Vì sao phải quy hoạch và nâng cấp đô thị?

Giám đốc Chương trình Định cư Con người Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, TS. Nguyễn Quang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự xuất hiện của các khu đô thị lộn xộn, thiếu hạ tầng, tiện ích, phi chính thức đã trở thành biểu hiện thực tế của quá trình đô thị hóa tự phát, là mối quan tâm dai dẳng đối với các nhà thực hành và hoạch định chính sách.

Quy hoạch phát triển đô thị

Để đạt được đô thị hóa bền vững, các thị trấn và TP cần được quy hoạch tốt và chuyển hóa tầm nhìn quy hoạch thành những nơi có sự hòa nhập, sáng tạo và đổi mới. Các TP cần được quy hoạch, thiết kế, phát triển phù hợp để đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, công bằng xã hội, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, có khả năng chống chịu với tác động của biến đổi khí hậu.

Ở Việt Nam, tuy nền kinh tế chuyển đổi theo chiều hướng thị trường, cơ chế hoạch định vẫn chịu ảnh hưởng của tư tưởng và mô hình kế hoạch tập trung trong quá khứ. Nội dung, phương pháp kế hoạch vẫn tiếp tục theo hướng từ trên xuống, xác định không gian cho các hoạt động kinh tế, mà chưa xuất phát từ việc khai thác cơ hội chiến lược, giải quyết vấn đề cơ bản và vướng mắc cụ thể để thực hiện mục tiêu phát triển.

Công tác quy hoạch, phát triển đô thị vẫn còn nhiều hạn chế.
Công tác quy hoạch, phát triển đô thị vẫn còn nhiều hạn chế.

Nhằm giải quyết những bất cập trong công tác quy hoạch, Luật Quy hoạch 2017 ra đời với mong muốn tạo ra sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật về quy hoạch. Với quy định đổi mới phương pháp lập quy hoạch theo hướng tích hợp đa ngành, Luật Quy hoạch được mong đợi sẽ khắc phục tình trạng chia cắt, cục bộ giữa các bộ, ngành, địa phương và vùng trên cả nước. Tuy nhiên, theo phản ánh, phương pháp tích hợp quy hoạch không rõ ràng dẫn tới những bất cập trong sự kết nối giữa các cấp quy hoạch (quốc gia – vùng - tỉnh) và loại hình quy hoạch (tổng thể, đô thị, sử dụng đất và ngành).

Thay đổi tư duy và nhận thức từ quy hoạch vật thể (chú trọng chủ yếu vào xác định không gian cho các dự án), sang quy hoạch chú trọng vào mục tiêu phát triển chiến lược và tôn trọng xu thế thị trường với sự điều tiết của Nhà nước kiến tạo là một quá trình lâu dài, đòi hỏi những cải cách về mặt thể chế trong phối hợp, hợp tác giữa chính quyền và các bên liên quan (khu vực kinh tế tư nhân, cộng đồng...) đồng thời, với công tác vận động tuyên truyền và xây dựng năng lực.

Quy hoạch chung quốc gia, vùng và tỉnh là quy hoạch phát triển, có vai trò chủ đạo định hướng các mục tiêu phát triển ưu tiên trong giai đoạn quy hoạch. Phương pháp quy hoạch chiến lược là lời giải thích hợp trong việc tích hợp vấn đề chủ chốt ưu tiên trong quy hoạch phát triển.

Quy hoạch chiến lược hướng tới việc giải quyết vấn đề, tập trung vào hành động, thực hiện thành công tầm nhìn (đồng thời, xem xét thực trạng nguồn lực thực hiện). Cần tránh chi tiết hóa các quy hoạch phát triển, một mặt cản trở sự linh hoạt trong tổ chức thực hiện mục tiêu phát triển, mặt khác, hạn chế tính chuyên ngành trong xây dựng, quản lý hiệu quả hoạt động phát triển ngành trên cơ sở phân tích, quyết định dựa vào căn cứ thực tiễn, khoa học.

Đối với việc quy hoạch hệ thống đô thị, chúng ta không thể xác định theo kiểu “bốc thuốc” cho quy mô dân số, ranh giới các đô thị vì sẽ phụ thuộc vào nhu cầu thị trường (tất nhiên có tính định hướng của Nhà nước). Kinh nghiệm của các nước phát triển chỉ ra rằng quy hoạch cần linh hoạt, có tính chiến lược, xem xét tới cơ cấu phân khu chức năng, sự kết nối của các khu chức năng và sử dụng khung kiểm soát phát triển (tức là xác định rõ những khu vực phát triển tối ưu, khu vực phát triển trọng điểm, khu vực hạn chế phát triển và khu vực cấm phát triển).

Việt Nam nên thay đổi mô hình quy hoạch tổng thể đô thị cứng nhắc sang mô hình quy hoạch vật thể không gian mang tính mềm dẻo và linh hoạt hơn đối với nhu cầu phát triển và thị trường, ví dụ: quy hoạch cơ cấu (structure plan), xác định cấu trúc liên kết các phân khu khác nhau, phân định mức độ phát triển và hạn chế phát triển của từng khu. Quy hoạch chi tiết khu vực sẽ được xây dưng theo quy hoạch phân vùng này. Và qua đó, dùng khung phát triển để kiểm soát dự án, công trình phát triển cho việc cấp phép, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có thể tự xem xét công trình và dự án của mình phù hợp với nhu cầu kiểm soát của Nhà nước.

Ngoài ra, cần chủ động tổ chức những diễn đàn hoạch định tham vấn và đối thoại giữa ban ngành và chính quyền các cấp. Song hành với cơ chế đối thoại này, cần xây dựng một quy trình minh bạch và rõ ràng trong việc xét duyệt những chương trình, dự án đầu tư mang tính đa ngành.

Nâng cấp đô thị

Sự xuất hiện của các khu đô thị lộn xộn, thiếu hạ tầng, tiện ích, phi chính thức đã trở thành biểu hiện thực tế của quá trình đô thị hóa tự phát, là mối quan tâm dai dẳng đối với nhiều nhà thực hành, hoạch định chính sách. Trong nửa thế kỷ qua, Nhà nước đã tiến hành nhiều chương trình nhằm cải thiện các khu nhà ở không phù hợp, khu ổ chuột với nhiều kết quả khác nhau. Tuy nhiên, những nỗ lực vẫn chưa đủ để hạn chế sự hình thành các khu ở xuống cấp này và định hướng những TP phát triển theo hướng quy hoạch hiệu quả.

Việc nâng cấp cũng giải quyết vấn đề về quyền sử dụng đất và cải thiện nhà ở, cũng như cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội (ví dụ như y tế, giáo dục) và dịch vụ khác. Do đó, nâng cấp đô thị là nhằm mục đích phát triển cộng đồng hòa nhập vào cơ cấu xã hội và dịch vụ của TP, hạn chế sự mất mát về thể chất, tài sản xã hội.

Kinh nghiệm quốc tế trong nâng cấp đô thị cho thấy sự tham gia của cư dân, tổ chức cộng đồng rất quan trọng. Các dự án cần được thiết kế từ dưới lên, làm việc với những hộ gia đình và cộng đồng để họ có thể đưa ra quyết định về mức độ dịch vụ mà họ nhận được. Thành công lâu dài của việc nâng cấp đòi hỏi phải xem xét đến chi phí liên quan và thiết kế phù hợp với cộng đồng, cũng như chính quyền địa phương. Chương trình nâng cấp nên được lồng ghép với chính sách, chương trình, chiến lược của TP, quốc gia để giải quyết tình trạng nghèo đói, dễ bị tổn thương, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thực tế phát triển đô thị ở Việt Nam cho thấy, nhiều khu vực đô thị phát triển lộn xộn, rời rạc, thiếu cơ sở dịch vụ, hạ tầng, nhiều khu ở bị xuống cấp, điều kiện sống chật hẹp, thiếu không gian công cộng, giao thông tắc nghẽn, ô nhiễm môi trường ngày một nghiêm trọng. Đại dịch Covid-19 đã phơi bày nhiều bất cập, trong đó có tình trạng nhà ở không phù hợp, thiếu tiện ích của một bộ phận dân cư nghèo, di cư…

Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị về Quy hoạch, Xây dựng, Quản lý và Phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng chỉ rõ “chất lượng đô thị hóa chưa cao, phát triển đô thị theo chiều rộng là chủ yếu… chất lượng hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế khu vực đô thị”. Để cải thiện điều kiện sống và hạ tầng hướng tới mục tiêu thực hiện quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị Việt Nam, Bộ Xây dựng đã có các Chương trình Nâng cấp đô thị quốc gia giai đoạn 2009 - 2020.

Nâng cấp, tái thiết đô thị cần một cách tiếp cận hệ thống gắn với nhu cầu và đạt được sự đồng thuận của cộng đồng.
Nâng cấp, tái thiết đô thị cần một cách tiếp cận hệ thống gắn với nhu cầu và đạt được sự đồng thuận của cộng đồng.

Để cải tạo chỉnh trang và phát triển đô thị, Việt Nam đã có chính sách di dân, tái định cư, nhưng chưa cho thấy hiệu quả rõ rệt. Bởi vì rào cản đối với vấn đề di dân là khả năng chi trả cho nơi ở mới và việc đảm bảo sinh kế cũng như môi trường sống phù hợp của người dân. Trong bối cảnh đó, vấn đề mang tính giải pháp là tái định cư tại chỗ với việc cải tạo, tái cấu trúc sử dụng đất hiện hữu.

Các khu ở lộn xộn, dàn trải có thể được chỉnh trang, tái phát triển với đường xá, hạ tầng được nâng cấp cùng với các loại nhà ở thấp tầng, cao tầng. Không gian đất đai được giải phóng dùng để xây dựng công viên, khu vui chơi, dịch vụ, bãi đỗ xe… Hơn nữa, khi các khu phố lụp xụp trở thành khu ở và khu chung cư khang trang, hiện đại với đầy đủ tiện nghi hơn, giá trị đất tại khu vực đó cũng tăng lên. Giá trị gia tăng này mang lại lợi nhuận cho cả người sở hữu nhà, đồng thời, cũng chính là nguồn lực để các công ty phát triển xây dựng không gian công cộng, dịch vụ mới cũng như để tái đầu tư cải tạo các “khu ổ chuột” khác của TP.

Phương pháp quy hoạch này, được gọi là tái phân thửa, tái cấu trúc đất đang được nhiều nước từ châu Á như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đến quốc gia phương Tây như: Canada, Thụy Điển áp dụng. Điều quan trọng là có sự đối thoại, hợp tác giữa cộng đồng người dân và doanh nghiệp, trong khi chính quyền đóng vai trò dẫn dắt, tạo hành lang pháp lý.

Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy, nâng cấp, tái thiết đô thị cần một cách tiếp cận hệ thống gắn với nhu cầu và đạt được sự đồng thuận của cộng đồng về ý tưởng, sự ưu tiên của chính quyền địa phương. Phải đảm bảo sự cân bằng giữa chi phí và lợi ích dài hạn của một khu vực đô thị trong nâng cấp, tái phát triển. Các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phải được coi là tài sản xã hội, giúp nâng cao bản sắc của một đô thị, đóng góp nâng cao chất lượng sống và kinh tế, đô thị. Chương trình nâng cấp cần cách tiếp cận đa mục tiêu, nâng cấp nhà ở, hạ tầng gắn với tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, tôn vinh giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần