Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vì sao quốc tế lo ngại Taliban nắm quyền ở Afghanistan?

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giới chuyên gia lo ngại sau khi phiến quân Taliban tiếp quản quyền lực tại Afghanistan, sẽ khiến quốc gia Nam Á này tiếp tục trở thành điểm nóng về nhân quyền, tạo điều kiện cho các phần tử cực đoan trỗi dậy và gây bất ổn cho khu vực.

Nhóm Taliban đã tiếp quản Afghanistan với tốc độ chóng mặt. Chỉ trong vài tuần, lực lượng phiến quân này đã đánh chiếm hàng loạt thành phố trọng yếu và bao vây thủ đô Kabul vào rạng sáng 15/8, buộc Tổng thống Ashraf Ghani rời đất nước, mở đường cho cuộc chuyển giao quyền lực.
Các tay súng Taliban tiến vào TP Herat, phía Tây Kabul, Afghanistan, hôm 14/8 sau khi giành quyền kiểm soát từ Chính phủ Afghanistan. Ảnh: AP
Mặc dù Taliban cam kết “quá trình chuyển đổi được hoàn thành một cách an toàn, không gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản và danh dự của bất kỳ ai”, song hàng triệu người Afghanistan vẫn cảm thấy vô cùng bất an. Chính quyền Taliban từng nổi tiếng với việc áp đặt luật Hồi giáo hà khắc trong 5 năm cầm quyền ở Afghanistan, trước khi liên quân do Mỹ dẫn đầu can thiệp quân sự vào nước này và lật đổ chế độ Taliban năm 2001. Giới chuyên gia hiện đang bày tỏ lo ngại rằng Afghanistan sẽ tiếp tục trở thành điểm nóng về nhân quyền sau khi Taliban tiếp quản quyền lực.
Ông Husain Haqqani - cựu Đại sứ Pakistan tại Mỹ, nói với NPR rằng không có lý do gì để nghĩ rằng một chế độ Taliban mới sẽ không gây ra các thảm họa nhân đạo khác, đồng thời cảnh báo: “Cho đến nay, tại các khu vực mà Taliban kiểm soát, nhóm này đã hành quyết dân thường, tấn công phụ nữ, đóng cửa trường học, phá hủy bệnh viện và các cơ sở hạ tầng khác".
Những gì Taliban đã làm tại các tỉnh chiếm được hồi tuần trước cho thấy, hành động của nhóm này hiện nay và 20 năm trước không có sự khác biệt. Nhóm Taliban từng cấm phụ nữ đi học, tiến hành các vụ hành quyết công khai, đàn áp các nhóm thiểu số như người Shiite Hazara và phá hủy các tượng Phật khổng lồ bằng đá vô giá ở Bamiyan.
Trong những tháng gần đây, các chuyên gia nhận định rằng sau khi Taliban lên nắm quyền, không có gì đảm bảo rằng Afghanistan sẽ không một lần nữa trở thành nơi trú ẩn an toàn cho những kẻ khủng bố - những kẻ có ý định tấn công Mỹ hoặc các cường quốc khác.
"Nếu nhóm này giành quyền kiểm soát Afghanistan, tôi không nghi ngờ việc chúng sẽ cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho al-Qaeda, phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và cho chủ nghĩa khủng bố nói chung. Đó là một mối đe dọa an ninh quốc gia với Mỹ" - cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta nói với NPR cuối tuần trước.
Trong khi đó, đại diện của Afghanistan tại Liên Hợp quốc Ghulam Isaczai đưa ra cảnh báo tương tự vào tuần trước: "Taliban được mạng lưới khủng bố xuyên quốc gia hỗ trợ trong các hành động man rợ có chủ ý".
Ngoài ra, Taliban nắm quyền tại Afghanistan cũng có thể gây bất ổn cho nước láng giềng Pakistan. Cục Tình báo Liên quân Pakistan (ISI) bị nhiều người nghi hỗ trợ Taliban trước khi nhóm này lên nắm quyền ở Afghanistan năm 1996. Quân đội Pakistan cũng được cho là coi Afghanistan như một "bức tường thành" cần thiết trước đối thủ truyền thống Ấn Độ.
Taliban ở Afghanistan đã giúp truyền cảm hứng cho Tehrik-i-Taliban Pakistan, thường được gọi đơn giản hơn là Taliban Pakistan. “Mặc dù các thủ lĩnh của hai nhóm được cho là mâu thuẫn và không có chung mục tiêu, nhưng việc Taliban nắm quyền ở Afghanistan chắc chắn sẽ thúc đẩy Taliban ở Pakistan”, Madiha Afzal - nhà nghiên cứu về chính sách đối ngoại tại Viện Brookings, nhận định.
Điểm đáng quan ngại khác là các nhà phân tích dự đoán cuộc chiến chưa thể chấm dứt sau khi chính phủ Afghanistan sụp đổ. Nhà nghiên cứu Shreyas D. Deshmukh tại Viện chính sách Delhi cho rằng, "cuộc chiến sẽ không kết thúc với việc Taliban tiếp quản Kabul", có nghĩa là "một giai đoạn bất ổn khác" sẽ bắt đầu.
"Một lần nữa, chúng ta có thể chứng kiến một cuộc chiến tranh ủy nhiệm trong những ngày tới. Điều này sẽ khiến Afghanistan trở thành nơi trú ẩn an toàn cho các phần tử cực đoan, có nguy cơ đe dọa an ninh tại khu vực Trung Á, Trung Quốc và Ấn Độ" - nhà nghiên cứu Deshmukh cảnh báo.