Vì sao trường phổ thông ngoài công lập khó tuyển sinh?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Bên cạnh một số trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp (THPT, TCCN) ngoài công lập (NCL) ở Hà Nội đã có thương hiệu, vẫn còn không ít trường gặp khó trong tuyển sinh cũng như duy trì hoạt động dạy và học.

Vì thế, lãnh đạo nhiều trường đã kiến nghị với Sở GD&ĐT giảm sĩ số lớp học của trường công để tạo nguồn tuyển cho mình. 

Đề xuất giảm sĩ số học sinh trường công

Tại hội nghị hiệu trưởng các trường THPT, TCCN NCL diễn ra cuối tuần qua, lãnh đạo nhiều trường NCL ở Hà Nội có chung lo lắng về tình hình tuyển sinh đầu vào, kinh phí hoạt động… Ông Đỗ Văn Mạn, Hiệu trưởng trường THPT An Dương Vương cho biết: Các trường NCL gặp nhiều khó khăn vì không có HS để tuyển. Hơn 100 trường NCL (8 trường chưa tuyển sinh), chỉ tuyển được trên 10.000 HS. Như vậy, bình quân mỗi trường tuyển được 115 HS, cả 3 khối mới tuyển được 350 HS, không thể duy trì hoạt động. "Huyện Đông Anh cũng đang gặp tình huống tương tự, năm 2011 có 1.088 HS chia cho 10 trường (8 trường NCL, 1 GDTX, 1 trường nghề), bình quân mỗi trường 100 HS. Con em ở huyện đều có hoàn cảnh khó khăn, học phí quá cao (400.000 đồng/tháng), trong khi đó trường công lập thu 20.000 đồng. Do vậy, không ai muốn con vào trường" - ông Mạn bày tỏ.

Vì sao trường phổ thông ngoài công lập khó tuyển sinh? - Ảnh 1

Tư vấn tâm lý cho học sinh tại Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội). Ảnh: Ngọc Thắng

Trường THPT Phạm Ngũ Lão dù có cơ sở vật chất khá đầy đủ, nhưng ông Vũ Văn Tiếu, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Năm vừa qua tuyển được 70 HS, thực tế, khi tập trung nhiều HS không đến. Ít HS, không đủ tiền trả lương GV, GV cũng bỏ dạy".

Để tháo gỡ những khó khăn này, ôn Mạn, ông Tiếu và nhiều lãnh đạo trường NCL đề nghị giảm số lượng HS/lớp, giảm số lớp/trường ở các bậc học trong trường công lập, để tạo nguồn tuyển cho các trường NCL.

Vòng luẩn quẩn

Ông Dương Công Thịnh, Phó trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GD&ĐT Hà Nội) cho biết, qua kiểm tra, vẫn còn những bất cập như, cơ sở vật chất một số trường chưa đảm bảo, nhất là đối với các bộ môn giáo dục thể chất, tin học, giáo dục quốc phòng… Một số phòng bộ môn, thư viện, khi đến kiểm tra chỉ là những kho gạo, mỗi lớp học chỉ có khoảng 10 HS, điều kiện không ổn nhưng vẫn hoạt động.

Tương tự, các trường TCCN cũng chật vật với lượng HS ngày càng ít. Đặc thù của các trường TCCN là đào tạo nghề nghiệp, phải có thiết bị phục vụ thực hành nghề nghiệp, nhưng thực tế, có trường không đủ thiết bị phục vụ dạy học. "Các trường luôn ở trong vòng luẩn quẩn: Đầu tư ít, cơ sở vật chất khó khăn, do đó chất lượng giáo dục không cao, sức hút HS thấp. Tôi cho rằng, một trong những nguyên nhân chính là đầu tư của các trường chưa đáp ứng việc nâng cao chất lượng, sức hút HS bị hạn chế, không thu được kinh phí, vì thế không có tiền đầu tư và luôn ở trong vòng luẩn quẩn này" - ông Hoàng Hữu Niềm, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp (Sở GD&ĐT) phân tích.

Trước những nỗi lo của các trường NCL, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ cho biết: Các trường công lập mới chỉ đáp ứng được 70%, còn 30% HS học ở trường NCL. Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, các trường cần có sự cố gắng lớn, đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học. Những trường đầu tư thỏa đáng, có hướng đi phù hợp sẽ phát triển tốt, cần tăng cường quản lý chất lượng, khẳng định được chất lượng đầu ra, sẽ giải được bài toán tuyển sinh đầu vào.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần