Vì sao tiêu chí nông thôn mới của Hà Nội cao hơn cả nước?

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ tiêu chí xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu của TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025 có nhiều chỉ tiêu mới so với giai đoạn 2016 - 2022, và một số chỉ tiêu TP yêu cầu cao hơn so với quy định của Chính phủ.

Xã đạt chuẩn nông thôn mới tăng 11 chỉ tiêu

Kể từ ngày "khởi động", chương trình xây dựng nông thôn mới đã đi qua một hành trình tương đối dài, đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn cũng như đời sống của người nông dân.

Tại Hà Nội, tính đến nay, toàn TP có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới; 382/382 (đặt 100%) xã đạt chuẩn nông thôn mới; 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu thuộc huyện Đan Phượng.

Diện mạo nông thôn mới tại xã Song Phượng, huyện Đan Phượng.
Diện mạo nông thôn mới tại xã Song Phượng, huyện Đan Phượng.

Bước sang giai đoạn mới, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 cũng như Chương trình số 04-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và Phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025” đòi hỏi yêu cầu ngày càng cao về tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu.

Để đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3098/QĐ-UBND về Bộ tiêu chí xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao và xã nông thôn mới kiểu mẫu TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025.

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, TS Ngọ Văn Ngôn - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội cho biết, theo Quyết định 3098/QĐ-UBND, Bộ tiêu chí xã nông thôn mới gồm 19 tiêu chí, 60 chỉ tiêu, nhiều hơn 11 chỉ tiêu so với Bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2016 -2020 (49 chỉ tiêu). Trong đó có một số chỉ tiêu mới và một số chỉ tiêu TP yêu cầu cao hơn, hoặc cụ thể so với quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Đơn cử, về tiêu chí Giao thông, chỉ tiêu 2.3 và 2.4 của TP quy định cao hơn quy định của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, Bộ tiêu chí của Thủ tướng quy định “Đường ngõ, xóm sạch” nhưng TP Hà Nội đặt yêu cầu “Đường ngõ, xóm được cứng hóa sạch”. Về đường trục chính nội đồng, Bộ tiêu chí của Chính phủ quy định “Đường trục chính nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm” nhưng TP Hà Nội yêu cầu thêm tiêu chí “được cứng hóa”.

Tiêu chí Trường học, Giáo dục và Đào tạo của TP Hà Nội quy định đều cao hơn yêu cầu của Chính phủ.
Tiêu chí Trường học, Giáo dục và Đào tạo của TP Hà Nội quy định đều cao hơn yêu cầu của Chính phủ.

Về tiêu chí Thủy lợi và phòng chống thiên tai, chỉ tiêu 3.1, tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu nước chủ động của TP quy định đạt từ 90% trở lên; cao hơn 10% so với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ quy định (80%).

Về tiêu chí Trường học của TP quy định cao hơn so với Bộ tiêu chí của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, Bộ tiêu chí của Thủ tướng quy định trường học các cấp (mầm non, tiểu học, THCS; hoặc trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là THCS) đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất theo quy định. Tuy nhiên, TP Hà Nội yêu cầu đạt chuẩn quốc gia mức độ 1.

Về tiêu chí Giáo dục và Đào tạo, chỉ tiêu 14.1, TP quy định đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; tỷ lệ trẻ em 6 tuổi vào lớp 1 đạt ≥98%; đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và THCS mức độ 3; đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; trung tâm học tập cộng đồng được đánh giá/xếp loại tốt. Tiêu chí này cao hơn so với Bộ tiêu chí của Thủ tướng Chính phủ (đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và THCS mức độ 2).

Quy định cao hơn để sát với thực tế phát triển xã thành phường

Theo Quyết định số 3098/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội, Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao gồm 19 tiêu chí, 78 chỉ tiêu. Trong đó có một số tiêu chí, chỉ tiêu mới so với Bộ tiêu chí giai đoạn 2016 - 2020 và một số chỉ tiêu yêu cầu cao hơn hoặc cụ thể so với quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, tiêu chí Giao thông, chỉ tiêu 2.1 của TP quy định cao hơn so với bộ tiêu chí của Chính phủ. Trong khi Bộ tiêu chí của Chính phủ quy định đường xã được bảo trì hàng năm, đảm bảo sáng - xanh - sạch - đẹp và có các hạng mục cần thiết, TP Hà Nội còn đặt thêm yêu cầu “đường xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa”. Bên cạnh đó, chỉ tiêu 2.3 của TP quy định cao hơn 5% so với bộ tiêu chí của Thủ tướng Chính phủ và bổ sung cụm từ "bê tông hóa".

Tuyến đường xã được trải nhựa tại xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng.
Tuyến đường xã được trải nhựa tại xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng.

Về tiêu chí Điện, TP Hà Nội cụ thể thêm 2 chỉ tiêu mới so với Thủ tướng chính phủ quy định gồm: Tỷ lệ hộ có đăng ký trực tiếp và được sử dụng điện sinh hoạt, sản xuất đảm bảo an toàn, tin cậy và ổn định; Xây dựng kế hoạch bảo trì, nâng cấp hệ thống lưới điện hàng năm.

Về tiêu chí Giáo dục và Đào tạo, chỉ tiêu 5.1 của TP quy định cao hơn so với bộ tiêu chí của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ quy định: Tỷ lệ trường học các cấp (mầm non, tiểu học, THCS, hoặc trường phổ thông có nhiều cấp học cao nhất là THCS) đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 1 và có ít nhất 1 trường đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 2.

Tuy nhiên, TP Hà Nội quy định: Tỷ lệ trường học các cấp (mầm non, tiểu học, THCS, hoặc trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là THCS) trên địa bàn xã đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 trở lên, trong đó có 1 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.

Về tiêu chí Nhà ở dân cư, quy định của TP cao hơn 5% so với giai đoạn 2016 - 2020. Cụ thể, giai đoạn 2016 – 2020, tỷ lệ hộ có nhà ở đạt chuẩn theo quy định: ≥95%. Giai đoạn 2021 – 2025 quy định tỷ lệ hộ có nhà ở kiên cố hoặc bán kiên cố: 100%.

Tiêu chí Nhà ở dân cư, quy định của TP cao hơn 5% so với giai đoạn 2016 - 2020.
Tiêu chí Nhà ở dân cư, quy định của TP cao hơn 5% so với giai đoạn 2016 - 2020.

Một trong những tiêu chí mới của giai đoạn 2021 - 2025 so với giai đoạn 2016 – 2020 là chất lượng môi trường sống. Trong đó, chỉ tiêu 18.7 quy định của TP cao hơn 5% so với giai đoạn 2016 - 2020: Tỷ lệ hộ có nhà tắm, thiết bị chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh, nhà tiêu an toàn và đảm bảo 3 sạch đạt 100%.

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội cho biết, mục tiêu xuyên suốt của xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Do vậy Thành ủy Hà Nội xác định việc xây dựng nông thôn mới song song với việc xây dựng xã thành phường, huyện thành quận.

“Việc TP Hà Nội quy định nhiều tiêu chí yêu cầu cao hơn so với Bộ tiêu chí xã nông thôn mới của Chính phủ nhằm sát với thực tế phát triển xã đạt tiêu chí phường, hạn chế tối đa những bất cập do quá trình đô thị hóa nhanh của giai đoạn trước” – ông Nguyễn Văn Chí chia sẻ.