Vì sao trạm y tế đủ điều kiện khám chữa bệnh BHYT nhưng ít bệnh nhân?

Thịnh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Mặc dù 60% trạm y tế trên địa bàn thị xã Sơn Tây đủ điều kiện khám, chữa bệnh BHYT nhưng số lượt khám bệnh tại đây lại giảm. Theo Giám đốc TTYT thị xã Sơn Tây do phạm vi hoạt động chứng chỉ chuyên môn, giảm số thẻ BHYT, Trung tâm chưa quan tâm đến công tác này...

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai phát biểu tại buổi làm việc
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai phát biểu tại buổi làm việc

Sáng 21/12, Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội giám sát chuyên đề tại Thị xã Sơn Tây về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 giai đoạn 2020-2022; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng giai đoạn 2018-2022 trên địa bàn TP Hà Nội.

Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai - Phó trưởng Đoàn giám sát chủ trì cuộc làm việc.

Đề xuất chuyển Trung tâm Y tế về UBND quận, huyện quản lý

Báo cáo với Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng cho biết: Thực hiện chính sách pháp luật về huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, tổng kinh phí chi cho phòng chống dịch từ nguồn ngân sách địa phương là 100.178 triệu đồng; thực hiện giãn, hoãn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp là 112,585 triệu đồng; giãn, hoàn giảm thuế thu nhập cá nhân là 4.718 triệu đồng...

Việc thực hiện chính sách này có tồn tại là việc thực hiện chi trả tiền hỗ trợ cho lực lượng huy động tham gia công tác phòng chống dịch ở một số địa phương còn chưa kịp thời. Nguyên nhân do văn bản hướng dẫn xác định đối tượng được chưa rõ ràng, cụ thể, nên các địa phương khó khăn trong việc rà soát tổng hợp các đối tượng được hưởng.

Thành viên Đoàn giám sát đề nghị thị xã Sơn Tây làm rõ thêm một số nội dung
Thành viên Đoàn giám sát đề nghị thị xã Sơn Tây làm rõ thêm một số nội dung

Đối với việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở, đến nay 15/15 trạm y tế được xây dựng kiên cố có bác sỹ làm việc tại trạm, duy trì 100% đạt chuẩn quốc gia về y tế (giai đoạn 2021-2030); thực hiện 30 giường bệnh/vạn dân, 13,5 bác sĩ/vạn dân, tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình.

Hệ thống y tế dự phòng trên địa bàn thị xã đã hoạt động hiệu quả đã góp phần vào công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân, đặc biệt trong công tác tiêm chủng mở rộng, phòng chống suy dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em… Tuy nhiên, trong công tác phòng, chống dịch bệnh đối với dịch bệnh Covid-19 có lúc còn lúng túng, chưa thống nhất trong công tác chỉ đạo điều hành.

Từ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, thị xã Sơn Tây đề nghị cần có chính sách thu hút đội ngũ y, bác sỹ về tuyến y tế cơ sở công tác; quan tâm cải cách tiền lương cho đội ngũ y bác sỹ, đặc biệt cho lĩnh vực làm công tác y tế dự phòng; chuyển Trung tâm Y tế về UBND cấp quận, huyện quản lý, phù hợp với công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, cũng như trong công tác đầu tư...

Làm rõ những khó khăn trong thu hút nhân lực về y tế cơ sở

Tại cuộc làm việc, thành viên Đoàn giám sát đề nghị thị xã Sơn Tây làm rõ những khó khăn trong quá trình tiếp nhận, quản lý nguồn lực ngoài ngân sách liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19. Kết quả huy động nguồn lực ngoài ngân sách ủng hộ quỹ vaccine và phương án sử dụng quỹ vaccine trong thời gian tới ra sao.

Một vấn đề được nhấn mạnh, hiện thị xã Sơn Tây có 100% trạm y tế có bác sỹ đứng trạm, 60% số trạm y tế đủ điều kiện khám chữa bệnh BHYT, nhưng số lượt khám chữa bệnh BHYT lại giảm. Việc làm rõ nguyên nhân, những khó khăn cụ thể trong thu hút nhân lực về tuyến cơ sở để đề xuất các chính sách hỗ trợ là rất cần thiết. Qua đó mới thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao, có chuyên môn sâu...

Quang cảnh cuộc làm việc
Quang cảnh cuộc làm việc

Lý giải nguyên nhân các trạm y tế có đủ điều kiệm khám chữa bệnh BHYT nhưng số lượt khám lại giảm, Giám đốc TTYT thị xã Sơn Tây Lê Minh Đức cho biết: Mặc dù cơ bản các trạm y tế đều có 1 bác sỹ nhưng nguồn nhân lực vẫn khó khăn vì giai đoạn tới có số bác sỹ nghỉ hưu, chậm được bổ sung do nhiều năm nay số bác sỹ mới ra trường không đăng ký vào TTYT.

Nguồn nhân lực ở đây chỉ bổ sung chủ yếu do đào tạo từ y sỹ, chuyên tu học lên. Tuy nhiên, hiện quy định tuyển sinh xét tuyển cao, khi đi học phải học đủ 6 năm theo quy định. Sau khi học xong tham gia thực hành tại bệnh viện 18 tháng mới được cấp chứng chỉ hành nghề; phải có thời gian 54 tháng hành nghề mới chịu trách nhiệm về chuyên môn kỹ thuật. Từ đó mới ký được hợp đồng với BHXH để khám sức khoẻ. Như vậy, phải mất khoảng 12 năm mới đào tạo được một bác sỹ, không kịp để bổ sung vào đội ngũ bác sỹ nghỉ hưu.

Theo ông Lê Minh Đức, phạm vi hoạt động trong chứng chỉ hành nghề cũng là vướng mắc trong việc thanh toán BHYT, vì chứng chỉ đào tạo cấp cho bác sỹ ở trạm y tế là nội khoa, ngoại khoa, trong khi khám, chữa bệnh ban đầu là phải gồm tất cả các chuyên khoa.

Ngoài ra, việc phân tuyến khám BHYT thấp do bác sỹ không đủ thời gian để chịu trách nhiệm khám chữa bệnh, chưa có chứng chỉ hành nghề dù cơ sở vật chất đầy đủ. Tỷ lệ chuyển tuyến cao do TTYT mất một giai đoạn không được phân thẻ BHYT. "Do không có bệnh nhân nên Trung tâm cũng chưa quan tâm đến công tác khám, chữa bệnh. Vì vậy, khi bệnh nhân quay trở lại, cơ sở chữa sẵn sàng tiếp nhận nên dẫn đến chuyến tuyến cao (trên 70%)"- ông Lê Minh Đức cho biết.

Theo Giám đốc TTYT thị xã Sơn Tây, đầu năm 2022 số thẻ khám chữa bệnh BHYT đã chuyển đến TTYT nên số lượt khám bệnh bắt đầu tăng. Trong khoảng vài tháng gần đây, Trung tâm đã tăng cường trang bị, mua thuốc tăng huyết áp và triển khai cấp ở trạm y tế. Vì vậy đã giảm dần tỉ lệ chuyển tuyến.

Giám đốc TTYT thị xã Sơn Tây Lê Minh Đức làm rõ một số nội dung đoàn giám sát nêu  
Giám đốc TTYT thị xã Sơn Tây Lê Minh Đức làm rõ một số nội dung đoàn giám sát nêu  

Về giải pháp thu hút nguồn nhân lực cho tuyến y tế cơ sở, Giám đốc TTYT thị xã Sơn Tây cho biết, đơn vị thực hiện tăng phụ cấp cho đội ngũ cán bộ y tế cơ sở. Đặc biệt, phát triển chuyên môn kỹ thuật tạo niềm tin cho người dân để thu hút người bệnh. Khi có việc làm mới thu hút được đội ngũ điều dưỡng, bác sỹ, bởi kể cả đãi ngộ cao nhưng không có việc làm cũng khó thu hút nhân lực. Cùng đó, có cơ chế thông thoáng khi triển khai kỹ thuật như danh mục kỹ thuật thanh toán BHYT, chứng chỉ hành nghề... để tăng thu hút nhân lực.

Sau khi nghe các đơn vị trên địa bàn làm rõ những vấn đề, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai đã tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của đơn vị. Với kiến nghị của Sơn Tây về việc giao TTYT cho thị xã quản lý, Đoàn sẽ tiếp tục làm việc với Sở Y tế và UBND TP để làm rõ. Về những khó khăn, vướng mắc mà đơn vị nêu, Đoàn sẽ tiếp tục làm việc với UBND TP và các sở, ngành để trả lời, giải quyết theo thẩm quyền.

Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP đề nghị, thị xã Sơn Tây cần nêu rõ căn cứ cụ thể của các điều khoản trong luật, hướng dẫn, thông tư rõ khi đưa ra những kiến nghị, đề xuất. Trên cơ sở đó, Đoàn sẽ tổng hợp và chuyển đến các cơ quan chức năng đúng địa chỉ để có thể tháo gỡ khó khăn cho đơn vị.

Đọc tiếp

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần