Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vì sao Scotland muốn “đường ai nấy đi”?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 307 năm “chung sống” dưới mái nhà Liên hiệp Vương quốc Anh, tại sao Scotland lại muốn dứt áo?

Scotland có một lịch sử quan hệ lâu dài và phức tạp với Liên hiệp Vương quốc Anh. Đạo luật năm 1707 đưa Scotland gia nhập Liên hiệp Vương quốc Anh, nhưng khi đó rất nhiều người dân Scotland phản đối quyết định này.

Tháng 5/2011, Đảng Dân tộc Scotland (SNP) theo đuổi độc lập bất ngờ thắng cử và giành thế đa số trong Quốc hội Scotland. Tháng 10/2012 chính phủ Vương quốc Anh và Scotland đồng ý tổ chức trưng cầu dân ý về tương lai Scotland.

CNN dẫn lời giáo sư lịch sử Scotland Dauvit Broun thuộc ĐH Glasgow cho biết nhiều người dân Scotland không đồng ý với các chính sách mà chính phủ Anh của Thủ tướng David Cameron đề ra.

Giáo sư Broun cho biết sự chia rẽ giữa Anh và Scotland bắt đầu sâu sắc hơn kể từ thời cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher.

Những ngày này, câu chuyện giữa Scotland và Liên hiệp Vương quốc Anh đang trở nên vô cùng nóng trên các mặt báo quốc tế bởi lẽ trong suốt thời gian qua, thị trường không mấy quan tâm đến thông tin này khi số người dân Scotland muốn ở lại Liên hiệp Vương quốc Anh chiếm đa số. Tuy nhiên chỉ trong có vài ngày qua, tình hình đã quay ngoắt 180 độ, với tỷ lệ người ủng hộ rời bỏ chiếm 51%.

Bỗng nhiên một câu hỏi được đưa ra: Nhỡ đâu việc Scotland tách khỏi Liên hiệp Vương quốc Anh sẽ thực sự xảy ra?

Mặc dù sáp nhập vào Liên  hiệp vương quốc Anh kể từ năm 1707, trên thực tế, quốc gia này vẫn giữ sự độc lập về hệ thống pháp luật, giáo dục và bản sắc văn hóa riêng. Những yếu tố này đang thúc đẩy Scotland đòi tách ra khỏi Liên hiệp Vương quốc Anh để tự chủ về mọi mặt

Việc không phải là một quốc gia độc lập nên Scotland không được gia nhập trực tiếp vào Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Âu (EU) hay bất kỳ tổ chức quốc tế nào khác. Người Scotland cho rằng, họ đang phải chia sẻ gánh nặng kinh tế với Vương quốc Anh.

Trên trang kinh doanh tại Scotland, chiếc đồng hồ nợ công của Vương quốc Anh luôn chạy kèm với dòng chữ “Mỗi giây người Scotland phải trả 127 bảng cho khoản nợ công nhưng không được công bố”.

Quy mô khoảng 5 triệu dân và GDP hơn 200 tỷ USD, Scotland đang định hướng mình tới một mô hình phát triển tốt như Nauy. Kinh tế đang tăng trưởng đều, nguồn dầu mỏ biển Bắc dồi dào và thu nhập đầu người chẳng kém gì vương quốc. Đây là cái cớ để giới chức Scotland kiên quyết xin độc lập.

Những lo ngại

Theo Hãng tin BBC, thu nhập của người Scotland có thể tăng thêm 1.400 bảng/năm nhưng để duy trì các vấn đề an sinh xã hội, các loại thuế sẽ phải tăng 13%, nếu không sẽ phải cắt giảm 11% chi tiêu cho dịch vụ công. Và tiền để thay đổi thể chế rơi vào khoảng 1,5-2,7 tỷ bảng. Nhưng cấp thiết nhất, nếu tách ra khỏi Anh thì Scotland sẽ dùng đồng tiền nào? Tiếp tục dùng đồng bảng? Không thể. Chỉ có một cách là gia nhập Eurozone.

Ngay khi nghe tin này, Chủ tịch EC đã phản ứng. Chủ tịch EC đã tuyên bố, Scotland khó trở thành thành viên của EU nếu tách ra khỏi Anh bởi Scotland phải nhận nguồn viện trợ từ Vương quốc Anh 27 tỷ bảng (20% GDP/năm). Điều này rất có thể biến Scotland trở thành Hy Lạp thứ hai nếu gia nhập EU hay Eurozone.

Trong tuyên bố ngày 8/9, Thủ tướng Anh David Cameron nói rằng, nhiều nhà lãnh đạo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã bày tỏ quan ngại về việc Scotland tách khỏi Liên hiệp Vương quốc Anh.

Reuters dẫn lời Bộ trưởng tài chính Anh George Osborne cho biết, Chính phủ Anh sẽ thảo kế hoạch trong vài ngày tới theo đó tăng quyền tự trị của Scotland trong vấn đề thuế, chi tiêu và phúc lợi xã hội nếu Scotland bỏ kế hoạch trưng cầu dân ý về vấn đề độc lập vào ngày 18/9 tới.

Hiện 3 đảng lớn trong Quốc hội Anh đã thảo ra các đề xuất khác nhau về tăng quyền cho Scotland.

Trước đó, tại cuộc gặp các nhà lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) diễn ra hồi tháng 6/2014 tại Brussels, Bỉ, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng Mỹ mong muốn một Liên hiệp Vương quốc Anh thống nhất, song cũng nhấn mạnh chỉ có người dân Scotland mới quyết định được số phận của xứ này.

Việc Scotland sẽ trưng cầu dân ý về việc tách khỏi Liên hiệp Vương quốc Anh khiến giới đầu tư lo lắng, đồng bảng Anh lao mạnh, trong khi chứng khoán London cũng sụt giảm.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo sự kiện này sẽ kéo theo những tác động tiêu cực, mà trước tiên đó là sự bất ổn trong quá trình chuyển đổi sang một hệ thống tiền tệ, tài chính và tài khóa mới hoàn toàn khác biệt tại Scotland.