạng khi nỗ lực tìm đường vào Anh và các nước châu Âu trong những năm qua.
Theo số liệu của Tổ chức Di cư quốc tế thuộc LHQ (IOM), kể từ khi cuộc khủng hoảng di dân bùng nổ năm 2014, hơn 25.000 người thiệt mạng trên đường di cư, hầu hết bị vùi sâu dưới đáy biển (hơn 17.000 người), hoặc chết đau đớn trong thùng xe tải như các nạn nhân mới được phát hiện ở Anh. Vậy vì sao họ vẫn mạo hiểm? Vương quốc Anh và nhiều quốc gia phương Tây khác được cho là điểm đến lý tưởng cho những di dân vì nền kinh tế phát triển. Anh còn là điểm đến ngôn ngữ quốc tế.
Tuy nhiên, việc đến Anh khó khăn hơn đến Mỹ rất nhiều vì những chính sách nhập cư khắt khe. Vì vậy, nhiều người di cư bất chấp lựa chọn con đường rất nguy hiểm để đến Anh, kể cả việc nhồi nhét trên thùng container đông lạnh cùng với hàng hóa.
Giới truyền thông Anh dẫn tuyên bố trước đó của cảnh sát nước này cho rằng, 39 nạn nhân này là người Trung Quốc, song Đại sứ quán Trung Quốc tại London ngày 25/10 tuyên bố vẫn chưa xác định được quốc tịch của 39 nạn nhân này. Tuyên bố trên trang mạng Đại sứ quán Trung Quốc ngày 25/10 cho biết, cảnh sát Anh đang xác minh danh tính của các nạn nhân nói trên.
Trong khi đó, đã có những thông tin cho rằng, đây là nạn nhân của những kẻ buôn người. Tờ Guardian dẫn lời ông Joachim Coens, Giám đốc cảng Zeebrugge cho biết, thùng xe tải hoàn toàn bị niêm phong tại khu cảng. “Khả năng phá niêm phong, đưa 39 người vào trong và dán lại niêm phong mà không bị phát hiện là vô cùng thấp”- ông nhận định. Điều này đồng nghĩa với việc các nạn nhân đã bị nhốt trong thùng đông lạnh trong ít nhất 10 giờ ở nhiệt độ xuống đến -25oC. Điều này cũng giúp củng cố nghi ngờ rằng đây là một vụ buôn người hơn là di cư vì kinh tế.
Theo tờ Telegraph, nghi phạm chính là băng nhóm “Snakehead” (Đầu rắn) khét tiếng của Trung Quốc. Các chuyến buôn người của băng nhóm này thường xuất phát từ tỉnh Phúc Kiến. Tờ Telegraph nói rằng thủ đoạn của chúng rất tinh vi. Ban đầu, chúng tiếp cận các nạn nhân, dụ dỗ đưa họ từ Trung Quốc tới Anh để có cuộc sống tốt hơn, có tiền gửi về cho gia đình. Các nạn nhân sẽ được đưa vào trong thùng container để vào Anh. Sau khi đến nơi, họ sẽ được thông báo khoản chi phí mà họ phải trả lên đến hàng chục ngàn USD và buộc phải lao động để trả nợ.
Sự lỏng lẻo trong kiểm soát hàng nhập cảnh tại Anh
Năm 2018 có khoảng 3,6 triệu xe tải và container vào Anh thông qua 40 cảng chính, nhưng hầu hết không bị kiểm tra. Theo báo cáo của Bộ Nội vụ Anh, lực lượng Biên phòng nước này kiểm tra các xe "dựa trên những cơ sở nhất định", nhưng không nêu rõ số lượng xe bị kiểm tra mỗi năm cũng như tiêu chí xác định mục tiêu.
Theo một phát ngôn viên, lực lượng Biên phòng Anh có kinh nghiệm trong việc xác định những container cần được khám xét tại cảng. Một số biện pháp nhằm phát hiện người di cư bất hợp pháp trốn trên xe tải bao gồm sử dụng máy đo nồng độ CO2, cảm biến phát hiện chuyển động và chó đánh hơi.
Khoảng 4.000 xe tải đến và đi khỏi Anh qua cảng Zeebrugge mỗi ngày, trong khi gia tăng lo ngại về tình trạng an ninh tại đây. Bộ trưởng Di cư Bỉ cho biết 600 camera an ninh tại cảng không đủ để đảm bảo. Chính quyền Anh cũng nhiều lần cảnh báo nguy cơ buôn người từ Bỉ ngày càng gia tăng trong ba năm qua và Zeebrugge là điểm mấu chốt trên hành trình.
Một ông chủ trong ngành vận tải có tên John Vincent cho biết các băng nhóm ngày càng ẩn mình kín kẽ, để tránh bị để mắt trong việc qua lại với người di cư.
Penfro Peche, công ty của ông Vincent, bị những kẻ buôn người nhắm tới, với ít nhất 8 người nhập cư bất hợp pháp đã bị phát hiện trốn trong các thùng cá trong một xe tải ở Warwickshire mới chỉ vài tháng trước. “Nơi duy nhất họ hẳn là có thể lẻn vào xe là trên phà (từ Pháp)”, ông Vincent nhận định. “Chiếc xe tải thường được kiểm tra trước khi lên phà”.
Luật sư về nhập cư Harjap Bhangal, từng làm việc với nhiều di dân tới mô tả hành trình điển hình đầy nguy hiểm của những người chọn con đường chết chóc này như sau: “Họ băng qua những cánh rừng, phải tá túc trong những căn lều gỗ. Thiếu thốn nhà vệ sinh khiến nhiều người đổ bệnh”.
“Những di dân bị nhốt trong xe tối, không được gây tiếng động. Tất cả những gì họ biết là xe đang di chuyển, cho tới khi nó dừng lại. Những kẻ buôn người hành động hết sức tàn nhẫn. Nếu ai đó khiến nhóm di cư bị chậm lại, chúng sẵn sàng giết chết người đó. Nhiều người đã không thể đi trọn hành trình”.
Richard Burnett, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Vận tải Đường bộ có trụ sở tại Anh, cho biết các băng đảng đang ngày càng né tránh các cảng lớn như Calais để tìm tới những tuyến đường mới với an ninh "lỏng lẻo" hơn.
Theo Đạo luật Di trú và Tị nạn năm 1999 của Anh, chủ sở hữu xe tải, người thuê xe hoặc tài xế có thể bị truy tố nếu xe chở theo "người bí mật nhập cảnh". Mức phạt là 2.000 bảng (khoảng 2.500 USD) với mỗi người nhập cư trái phép.
Mo Robinson, tài xế 25 tuổi đến từ Bắc Ireland, là người điều khiển xe container chở 39 thi thể được hiện ở Essex, phía đông London hôm 23/10. Robinson lái chiếc xe đầu kéo màu trắng đỏ của mình từ Dublin, Ireland đến thị trấn Holyhead thuộc xứ Wales bằng đường biển hôm 19/10, sau đó tiếp tục di chuyển tới hạt Essex và chờ tới ngày 23/10 để tới cảng Purfleet tiếp nhận thùng container. Hiện chưa rõ lý do tài xế này đến Essex 4 ngày trước lịch chở hàng.
Văn phòng Công tố Liên bang Bỉ cho biết thùng container cập cảng Zeebrugge của nước này vào chiều ngày 22/10, sau đó được đưa đến cảng Purfleet, nơi xử lý khoảng 250.000 thùng container mỗi năm. Giới chức chưa giải đáp được câu hỏi thùng container đã ở đâu trước khi cập cảng Zeebrugge và được đưa đến đó bằng cách nào.
30 phút sau khi gắn rơ-mooc chở thùng container đông lạnh vào xe đầu kéo của mình để vận chuyển, Robinson đỗ xe tại khu công nghiệp Waterglade, cách trung tâm thủ đô London 32 km, và mở thùng container. Tài xế này gọi điện cho cơ quan cứu thương địa phương khi phát hiện nhiều người bên trong và các nhân viên y tế đã thông báo với cảnh sát. Một số người cho rằng Robinson nhiều khả năng không biết có 39 người trong thùng container./.