Ông Lee Jae-yong, Phó chủ tịch đồng thời là người thừa kế tập đoàn Samsung, đã bị kết án 2 năm 6 tháng tù giam trong một vụ bê bối tham nhũng liên quan đến cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye.
Án tù của “Thái tử” Samsung đã chính thức kết thúc vào ngày 29/7 vừa qua, nhưng nếu không được hưởng đặc xá, ông Lee sẽ bị giới hạn việc làm trong 5 năm kể từ khi mãn hạn tù theo Đạo luật trừng phạt nặng đối với tội phạm kinh tế của Hàn Quốc.
Truyền thông Hàn Quốc cho biết, lệnh ân xá - chính thức có hiệu lực kể từ ngày 15/8 - cho phép ông Lee lấy lại vai trò lãnh đạo của mình, qua đó xúc tiến các quyết định lớn và mang tính chiến lược, từ các thương vụ sản xuất chip đến cải cách quản trị của Samsung.
Ông Lee nhiều khả năng sẽ kế vị người cha quá cố của mình với tư cách là Chủ tịch Samsung, cũng như đối phó tích cực hơn với những thách thức mà công ty phải đối mặt, trong bối cảnh ngành chip thế giới đang gấp rút khắc phục tình trạng thiếu hụt.
Ngay cả trước khi nhận được lệnh ân xá của Tổng thống, ông Lee Jae-yong đã trở lại ánh đèn sân khấu hồi tháng 5 vừa qua, khi tháp tùng Tổng thống Yoon Suk-yeol và Tổng thống Mỹ Joe Biden đến thăm cơ sở sản xuất vi xử lý Pyeongtaek của Samsung. “Thái tử” Samsung cũng có chuyến công du châu Âu sau đó để bàn về việc triển khai thiết bị dùng vi xử lý trọng yếu.
Samsung là doanh nghiệp thành công nhất trong các "Chaebol" (tập đoàn gia đình) - nhóm giữ vai trò thiết yếu trong nền kinh tế Hàn Quốc. Yonhap trích dẫn số liệu năm 2019 cho biết, doanh số bán hàng của 64 tập đoàn gia đình hàng đầu chiếm tới 84% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này. Trong đó, Samsung chiếm tới 34% tổng doanh thu của 64 tập đoàn trên. Chỉ riêng công ty Samsung Electronics của tập đoàn đã chiếm gần 1/6 tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Một cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng trước của Reuters cho thấy, 77% người Hàn Quốc được hỏi đều ủng hộ việc ân xá cho nhà lãnh đạo Samsung, bất chấp làn sóng phản đối trước đó.
“Tôi sẽ làm việc chăm chỉ để cống hiến cho nền kinh tế quốc gia," ông Lee Jae-yong nói với các phóng viên trước tòa án trung tâm Seoul sau khi được thông báo ân xá hôm 12/8. Tuy nhiên, ông Lee vẫn tiếp tục phải hầu tòa trong một vụ xét xử khác, liên quan đến cáo trạng thao túng giá cổ phiếu và hành vi giao dịch bất công, mặc dù ông khẳng định mình vô tội.
Ngoài ra, một số nhân vật khác có tên trong danh sách ân xá lần này bao gồm Chủ tịch Lotte Group Shin Dong-bin, Chủ tịch Chang Sae-joo của Dongkuk Steel Mill và cựu Chủ tịch Tập đoàn STX Kang Duk-soo. “Những doanh nhân chủ chốt được đưa vào diện ân xá vì vai trò của họ trong việc dẫn dắt tăng trưởng quốc gia thông qua đầu tư công nghệ và tạo ra việc làm, trong bối cảnh đất nước cần vượt qua khủng hoảng kinh tế” - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hàn Quốc Han Dong Hoon cho biết tại một cuộc họp báo ngày 12/8.
Phát biểu tại cuộc họp Nội các hôm 12/8, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol bày tỏ hy vọng rằng lệnh ân xá đặc biệt trong Ngày Giải phóng của ông sẽ giúp ổn định sinh kế của người dân và kéo đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế. Hàn Quốc phụ thuộc vào xuất khẩu và công nghệ đang phải vật lộn với lạm phát tăng vọt và các dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á đang phải vật lộn với nhu cầu suy yếu, chi tiêu chậm lại.
Dù vậy, không phải tất cả đều đồng tình với động thái này. Trong một cuộc họp báo ngày 12/8, đảng Công lý Hàn Quốc - đảng lớn thứ 3 tại quốc hội nước này - gọi các lệnh ân xá của Tổng thống Yoon là “sự sụp đổ của công lý”.