Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vì sao tháng Bảy Âm lịch được gọi là tháng cô hồn?

Khang Nhi (Tổng hợp)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tháng Bảy Âm lịch thường được dân gian gọi là tháng cô hồn.

Tên gọi tháng Cô hồn được bắt nguồn từ Đạo Giáo của người Trung Quốc. Họ quan niệm rằng: Bắt đầu từ ngày mùng 2 tháng Bảy Âm lịch thì Diêm Vương sẽ bắt đầu mở quỷ môn quan cho các vong linh, quỷ đói khát được quay trở về dương gian. Và cánh cửa sẽ đóng dần lại vào giữa đêm ngày Mười bốn tháng Bảy Âm lịch và đóng hoàn toàn vào ngày Rằm tháng Bảy Âm lịch. Cũng vì thế mà mọi người trên dương thế thường mở rộng lòng từ bi, thương yêu bằng cách cúng cháo, gạo... để bố thí cho các vong linh, quỷ đói đồng thời cũng mong muốn các vong linh đừng quấy phá đời sống của người trần gian.

Ảnh minh họa cảnh xá tội vong nhân dưới địa ngục.
Ảnh minh họa cảnh xá tội vong nhân dưới địa ngục.

Còn tại Việt Nam, chúng ta quan niệm rằng, mỗi chúng ta sẽ có phần thể xác và phần hồn. Mọi người khi chết đi nhưng phần hồn không thể đầu thai, sẽ phải chịu tội ở dưới âm Ty Địa Ngục. Hàng năm, cứ vào tháng Bảy Âm lịch thì những linh hồn bị tội sẽ được phép lại quay về dương thế kiếm tìm đồ ăn, đồng thời, mong được đầu thai chuyển kiếp. Và suốt tháng Bảy Âm lịch, mọi đồ đạc như: Áo quần, xe cộ,... đều kỵ không nên mua, kẻo sẽ bị ma quỷ quấy phá, hoặc có mua thì chỉ mua cho người âm.

Trong tháng Bảy Âm lịch còn có lễ Vu Lan báo hiếu và Xá tội vong nhân là những lễ được nhiều gia đình chú trọng. Thế nhưng, liệu lễ Vu Lan và Xá tội vong nhân có phải là một? 

Ngày lễ Vu Lan hàng năm được tổ chức long lọng nhằm nhắc nhở các thế hệ con cháu luôn nhớ tới công ơn dưỡng dục sinh thành của ông bà, cha mẹ cũng như tổ tiên và các bậc anh hùng dân tộc đã có công với đất nước. Không riêng gì đối với mỗi người Phật tử, Lễ Vu Lan mở ra cả một mùa báo ân, báo hiếu lan toả khắp cả đất nước Việt Nam.

Báo hiếu ở đây là đối với cha mẹ, người đã sinh và nuôi dưỡng chúng ta không chỉ ở kiếp này mà còn ở nhiều kiếp khác. Tín ngưỡng Phật giáo luôn nhìn nhận con người trong mối tương quan nhân quả, trong vòng báo luân hồi. Điều này dẫn đến việc chúng ta phải mở rộng vòng báo hiếu ra tất cả chúng sinh. “Phổ độ chúng sinh”, “cứu nhân độ thế”, “xá tội vong nhân”.

Theo quan niệm của dân gian, trong khi lễ Vu Lan đề cao sự báo hiếu thì lễ Xá tội vong nhân lại đề cao sự ban phước cho các cô hồn chưa được siêu thoát còn lảng vảng trên trần gian.

Theo tín ngưỡng dân gian, từ những ngày đầu tháng Bảy Âm lịch cho đến ngày Rằm tháng Bảy Âm lịch là ngày "mở cửa địa ngục", các cô hồn được xá tội, thoát về dương thế, vất vưởng khắp nhân gian tùy theo nghiệp tội mà họ được về sớm, về với nhân gian nhiều ngày hay ít ngày. Vì vậy, mọi người đều cúng chúng sinh bằng cháo loãng, gạo, bỏng, muối… để bố thí cho các cô hồn không nơi nương tựa và mong ước họ được bữa cơm, bữa cháo cho bớt khổ và cũng mong họ sớm được siêu sinh.

Tích khác nói rằng, tôn giả A Nan Đà (Đệ tử của Phật Thích Ca Mâu Ni) khi đang ngồi trong tịnh thất thì có một con quỷ miệng lửa (diệm khẩu) hiện lên báo rằng 3 ngày nữa ông sẽ chết và hóa thành quỷ đói. Cách duy nhất để cứu sống đó là cúng cho quỷ đói thức ăn để ông được tăng thêm tuổi thọ. Ngài A Nan Đà đã áp dụng bài chú được Phật Thích Ca Mâu Ni truyền cho để đem tụng trong lễ cúng côn hồn, ngạ quỷ và được thêm phước.

Không chỉ nằm trong tín ngưỡng của các nước phương Đông, các nước phương Tây cũng có cho mình ngày Xá tội vong nhân tương tự đó chính là Halloween hay còn được biết đến rộng rãi là ngày hội hóa trang ma quỷ.

Câu chuyện hóa trang thành ma quỷ thật ra chỉ là hoạt động do người đời sau thêm thắt vào; còn về bản chất nguyên thủy, Halloween vốn có rất nhiều nét tương đồng với ngày Xá tội vong nhân.

Riêng ở Việt Nam, người dân thường tổ chức ngày lễ Vu lan báo hiếu và lễ Xá tội vong nhân hay còn gọi là lễ thí thực cho chúng sinh (cúng chúng sinh) vào cùng ngày Rằm tháng Bảy Âm lịch. Chỉ có điều, theo một số tài liệu, người phía Bắc thường trọng lễ Xá tội vong nhân còn miền Trung và miền Nam lại đề cao lễ Vu Lan báo hiếu.