Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hải Dương:

Vì sao những công trình vi phạm lấn chiếm hàng nghìn m2 đất vẫn tồn tại?

Vĩnh Quân - Tiến Bảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trên địa bàn thị xã Kinh Môn, Hải Dương hiện có 3 hộ dân đang lấn chiếm gần chục nghìn m2 đất để xây biệt thự. Đáng nói đây là các công trình tồn tại từ nhiều năm qua nhưng chưa được giải quyết triệt để.

Những công trình vi phạm, lấn chiếm hàng nghìn m2 trên diện tích đất thuộc khu vực núi Lim.

Vì đâu người dân vi phạm?

Theo văn bản của Sở TN&MT tỉnh Hải Dương thì khu vực mỏ đất đồi núi Lim tại phường Phú Thứ được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho Công ty TNHH Phú Tân để khai thác đất đồi làm vật liệu xây dựng thông thường.

Diện tích khu vực khai thác 2,105 ha, độ cao khai thác đến +5m, thời hạn khai thác đến hết ngày 22/8/2011; diện tích này đã được UBND tỉnh có Quyết định số 164/QĐ-UBND ngày 11/1/2007 cho Công ty thuê 21.050m², thời hạn 5 năm để thực hiện khai thác khoáng sản.

Hộ ông Nguyễn Văn Phức lấn chiếm 7.547m² (trong ranh giới mỏ núi Lim là 7.266m², ngoài ranh giới mỏ núi Lim là 281m²), trên đất có nhà ở 1 tầng (khung chịu lực, bê tông cốt thép) diện tích 315m² và sân, vườn, ao.  Ảnh: Tiến Bảo
Hộ ông Nguyễn Văn Phức lấn chiếm 7.547m² (trong ranh giới mỏ núi Lim là 7.266m², ngoài ranh giới mỏ núi Lim là 281m²), trên đất có nhà ở 1 tầng (khung chịu lực, bê tông cốt thép) diện tích 315m² và sân, vườn, ao.  Ảnh: Tiến Bảo

Năm 2021, Sở TN&MT thông báo về việc thực hiện các nghĩa vụ của chủ giấy phép khai thác khoáng sản, diện tích đất đã sử dụng, thời gian sử dụng đất đối với Công ty TNHH Phú Tân. Theo đó, việc quản lý, sử dụng đất tại khu vực núi Lim được xác định diện tích mở theo Giấy phép số 2888/GP-UBND là 21.050m², nhưng diện tích thực tế chỉ là 11.503m², còn lại là 7.750m² đất dân cư, thiếu 1.797m² do sai sót trong quá trình thiết lập hồ sơ.

Diện tích Công ty đã sử dụng, khai thác là 23.472m², trong đó có 19.190m² nằm trong ranh giới được thuê đất và 4.282m² nằm ngoài ranh giới được thuê đất (tỉnh theo giấy phép khai thác có 11.503m² trong giấy phép và 11.969m² ngoài giấy phép).

Năm 2021, UBND tỉnh có Quyết định số 544/QĐ-UBND ngày 30/3/2023 phê duyệt đề án đóng cửa một phần diện tích khu vực núi Lim (phần diện tích không bị lấn, chiếm). Sau năm 2021, Công ty TNHH Phú Tân không hoạt động khoáng sản tại núi Lim nhưng chưa làm thủ tục trả lại đất.

Do UBND phường Phú Thứ quản lý thiếu chặt chẽ, để 3 hộ gia đình lấn chiếm xây dựng công trình với tổng diện tích 9.872m².

Cụ thể, hộ ông Nguyễn Văn Phương lấn chiếm đất trong ranh giới mỏ núi Lim là 265m², ngoài ranh giới mỏ núi Lim là 397m². Hiện nhà ông Phương đã xây dựng căn nhà 3 tầng (khung chịu lực, bê tông cốt thép) diện tích khoảng 90m², 2 nhà tạm cấp 4 và sân, vườn, ao xây dựng từ năm 2014.

Chiếc cổng nhà của hộ ông Nguyễn Văn Tùng vi phạm, lấn chiếm đất tổng diện tích 1.663m2.
Chiếc cổng nhà của hộ ông Nguyễn Văn Tùng vi phạm, lấn chiếm đất tổng diện tích 1.663m2.

Hộ ông Nguyễn Văn Tùng có đất ở nơi khác trên cùng địa bàn phường, nhưng từ năm 2016 đã chiếm đất, xây dựng công trình. Tại thời điểm kiểm tra ngày 23/12/2022, tổng diện tích 1.663m² (trong ranh giới mỏ Núi Lim là 1.651m², ngoài ranh giới mỏ núi Lim là 12m²), trên đất có nhà ở 1 tầng (khung chịu lực, bê tông cốt thép) diện tích 172m² và sân, vườn, ao.

Hộ ông Nguyễn Văn Phức có đất ở liền kề với mỏ núi Lim, lấn chiếm thêm một phần diện tích, xây dựng từ năm 2019. Tại thời điểm kiểm tra ngày 23/12/2022, tổng diện tích sử dụng 7.547m² (trong ranh giới mỏ núi Lim là 7.266m², ngoài ranh giới mỏ núi Lim là 281m²), trên đất có nhà ở 1 tầng (khung chịu lực, bê tông cốt thép) diện tích 315m² và sân, vườn, ao.

Cho đến hiện tại, cả 3 công trình này vẫn “hiên ngang” đứng sừng sững giữa những lùm cây xanh tốt. Bất cứ ai đi qua cũng phải trầm trồ xuýt xoa vì độ “chịu chơi” của các ông chủ khi đầu tư vào khu đất lấn chiếm này.

Theo ghi nhận của PV, cả 3 công trình trên đều vô cùng hoành tráng, nhiều người dân sống quanh khu vực cho rằng không hiểu vì sao chủ đất có thể xây bề thế các công trình trên đất lấn chiếm tại mỏ núi Lim?

Chính quyền buông lỏng quản lý gây nên nhiều hệ luỵ

Cũng theo văn bản của Sở TN&MT, sau khi Sở này phát hiện khu vực mỏ núi Lim bị một số người dân xây dựng, lấn chiếm và UBND tỉnh có Công văn số 2107/UBND-VP ngày 21/07/2022 nhưng đến ngày 16/9/2022, UBND thị xã Kinh Môn mới tổ chức làm việc với Công ty TNHH Phú Tân và UBND phường Phú Thứ.

Tại buổi làm việc, UBND thị xã Kinh Môn đã giao cho UBND phường Phú Thứ phối hợp cùng các phòng chuyên môn của thị xã, thực hiện kiểm tra, rà soát, xác minh cụ thể thời điểm lấn, chiếm đất, thời điểm xây dựng công trình trái phép trên đất... Từ đó đến nay cũng chưa có biện pháp giải quyết cụ thể.

Sở TN&MT nhận thấy việc 3 hộ Nguyễn Văn Phương, Nguyễn Văn Tùng, Nguyễn Văn Phức quản lý, sử dụng và xây dựng công trình trên diện tích đất thuộc khu vực núi Lim từ các năm 2015, 2016, 2019 là vi phạm pháp luật đất đai (lấn đất, chiếm đất), vi phạm pháp luật xây dựng, phần lớn diện tích đất và công trình xây dựng vi phạm nằm trong ranh giới thuê đất của Công ty TNHH Phú Tân (đã hết hạn từ tháng 8/2011).

Hai công trình xây dựng nhà tiền tỷ hoành tráng vi phạm lấn chiếm đất hàng nghìn m2. Ảnh: Tiến Bảo
Hai công trình xây dựng nhà tiền tỷ hoành tráng vi phạm lấn chiếm đất hàng nghìn m2. Ảnh: Tiến Bảo

UBND phường Phú Thứ có dấu hiệu buông lỏng quản lý, để vi phạm diễn ra trong thời gian dài, nối tiếp nhau, quy mô lớn dần nhưng không có biện pháp ngăn chặn, xử lý, không báo cáo, đề xuất giải pháp giải quyết đối với cấp trên theo quy định.

UBND thị xã Kinh Môn không kịp thời phát hiện, chỉ đạo ngăn chặn, xử lý vi phạm theo quy định. 

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm hiện nay tại khu vực mỏ núi Lim trước tiên là hành vi cố tình vi phạm của các ông Nguyễn Văn Tùng, Nguyễn Văn Phức và Nguyễn Văn Phương; việc thiếu trách nhiệm trong quản lý khu vực mỏ núi Lim khi chưa thực hiện đóng cửa mỏ, chưa bị thu hồi đất của Công ty TNHH Phú Tân; là sự buông lỏng quản lý của UBND phường Phú Thứ; sự thiếu kịp thời, thiếu kiên quyết của UBND thị xã Kinh Môn trong phát hiện, chỉ đạo xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, Sở TN&MT giai đoạn 2011-2020 cũng chưa kịp thời tham mưu UBND tỉnh về đóng cửa mỏ, thu hồi đất khu vực Núi Lim.

Công trình vi phạm của ông Nguyễn Văn Tùng. Ảnh: Tiến Bảo
Công trình vi phạm của ông Nguyễn Văn Tùng. Ảnh: Tiến Bảo

Sở TN&MT kiến nghị và báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo UBND thị xã Kinh Môn kiểm điểm, xem xét trách nhiệm của tập thể, cá nhân do chưa phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai, trật tự xây dựng của một số công dân phường Phú Thứ tại khu vực mỏ núi Lim nêu trên, để vi phạm diễn ra trong thời gian dài có quy mô lớn; làm rõ, xử lý trách nhiệm đối với lãnh đạo UBND phường Phú Thứ, công chức địa chính - xây dựng phường Phú Thứ (thời điểm từ 2012-2021) do buông lỏng công tác tham mưu quản lý Nhà nước về đất đai tại khu vực núi Lim, thiếu trách nhiệm trong phối hợp, ngăn chặn, xử lý vi phạm về đất đai, xây dựng tại khu vực núi Lim.

Khẩn trương thiết lập hồ sơ xử lý, yêu cầu 3 hộ Nguyễn Văn Phương, Nguyễn Văn Phức, Nguyễn Văn Tùng tháo dỡ công trình đã xây dựng, hoàn trả mặt bằng.

Báo Kinh tế & Đô thị tiếp tục thông tin.