Vì sao nhiều hợp tác xã chưa đưa được hàng nông sản vào chuỗi cung ứng giá trị? - Kỳ 3: Doanh nghiệp và hợp tác xã là cầu nối quan trọng của liên kết

Bài và ảnh Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Để phát triển 15.000 HTX, Liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020 theo chỉ đạo của Chính phỉ thì DN và HTX là cầu nối quan trọng để hộ sản xuất tiếp cận với thị trường. Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Chính sách thúc đẩy liên kết
Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển 15.000 HTX, Liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020. Tháng 7/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 98 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Theo đó, nhằm khuyến khích các DN, HTX, hộ sản xuất liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
 Chính sách của Nhà nước tạo điều kiện cho các DN, HTX làm cầu nối liên kết với hộ nông dân để sản xuất nông sản an toàn. 

 Liên kết sản xuất an toàn sẽ được khép kín từ vùng trồng, đến sơ chế, đưa vào kệ hàng tiêu dùng.

Các bên cùng xây dựng Dự án liên kết và thực hiện một trong các nội dung như: Thiết kế, cải tạo đồng ruộng, đầu tư xây dựng, mở rộng quy mô diện tích vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung; Đầu tư xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, thu hoạch, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Góp vốn, tài sản, giá trị quyền sử dụng đất, công nghệ hay quy trình sản xuất.
Ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% chi phí tư vấn xây dựng liên kết, tối đa không quá 300 triệu đồng, bao gồm tư vấn, nghiên cứu để xây dựng hợp đồng liên kết, dự án liên kết, phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường. Đồng thời, hỗ trợ 30% vốn đầu tư máy móc trang thiết bị; xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết bao gồm: Nhà xưởng, bến bãi, kho tàng phục vụ sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tổng mức hỗ trợ không quá 10 tỷ đồng. Ngoài ra ngân sách còn hỗ trợ đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật, nâng cao nghiệp vụ quản lý, kỹ thuật sản xuất, năng lực quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi và phát triển thị trường; Hỗ trợ giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm; Hỗ trợ chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi.
 Sàn phẩm măng tây sản xuất an toàn của hộ chị Đặng Thị Cuối, tại Đan Phượng, Hà Nội luôn cung không đủ cầu.

 Sản phẩm được nhận diện ngay từ bao bì, có truy xuất nguồn gốc.

Thứ Trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam - Trần Thanh Nam khẳng định: Với những nội dung hỗ trợ cụ thể của cơ chế chính sách của nhà nước trong liên kết phát triển chuỗi nông sản an toàn, việc tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị sản phẩm thì vai trò của HTX và doanh nghiệp là cầu nối quan trọng để nông dân và hộ sản xuất có thể tiếp cận được với thị trường, thúc đẩy sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản. Liên kết sản xuất nông sản an toàn sẽ giải quyết được nhu cầu của cả 2 phía DN và HTX. Trong đó, DN sẽ có đủ nguồn nguyên liệu đầu vào chất lượng, ổn định, đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng được số lượng để cung cấp cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Ngược lại, HTX cũng ổn định được sản xuất, nâng cao trình độ thâm canh, đáp ứng nhu cầu hàng hoá an toàn thực phẩm đạt các tiêu chuẩn chất lượng trong nước và quốc tế.
Sản xuất an toàn để tiếp cận chuỗi
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 20.000 HTX đang hoạt động. Tuy nhiên, số lượng các HTX đưa được nông sản vào chuỗi bán lẻ nông sản hàng hoá an toàn chưa nhiều.
Chia sẻ với phóng viên, Bà Phạm Thị Thùy Linh – Giám đốc thu mua miền Bắc của Siêu thị Big C, cho biết:  Điều đặc biệt, nhiều HTX, hộ kinh tế cá thể chưa thực hiện sản xuất theo quy trình rau, quả an toàn. Khi đưa nông sản vào chuối bán lẻ Big C phải thực hiện qua 5 bước. Trong đó có duyệt hồ sơ, kiểm tra sản xuất và đàm phán tiến tới ký kết hợp đồng, đơn vị thu mua nông sản tạo dữ liệu cho HTX khi đưa hàng hóa vào hệ thống bán lẻ, đặt hàng và giao hàng.
Hệ thống siêu thị Big C có rất nhiều hàng hóa nông sản được đưa vào. Thông qua đó nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam được xuất khẩu ra nước ngoài.

 Những nông sản không thực hiện theo quy trình sản xuất an toàn sẽ bị loại ngay từ khi duyệt hồ sơ.

Theo đó, nếu các HTX, hộ sản xuất không thực hiện sản xuất quy trình an toàn thì sẽ bị loại ra ngay từ bước duyệt hồ sơ. Bộ hồ sơ đưa hàng vào chuỗi gồm: Đăng ký kinh doanh, thông báo tài khoản ngân hàng, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy kiểm nghiệm và công bố chất lượng hàng hoá của cơ quan chức năng nhà nước sản xuất theo quy trình an toàn, báo giá và hàng mẫu…). Sau bước duyệt hồ sơ, Big C nói riêng và các đơn vị thu mua nông sản vào chuỗi cung ứng đều đến HTX xem thực tế quy trình sản xuất, sơ chế nông sản của đơn vị xem có đúng như hồ sơ cung cấp. Trên cơ sở hồ sơ và thực tế, đơn vị mới quyết định thu mua hàng hoá hay không. Khâu quan trọng để hàng hoá được khách hàng nhận diện thương hiệu và để các HTX khẳng định thương hiệu với người tiêu dùng không chỉ có chất lượng mà ngay từ ban đầu phải có bao bì nhãn mác rõ ràng, sản phẩm truy xuất được nguồn gốc, từ đó người dân yên tâm tiêu dùng.
Ông Phùng Văn Hà, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Núi Bé, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, chia sẻ: HTX có 12 thành viên phục trách 15,5 ha bưởi giống Diễn. Trước kia không sản xuất theo quy trình an toàn, bà con gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Từ năm 2017, HTX thực hiện đúng theo quy trình sản xuất tiêu chuẩn VietGap. Trái bưởi có chất lượng thơm ngon, ngọt, không tồn dư chất hóa học, có tem truy xuất nguồn gốc nên đã cung cấp cho hệ thống siêu thị Fivimart và các cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội.
 Người tiêu dùng ngày nay đã hướng đến tiêu dùng an toàn cho sức khỏe. Nông sản có truy xuất nguồn gốc sẽ là sự lựa chọn trước, sau đó mới đến giá cả.

Hộ gia đình ông Nguyễn Văn Oánh cũng sản xuất bưởi hữu cơ, có truy xuất nguồn gốc tại Chương Mỹ, với 2 ha nhưng không có hàng bán ra thị trường. Toàn bộ sản phẩm được DN thu mua xuất khẩu. DN này cũng kiểm soát quy trình sản xuất tại vườn từ khi cây ra trái đến khi thu hái, đóng gói. Hiện nay, ông Oánh đang mở rộng sản xuất bưởi hữu cơ theo nhu cầu đặt hàng từ phía DN.
Như vậy, liên kết sản xuất nông sản an toàn đã mở ra cơ hội phát triển cho nhiều HTX, hộ sản xuất. Chỉ có sản xuất sản phẩm đạt chuẩn các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế về an toàn hay hữu cơ, truy xuất nguồn gốc mới có cơ hội vào chuỗi cung ứng hàng hoá hiện đại và xuất khẩu, cải thiện thu nhập cho nông dân. Để những chính sách của nhà nước đến được với HTX và nông dân, không chỉ có DN, HTX mà các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương, ngân hàng cũng cần chung tay tạo điều kiện cho nông dân về xây dựng hạ tầng đồng bộ vùng trồng, cho vay vốn đầu tư sản xuất, để những tiếng kêu “khó” của nông dân, HTX và DN được hạn chế, thúc đẩy sản xuất phát triển.