70 năm giải phóng Thủ đô

Vì sao nhiều hợp tác xã chưa đưa được hàng nông sản vào chuỗi cung ứng giá trị? - Kỳ 2: Muôn vàn khó khăn

Bài và ảnh Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù đã có khá nhiều HTX đưa nông sản vào chuỗi nông sản an toàn. Tuy nhiên, số lượng này chiếm chưa nhiều. Nhiều HTX mong muốn sản phẩm được đưa vào tiêu thụ theo chuỗi để nâng sản lượng, thương hiệu và thu nhập cho nông dân nhưng vẫn không thể thực hiện.

Kỳ 1: Hiệu quả từ sản xuất nông sản an toàn

Sản xuất thiếu an toàn và bền vững

Ông Đặng Thế Truyền, Giám đốc HTX Duy Sơn, xã Bình Lư, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, chia sẻ: Lai Châu hiện nay chỉ có duy nhất làng nghề miến truyền thống Bình Lư với trên 100 hộ làm nghề. Đã nhiều năm nay, miến Bình Lư đã được tỉnh, huyện, xã quan tâm đưa đi hội chợ ở nhiều tỉnh thành phố trên toàn quốc. Thế nhưng đến nay cũng chưa có đơn vị nào chấp nhận đưa sản phẩm miến Bình Lư vào chuỗi cung ứng. Mỗi năm HTX Duy Sơn đưa ra thị trường sản lượng 300 tấn miến, hầu hết sản xuất bán trên thị trường tự do. Hàng năm tỉnh Lai Châu giúp đỡ đưa sản phẩm đi đánh giá chất lượng tại Cục ATTP. Giá bán chỉ 50.000 đồng/kg, đó không phải đắt so với miến Tuyên Quang hay một số địa phương khác.
 HTX Duy Sơn, xã Bình Lư, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu đã nhiều lần đưa sản phẩm miến Bình Lư đi hội chợ mong đưa được sản phầm vào chuỗi cung ứng. Nhưng vì không sản xuất theo quy trình an toàn được cơ quan nhà nước chứng nhận nên miến Bình Lư vẫn đứng ngoài cuộc.
 Tinh bộ nghệ và nhiều sản phẩm tinh chế từ nghệ của Hưng Yên cùng chung số phận.

Một DN sản xuất tinh bột nghệ và các sản phẩm từ nghệ tại Hưng Yên chia sẻ: Trước kia gia đình có nghề trồng và sản xuất nghệ truyền thống. Mấy năm trở lại đây đã thành lập HTX, mỗi năm sản xuất hàng trăm tấn nghệ tươi, với hàng tấn nghệ tinh chế. Tuy nhiên, hiện nay các sản phẩm cũng chỉ bán trôi nổi trên thị trường chưa đưa được vào chuỗi cung ứng nông sản.
Theo tìm hiểu của phóng viên, 2 HTX kể trên đều chưa thực hiện sản xuất theo quy trình an toàn VietGap, Growrap, hoặc hữu cơ.
Tại kỳ 1 của loạt bài này đã đề cập đến HTX Hoà Phong, Hưng Yên, sau 1 năm tham gia vào chuỗi cung ứng nông sản an toàn tại Big C, năm 2018 HTX này tự chấm dứt cung ứng nông sản vào chuỗi. Đại diện HTX này cho biết, nguyên nhân chấm dứt là do đơn vị chuyển đổi danh mục đầu tư và hiện nay mới quay trở lại tiếp cận chuỗi.
Theo những đơn vị thu mua nông sản, đây là một trong những HTX đầu tư không bền vững, thiếu kế hoạch ngay từ ban đầu, khiến cho hoạt động sản xuất gián đoạn, chi phí lớn và lãng phí.
Thiếu thị trường và vốn
Phóng viên đã tìm hiểu tại Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội được biết: HTX có 40 ha nhà màng, nhà lưới sản xuất rau an toàn từ năm 2004. Đến nay, mỗi ngày HTX bán ra thị trường khoảng 5 tấn rau, củ, quả. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 20% sản lượng này được cung ứng vào hệ thống chuỗi rau an toàn. Còn lại 80% là bà con xã viên bán cho thương lái, tự mang ra chợ bán.
 Thiếu vốn hệ thống kho lạnh để nông sản sau sơ chế của nhiều HTX còn thiếu.

Theo ông Lê Hồng Minh, Phó Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Lĩnh Nam Khi sản xuất ra rau an toàn nhưng đem ra thị trường bị bán đánh đồng với rau không an toàn khiến cho người nông dân giảm thu nhập so với diện tích rau được ký bán ổn định trong chuỗi cung ứng. Thị trường hàng hoá nông sản phải được thông tin kịp thời cung – cầu để các cơ sở sản xuất nắm bắt được nhu cầu để chuyển dịch cơ cấu sản xuất. Nhà nước nên quan tâm đánh giá hiệu quả những mô hình tốt, tăng cường công tác thanh kiểm tra, thanh lọc những đơn vị sản xuất, tiêu thụ hàng hoá sản phẩm không an toàn, trà trộn đánh đồng với sản phẩm an toàn, tạo lòng tin cho người tiêu dùng. Người nông dân cần được tiếp tục hướng dẫn tập huấn các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tạo điều kiện cho vay vốn để sản xuất.
Cũng giống HTX Lĩnh Nam, HTX Hoà Bình tuy đã có một phần sản lượng đưa vào chuỗi an toàn thực phẩm, nhưng vẫn còn đến 60-70% phải bán trôi nổi ra ngoài thị trường.
HTX Hoà Phong có hơn 10 ha diện tích nuôi trồng thuỷ sản thuê thời hạn 50 năm nên vốn vay ngân hàng hạn chế chỉ được 10 tỷ đồng. Trong khi đó HTX đã đầu tư trên 40 tỷ cho cải tạo đầm ao, trang thiết bị, con giống …
Thiếu cơ sở vật chất hiện đại
Tìm hiểu tại các HTX kể cả đã thành công trong chuỗi cung ứng nông sản an toàn và chưa thành công thì các đại diện HTX cho biết họ vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất. Cụ thể, như một số HTX cho biết: Nông dân góp ruộng cùng sản xuất chung nên HTX không thể lấy đó là tài sản chung để thế chấp vay vốn đầu tư công nghệ, cơ sở vật chất để sản xuất. Ông Khảm chia sẻ: Mặc dù HTX đã có thành công cung ứng gần như toàn bộ hàng nông sản vào chuối, nhưng vẫn gặp khó khăn như quy mô nhỏ, vốn hạn hẹp, vay tín dụng gặp khó khăn, văn phòng đại diện chưa có. Đề nghị được hỗ trợ bằng chính sách, mặt bằng, đào tạo cán bộ kết nối nông sản đảm bảo công bằng đối với người sản xuất và đơn vị thu mua sản phẩm.
Bà Thắm chia sẻ thêm, do vay vốn ngân hàng ít nên khi HTX muốn bố sung danh mục đầu tư nhưng không có tiền để cải tạo đầm ao nuôi.
 HTX Hòa Bình thiếu vốn để đầu tư nhà màng nên có những diện tích canh tác bị gián đoạn do phụ thuộc vào thời tiết. Đồng ruộng không được cải tạo.

Tại HTX Hoà Bình, theo tìm hiểu của phóng viên, mặc dù quận Hà Đông đã hỗ trợ đầu tư hệ thống tưới nước sạch, nhưng diện tích sản xuất theo nhà màng, nhà lưới chưa được phủ hết diện tích do thiếu vốn. Sản xuất rau xanh phụ thuộc vào thời tiết, do đó vào mùa hè mới chỉ có một nửa diện tích trong hơn 10 ha được sản xuất liên tục. Như vậy, sản lượng không đạt được tối đa.
Đại diện HTX Lĩnh Nam - ông Minh cho biết: Chính sách ưu đãi của nhà nước đối với các vùng sản xuất an toàn chưa nhiều, việc đầu tư cơ sở hạ tầng, bao gồm giao thông nội đồng, điện, nước còn thiếu và không ổn định. Muốn hiện đại hoá sản xuất thì phải có giao thông để vận chuyển, điện, nước phát triển đồng bộ.
Công ty Cổ phần Thực phẩm XNK tại Nam Từ Liêm chia sẻ: DN kết nối nông sản cho các HTX vừa ở Quảng Ninh và Hà Nội. Chính sách của Nhà nước còn thiếu hỗ trợ DN tiêu thụ nông sản an toàn, vốn tiếp cận khó. Tại Hà Nội, hiện nay không có tổng kho, hoặc tiểu khu chế biến, sơ chế để các DN tập kết hàng hoá phân phối đi các nơi.
Như vậy, các HTX còn gặp khá nhiều khó khăn về vốn đầu vào để đầu tư sản xuất hiện đại, giảm chi phí, thiếu kiến thức về thị trường và kỹ thuật để có được sản phẩm rau quả an toàn, ổn định sản lượng cung cấp cho chuỗi giá trị và hiệu quả thu nhập cho nông dân.