Vì sao nhiều trạm BOT được kiến nghị “miễn” thực hiện thu phí không dừng?

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong số các trạm được kiến nghị “miễn” thực hiện thu phí không dừng, có 3 trạm trên quốc lộ 51 và 4 trạm do tỉnh Cà Mau quản lý.

 Dự án thu phí không dừng đang cận kề ''vạch đích'' (Ảnh: Hòa Thắng).
Để phù hợp với lộ trình và điều kiện thực hiện
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa kiến nghị Thủ tướng cho phép không triển khai thu phí tự động không dừng tại 3 trạm trên QL51, và 4 trạm do UBND tỉnh Cà Mau quản lý.
Đối với 3 trạm trên QL51, Bộ GTVT cho biết các trạm thu phí trên do có thời gian thu phí còn lại ngắn. Trong khi đó, 4 trạm do UBND tỉnh Cà Mau quản lý theo đề xuất của tỉnh này. Do đó, Bộ GTVT cho rằng, việc không thực hiện thu phí không dừng với các trạm BOT này là phù hợp với lộ trình và điều kiện thực hiện.
Bộ GTVT cũng kiến nghị chưa triển tại 2 trạm (Bờ Đậu – quốc lộ 3, trạm T2 – QL91) do chưa đủ điều kiện triển khai thu phí điện tử không dừng; Lùi thời gian triển khai thu phí điện tử không dừng tại 3 trạm thu phí có doanh thu quá thấp (trạm cầu Thái Hà, trạm Cầu Mỹ Lợi và trạm Km1747 đường Hồ Chí Minh), giao Bộ GTVT xem xét, quyết định thời điểm triển khai thực hiện đảm bảo hiệu quả.
Về tiến độ thực hiện dự án thu phí không dừng, Bộ GTVT cho biết, hiện 40/44 trạm giai đoạn 1 đã vận hành hệ thống thu phí không dừng, và bước đầu tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia giao thông và tăng cường minh bạch trong hoạt động thu phí. Riêng 4 trạm thu phí thuộc 4 tuyến cao tốc do Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý thì chưa triển khai thu phí không dừng.
Với giai đoạn 2 dự án, Bộ GTVT cho hay đã lựa chọn thêm đơn vị cung cấp dịch vụ thứ 2 là Công ty CP Giao thông số Việt Nam. Nhà đầu tư cam kết hoàn thành lắp đặt thiết bị thu phí không dừng tại 25/33 trạm đủ điều kiện triển khai.
Đặc biệt, có 8 trạm không thể triển khai hoặc lùi thời gian triển khai sau năm 2020 do đặc thù. Trong đó có 3 trạm thu phí doanh thu quá thấp (trạm Km1747 đường Hồ Chí Minh, cầu Mỹ Lợi và Thái Hà), 2 trạm chưa được thu phí và đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án bố trí vốn ngân sách hoàn trả cho nhà đầu tư, 3 trạm có thời gian thu phí còn lại ngắn dưới 3 năm (3 trạm QL51).
 Ngoài vướng mắc tại một số dự án BOT, thu phí không dừng còn đang gặp khó bởi tỷ lệ phương tiện dán thẻ đầu cuối và sử dụng dịch vụ còn thấp (Ảnh: Lê Thanh).
Tăng cường quản lý, giám sát thay cho thu phí không dừng
Bộ GTVT cho rằng, việc triển khai thu phí không dừng tại 8 trạm nêu trên sẽ không hiệu quả, phá vỡ phương án tài chính dự án BOT và dự án thu phí điện tử không dừng, ảnh hưởng lớn tới các nhà đầu tư và tổ chức tín dụng. Ngoài ra, các dự án này nằm trên các tuyến có lưu lượng giao thông thấp, không ảnh hưởng đến hiệu quả chung của hệ thống thu phí không dừng trên toàn quốc.
Do đó, đối với các trạm thu phí này, Bộ GTVT sẽ có giải pháp tăng cường công tác quản lý, giám sát công tác thu phí đảm bảo tính công khai, minh bạch.
Đối với 35 trạm do 15 địa phương quản lý (không bao gồm tỉnh Cà Mau), Bộ GTVT cho biết hiện có 19/35 trạm đã triển khai lắp đặt thiết bị, vận hành và kết nối với dự án của Bộ GTVT, 11/35 trạm đang triển khai thực hiện việc lắp đặt thiết bị và đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ, 5/35 trạm thuộc các dự án BOT đang thực hiện, sẽ triển khai thu phí không dừng khi đưa dự án BOT vào vận hành khai thác.
Bộ GTVT khẳng định về tổng thể đến 31/12/2020 cơ bản toàn bộ các trạm thu phí trên toàn quốc đủ điều kiện triển khai sẽ được lắp đặt, vận hành hệ thống thu phí không dừng đáp ứng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ ngoại trừ 4 trạm do VEC quản lý, 8 trạm không đủ điều kiện triển khai và 4 trạm do UBND tỉnh Cà Mau đề xuất không triển khai.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần