Sau Hiệp hội Taxi Hà Nội, đến lượt Hiệp hội Taxi ba miền (bao gồm Hiệp hội Taxi Hà Nội, Hiệp hội Taxi Đà Nẵng, Hiệp hội Taxi TP Hồ Chí Minh) đã có đơn cầu cứu gửi lên Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về một số nội dung liên quan đến bản Dự thảo Nghị định 86 sửa đổi mới nhất.
Bất bình đẳng nghiêm trọng
Trông đơn kêu cứu, Hiệp hội Taxi 3 miền cho rằng, bản Dự thảo Nghị định 86 mà Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa hoàn thành và trình lên Thủ tướng Chính phủ, có nhiều nội dung bất cập. Do đó, nếu vẫn giữ nguyên và được thông qua thì sẽ gần như một dấu chấm hết cho tất cả các doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi truyền thống. Nguyên nhân chính là nhiều quy định trong bản dự thảo sẽ tạo ra sự bất bình đẳng nghiêm trọng.
Theo Hiệp hội Taxi 3 miền, ngay từ khi mới ra đời, taxi công nghệ mà đại diện là Uber, Grab đã có được lợi thế rõ rệt về chính sách pháp luật so với taxi truyền thống mà điển hình là lợi thế về điều kiện hình thức (như không cần dán tem, đeo mào) hoặc lợi thế về thuế suất, chi phí cho lao động (không cần ký hợp đồng lao động, không mất chi phí đào tạo, bảo hiểm, khám sức khỏe định kỳ, đột xuất cho lao động). Ngoài ra, taxi công nghệ cũng không cần có bộ phận an toàn giao thông, tổng đài... Đây cũng được xem là một lợi thế về chi phí cho hoạt động kinh doanh.
Một trong những điểm cốt lõi đem đến sự bình đẳng trong cạnh tranh giữa taxi công nghệ và taxi truyền thống là vấn đề định danh và nhận diện. Tuy nhiên, Hiệp hội Taxi 3 miền khẳng định, bản Dự thảo Nghị định 86 sửa đổi mới nhất của Bộ GTVT đã loại bỏ yếu tố đặc biệt quan trọng này. Cụ thể là việc bỏ quy định xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ không phải gắn hộp đèn trên nóc xe. Đồng thời là quy định cho phép cá nhân và hộ kinh doanh cá thể cũng có thể trực tiếp tham gia kinh doanh vận tải hành khách bằng xe Hợp đồng điện tử dưới 09 chỗ mà không phải thông qua các Hợp tác xã. Hiệp hội Taxi 3 miền khẳng định, những quy định trên chẳng khác nào nới rộng thêm lợi thế vốn đã có của Taxi công nghệ, giúp loại hình taxi mới này có cơ hội trở nên hợp pháp một cách thiếu thuyết phục, thiếu bình đẳng. Đánh giá về bản dự thảo mới nhất của Bộ GTVT, Hiệp hội Taxi 3 miền cho rằng, đây là bản dự thảo “có nội dung quay ngược gần như “180 độ” so với những nội dung đã được cân nhắc trong những bản Dự thảo trước đó mà không có một sự giải thích hợp lý nào”.
Cùng với khẳng định việc taxi truyền thống đang “đứng trước nguy cơ chưa từng có, đe dọa “khai tử””, Hiệp hội Taxi 3 miền mong nhận được sự quan tâm của đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước về nội dung Dự thảo Nghị định 86 sửa đổi mà Bộ GTVT đang thực hiện. “Nghị định này không chỉ liên quan tới số phận của ngành Taxi mà còn thể hiện cách ứng xử của Việt Nam đối với làn sóng kinh doanh trên nền tảng không gian ảo và kinh tế sẻ chia – đã và đang gây nhức nhối cho nhiều quốc gia trên thế giới trong cách thức quản lý” – Hiệp hội Taxi 3 miền khẳng định trong đơn kêu cứu.
Bản dự thảo được đánh giá cao vẫn không được chọn
Trước khi Hiệp hội Taxi 3 miền có đơn kêu cứu gửi tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thì một trong 3 thành viên của Hiệp hội này là Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng đã có công văn gửi tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn được đối thoại với người đứng đầu Chính phủ về các vấn đề nóng hiện nay thuộc Dự thảo Nghị định 86 sửa đổi. Trong công văn gửi Thủ tướng, Hiệp hội Taxi Hà Nội khẳng định, công tác soạn thảo Dự thảo Nghị định 86 sửa đổi trong hơn 3 năm qua đã trải qua rất nhiều lần lấy ý kiến, tiếp thu, tổng hợp, giải trình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đến nay Bộ GTVT cùng các Bộ, ngành, đơn vị liên quan đã thống nhất được nhiều nội dung quan trong của dự thảo. “Ngày 17/7/2019, Bộ GTVT đã trình bản Dự thảo lần thư 9 lên Chính phủ cùng các Bộ, ngành, đơn vị liên quan. Bản Dự thảo lần thứ 9 là sự kết tinh của những hàm tố pháp lý lẫn hàm tố chuyên môn trong lĩnh vực kinh doanh vận tải và khoa học công nghệ... đã nhận được sự nhất trí cao từ cơ quan chủ trì soạn thảo cho đến các cơ quan, đơn vị tham mưu” – trích nội dung công văn gửi Thủ tướng. Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, nội dung quan trọng nhất trong bản Dự thảo Nghị định 86 sửa đổi lần thứ 9 là việc các hãng taxi công nghệ, điển hình là Uber, Grab đã được xác định là các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vận tải với hình thức kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng. Cùng với nội dung quan trọng này, bản Dự thảo lần thứ 9 cũng đưa ra hình thức quản lý đối với taxi công nghệ là phải gắn hộp đèn trên nóc xe đối với xe có sức chứa dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng điện tử.
Theo Hiệp hội Taxi Hà Nội, bản Dự thảo Nghị định 86 sửa đổi lần thứ 9 là kết quả của cả một quá trình Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành, địa phương, chuyên gia, tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp phần mềm cùng nhiều đơn vị có liên quan khác đã tích cực xây dựng; tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo khoa học; nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm của các nước; lấy ý kiến rộng rãi của người dân, doanh nghiệp; nghiên cứu, giải trình, tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, rà soát, hoàn chỉnh Dự thảo Nghị định theo đúng trình tự, thủ tục của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đồng thời cũng đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Thông báo số 93/TB-VPCP ngày 12/03/2019 và Thông báo số 204/TB-VPCP ngày 06/06/2019: đảm bảo bảo tốt nhất lợi ích của người dân, đã giải quyết cơ bản vấn đề bất bình đẳng giữa các loại hình vận tải, đưa ứng dụng công nghệ vào để quản lý đối với cả 5 loại hình vận tải, đảm bảo vai trò của quản lý nhà nước đối với các loại hình kinh doanh vận tải hành khách, chống ùn tức giao thông. “Dự thảo Nghị định cũng đã được 25/26 Thành viên Chính phủ thông qua, trong đó có 4 Phó Thủ tướng và 2 bộ chuyên ngành là Bộ Công an và Bộ GTVT, Dự thảo Nghị định lần này đã tạo được sự đồng thuận nhất trí cao của dư luận xã hội” –Hiệp hội Taxi Hà Nội nhận định.
Tuy nhiên, bất chấp bản Dự thảo lần thứ 9 được đánh giá cao như vậy, trong bản Dự thảo mới nhất vừa được Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ vào ngày 14/8 vừa qua lại bất ngờ bỏ quy định gắn hộp đèn đối với xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ. Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết thêm, thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng vừa qua cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu lại dự thảo nghị định. Trong đó có nội dung yêu cầu bỏ quy định gắn hộp đèn đối với xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ, dùng công nghệ để quản lý. “Thông tin này đã gây hoang mang, lo lắng cho người lao động và cộng đồng doanh nghiệp taxi trên cả nước nói chung và cộng đồng doanh nghiệp taxi trên địa bàn TP Hà Nội nói riêng" – Hiệp hội Taxi Hà Nội đánh giá.
Do đó, Hiệp hội Taxi Hà Nội bày tỏ mong muốn được đối thoại với Thủ tướng về các vấn đề nóng hiện nay thuộc bản Dự thảo Nghị định 86 sửa đổi lần thứ 10 mà Bộ GTVT vừa trình Thủ tướng. “Chúng tôi tha thiết đề nghị Thủ tướng Chính phủ tổ chức một buổi đối thoại trực tiếp với các Hiệp hội, các doanh nghiệp taxi, các doanh nghiệp phần mềm công nghệ về quy định gắn hộp đèn nóc xe đối với xe hợp đồng điện tử dưới 09 chỗ để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của các doanh nghiệp chúng tôi, từ đó có chính sách quản lý sáng suốt, công bằng, bình đẳng và phù hợp với bối cảnh kinh tế chính trị xã hội đất nước” – trích nội dung công văn của Hiệp hội Taxi Hà Nội gửi Thủ tướng.