Vì sao nhiều quốc gia phải điều chỉnh chiến lược tiêm vaccine Covid-19?

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính phủ nhiều quốc gia đã phải thay đổi mục tiêu tiêm ngừa vaccine và số mũi tiêm ngừa, trong nỗ lực chạy đua với thời gian để kiểm soát đại dịch Covid-19 giữa bối cảnh xuất hiện thêm nhiều biến thể mới nguy hiểm như Delta và Mu.

Tình trạng thiếu vaccine, tâm lý ngần ngại tiêm ngừa và những khó khăn trong việc triển khai chương trình tiêm chủng trên diện rộng đã khiến một số quốc gia bỏ lỡ mục tiêu tiêm chủng đề ra ban đầu.
Hiện đã có hơn 2 triệu người trong số 9,3 triệu dân số Israel đã tiêm mũi vaccine thứ 3. Ảnh: AFP
Tờ Straits Times của Singapore dẫn chứng trường hợp của Hồng Kông (Trung Quốc) - nơi mà chính quyền Đặc khu vừa phải gia hạn thêm 1 tháng - đến cuối tháng này - để đạt mục tiêu tiêm ngừa ít nhất 1 mũi vaccine cho khoảng 70% trong tổng số 7,5 triệu dân số. Theo Trưởng Đặc khu Hành chính Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga, ưu tiên hàng đầu hiện tại đối với Đặc khu là kiểm soát đại dịch và ngăn chặn các ca bệnh nhập khẩu lây lan ra cộng đồng. Nhà dịch tễ học Ben Cowling - Giáo sư tại Đại học Hồng Kông, cho biết: "Tỷ lệ tiêm chủng cao không phải là yêu cầu để duy trì chiến lược “zero-Covid-19".
Cũng tương tự Đặc khu hành chính Hồng Kông, nước Mỹ cũng hoàn thành mục tiêu chậm hơn 1 tháng so kế hoạch. Theo đó, chính phủ Mỹ dự kiến tiêm tối thiểu 1 liều vaccine ngừa Covid-19 cho 70% dân số trưởng thành vào tháng 7, nhưng đến đầu tháng 8 nước này mới đạt được ngưỡng đề ra.
Trong khi đó, việc thực hiện chiến dịch tiêm ngừa vaccine tại Hàn Quốc cũng không khả quan hơn, do thiếu nguồn cung vaccine Moderna đã làm lệch mục tiêu ban đầu dự kiến tiêm ít nhất 1 mũi vaccine cho 70% trong 51,3 triệu người dân vào ngày 18/9 tới. Dự kiến, kế hoạch mới đề ra của Tổng thống Moon Jae-in là đến cuối tháng 10/2021 tiêm được 2 mũi vaccine ngừa Covid-19 cho 70% dân số cũng khó có thể thực hiện được.
Trước lo ngại về đà lây lan của biến thể Delta, một số nước Đông Nam Á đang đẩy mạnh chương trình tiêm vaccine Covid-19. Kế hoạch tiêm chủng cho 80% dân số của Malaysia vào quý I/2022 đã được đẩy sớm lên tháng 12 năm nay. Trước đó, hồi tháng 7 vừa qua, cựu Thủ tướng Muhyiddin Yassin cho biết, đến tháng 10/2021, tất cả dân số trưởng thành sẽ được tiêm đủ 2 liều vaccine. Trong khi đó, chính phủ Indonesia lên kế hoạch từ tháng 9 này sẽ tiêm 2 triệu liều vaccine mỗi ngày để hoàn thành mục tiêu đề ra vào tháng 1/2022. Thái Lan đặt mục tiêu mới tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19, thay vì ít nhất 1 liều vaccine, cho 70% dân số 70 triệu người trong năm nay, để chuẩn bị việc mở cửa trở lại rộng rãi hơn vào năm 2022.
Khi mục tiêu tiêm chủng trên khắp thế giới bắt đầu có thay đổi thì định nghĩa về tiêm chủng đầy đủ cũng đã khác trước. Phần lớn các chính phủ vẫn công nhận việc tiêm 2 mũi vaccine là tiêm chủng đầy đủ, song một số quốc gia đã thực hiện tiêm mũi vaccine thứ 3 hoặc đang xem xét việc này.
Israel, hiện đang đối mặt với một đợt tái bùng phát dịch Covid-19 mới dù nằm trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới, đã không công nhận việc tiêm 2 mũi vaccine Pfizer là tiêm chủng đầy đủ. Thay vào đó, định nghĩa này chỉ dành cho những người đã thực hiện tiêm mũi vaccine thứ 3. Tính đến nay, hơn 2 triệu người trong số 9,3 triệu dân số Israel đã tiêm mũi vaccine thứ 3, bao gồm 70% những người từ 60 tuổi trở lên và khoảng một nửa trong số những người trên 50 tuổi.
Đến giữa tháng 8/2021, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã tiêm gần 1 triệu mũi vaccine tăng cường. Trong khi đó, Indonesia cũng tiêm cho nhân viên y tế mũi vaccine Covid-19 thứ 3.
Campuchia trong tháng 8 cũng thông qua kế hoạch tiêm mũi vaccine tăng cường cho nhân viên y tế tuyến đầu. Chính sách này sau đó được Thủ tướng Hun Sen mở rộng thực hiện cho tất cả người dân Campuchia và sẽ được duy trì, miễn là có đủ nguồn cung vaccine. Trong khi đó, tại Hồng Kông (Trung Quốc) và Nhật Bản, quyết định thực hiện mũi tiêm vaccine thứ 3 cũng đang được xem xét.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần