Vì sao Serbia kiên quyết “phớt lờ” lời kêu gọi trừng phạt Nga của EU?

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngoài Belarus, Serbia hiện là nước duy nhất còn lại ở châu Âu từ chối áp các biện pháp trừng phạt quốc tế chống Moscow vì cuộc xung đột quân sự ở Ukraine.

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic dự họp báo sau hội nghị thượng đi nhr EU-tây Balkan. Ảnh: Getty
Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic dự họp báo sau hội nghị thượng đi nhr EU-tây Balkan. Ảnh: Getty

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic hôm 8/1 tuyên bố, nếu Belgrade chịu khuất phục trước áp lực của Liên minh châu Âu (EU) về việc áp đặt các lệnh trừng phạt Nga, nước này sẽ buộc phải công nhận Kosovo là một quốc gia độc lập.

Tổng thống Vucic khẳng định, chính quyền Belgrade đã có những hành động thiện chí trước các yêu cầu từ Brussels, bao gồm cả việc bàn giao những nghi phạm trong các cuộc chiến ở Balkan, song Serbia chưa nhận được phản hồi tích cực từ EU về việc gia nhập khối này.

“Serbia đã nhiều lần thực hiện những yêu cầu từ phía EU, tuy nhiên việc xem xét kết nạp Belgrade vào khối này hiện vẫn chỉ dừng lại ở những cam kết. Đó là lý do tại sao chúng tôi đã từ chối lời kêu gọi trừng phạt chống Nga của Brussels trong hơn 100 ngày qua. Nếu chúng tôi áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Nga, chắc chắn chúng tôi sẽ được thông báo rằng đã đến lúc giải quyết vấn đề Kosovo” - hãng tin RT dẫn tuyên bố của Tổng thống Serbia nêu rõ.

Trước đó, hôm 5/1, nhà lãnh đạo Serbia đã bày tỏ sự thất vọng về sự chậm chạp của EU trong việc thúc đẩy kết nạp nước này.

Theo AP, trong bài trả phỏng vấn đài truyền hình Serbian TV Pink, Tổng thống Vucic đã bác bỏ yêu cầu của EU, đồng thời chỉ trích việc liên minh hối thúc Belgrade tham gia áp trừng phạt Nga vì cuộc xung đột ở Ukraine là sự can thiệp “thô bạo” vào vấn đề nội bộ của nước này.

Ông Vucic ca ngợi những thành tựu kinh tế và chính trị Serbia đã đạt được trong năm 2022, đồng thời so sánh bản thân với “con sói không thể thuần hóa” dưới áp lực quốc tế.

Mặc dù đang nỗ lực để được kết nạp vào EU nhưng Serbia đã nhiều lần phớt lờ các lời kêu gọi điều chỉnh chính sách đối ngoại của đất nước cho phù hợp với liên minh gồm 27 quốc gia thành viên ở châu Âu.

Ngày càng có nhiều đề xuất từ các nước thành viên EU về việc đình chỉ nỗ lực gia nhập khối của Serbia cho đến khi quốc gia vùng Balkan tuân thủ chính sách đối ngoại chung của EU.

Ngoài Belarus, Serbia hiện là nước duy nhất còn lại ở châu Âu từ chối áp các lệnh trừng phạt quốc tế chống Moscow vì cuộc xung đột quân sự ở Ukraine.

Nga lâu nay vẫn ủng hộ tuyên bố chủ quyền của Serbia đối với Kosovo, tỉnh ly khai công bố độc lập năm 2008 với sự hậu thuẫn của phương Tây.

Theo Tổng thống Vucic, các quan chức cấp cao của Mỹ và EU sẽ đến thăm Serbia trong vài ngày tới để thảo luận những giải pháp khả thi cho căng thẳng về Kosovo, vốn đang tăng cao trong những tuần qua.  

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần