Vì sao xảy ra nhiều vụ thảm sát?

Thiên Bình
Chia sẻ Zalo

Có một sự thật không thể phủ nhận là trong thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ thảm sát.

Gọi là thảm sát bởi các vụ án đó đã cướp đi sinh mạng của nhiều người trong cùng một gia đình, mà nguyên nhân thậm chí chỉ bắt đầu từ những va chạm nhỏ nhặt trong cuộc sống thường ngày. Vậy, nguyên nhân xuất phát từ đâu và làm thế nào để khắc phục tình trạng này?
“Bội thực” thông tin thảm sát
Còn nhớ, vào sáng 7/7/2015, một vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra tại huyện Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) khiến 6 người trong gia đình ông Lê Văn Mỹ thiệt mạng. Thủ phạm sau đó nhanh chóng được cơ quan công an xác định là Nguyễn Hải Dương (24 tuổi, ở An Giang) và Vũ Văn Tiến (24 tuổi, ở Bình Phước). Thông tin án mạng đã khiến người dân cả nước rúng động nhiều ngày liền. Bên cạnh đó, các cụm từ như “thảm sát”, “Bình Phước”… đã trở thành đề tài được nhiều độc giả tra cứu trên mạng xã hội để theo dõi thông tin điều tra vụ án. Còn đối với những người “yếu bóng vía” thì điều này lại gây cho họ cảm giác hoang mang, lo sợ.

Ngôi nhà xảy ra vụ thảm sát khiến 4 người tử vong tại Quảng Ninh ngày 24/9. Ảnh: Thiên Bình

Cùng thời điểm đó, một vụ án đặc biệt nghiêm trọng khác đã xảy ra ở tỉnh Nghệ An khiến 4 người trong một gia đình tử vong. Vụ án xảy ra vào ngày 2/7/2015 nhưng do gia đình nạn nhân sống trong vùng sâu nên phải một tuần sau mới được phát hiện. Theo đó, trong lúc đi đánh cá ở khu vực khe Cạn Tả (thuộc bản Phồng, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An), người dân bất ngờ phát hiện nhiều thi thể nằm rải rác khắp nơi. Danh tính các nạn nhân được xác định là anh Lô Văn Thọ (28 tuổi), bà Viêng Thị Chương (60 tuổi, mẹ anh Thọ), chị Lê Thị Yến (25 tuổi, vợ anh Thọ) và con trai anh Thọ mới 8 tháng tuổi. Sau một thời gian tích cực điều tra, Cơ quan công an đã xác định Vi Văn Hai (SN 1995, ở bản Phồng) là thủ phạm.
Khi dư luận chưa hết bàng hoàng, khoảng 17 giờ ngày 12/8/2015, một vụ thảm sát khác xảy ra tại tỉnh Yên Bái khiến 4 người trong một gia đình gồm: anh Trần Văn Long (SN 1983), chị Phàn Thị Hoa (SN 1995, vợ anh Long), cháu Trần Văn Tuyền (SN 2013, con anh Long) và Phàn Thị Hà (SN 2000, là em ruột chị Hoa) thiệt mạng. Qua điều tra xác minh, công an xác định đối tượng gây án là Đặng Văn Hùng (SN 1989, ở huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái).
Gần đây nhất, Công an tỉnh Quảng Ninh đang điều tra làm rõ vụ thảm sát khiến 4 người trong một gia đình thiệt mạng tại khu Hợp Thành (phường Phương Nam, TP Uông Bí). Theo đó, khoảng 7 giờ sáng ngày 24/9/2016, chị Vũ Thị Thanh khi đi làm ca về thì phát hiện mẹ đẻ, 2 con và 1 cháu ruột bị chết do có tác động thương tích. Các nạn nhân gồm: bà Nguyễn Thị Hát (SN 1955, mẹ đẻ chị Thanh), cháu Phạm Đình Hưng (SN 2007) và cháu Phạm Thu Hà (SN 2008) là 2 con của chị Thanh và cháu Vũ Khánh Huyền (SN 2013, cháu ruột của chị Thanh). Thủ phạm sau đó nhanh chóng được cơ quan công an bắt giữ là Doãn Trung Dũng (SN 1971, ở TP Uông Bí).
Phạm tội do mất phương hướng
Có thể nói, việc ngày càng xuất hiện nhiều vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng phản ánh một hiện tượng không bình thường trong đời sống xã hội hiện nay. Ở các vụ án mạng nghiêm trọng này đều có những đặc điểm chung là thủ phạm ra tay một cách tàn độc, giết chết nhiều người trong một gia đình (trong đó có cả trẻ em). Hành vi gây án của các đối tượng rất man rợ, mất nhân tính và thủ phạm gây án đều còn rất trẻ. Nhiều nhà nghiên cứu pháp luật và hoạt động trong lĩnh vực tư pháp không khỏi băn khoăn về hiện tượng bất thường này. Vậy, nguyên nhân từ đâu?
Luật sư Nguyễn Anh Thơm – Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, sau khi Nhà nước thay đổi hình thức thi hành án tử hình từ xử bắn sang tiêm thuốc độc thì tội phạm giết người lại đang có xu hướng tăng dần về số lượng và tính chất nghiêm trọng, dã man như thời Trung cổ. Theo quan điểm của luật sư Thơm, qua quá trình tham gia tố tụng với nhiều vụ trọng án cho thấy, phần lớn đối tượng phạm tội đều không có công ăn việc làm, hoàn cảnh kinh tế khó khăn... Nhân thân các đối tượng này thường xấu và từng có tiền án, tiền sự. Các đối tượng phạm tội thường có trình độ văn hóa thấp dẫn tới không được giáo dục về lòng nhân ái với đồng loại nên khi ra tay rất tàn bạo, kể cả với những cháu bé nhỏ tuổi.
Mặt khác, do tâm lý tội phạm sợ trừng phạt của pháp luật nên khi bị phát hiện, các đối tượng đã thực hiện tội phạm đến cùng nhằm che giấu hành vi phạm tội. Đối tượng đã ra tay giết hết những người xung quanh mà chúng coi là có thể biết và tố giác hành vi phạm tội. Nhiều đối tượng còn chặt xác, phi tang để tin rằng các cơ quan pháp luật sẽ không phát hiện ra dấu vết. Tuy nhiên, với sự phát triển của khoa học công nghệ khi được ứng dụng trong điều tra của các cơ quan pháp luật thì tội phạm sẽ sớm được đưa ra ánh sáng để trừng phạt.
Đồng quan điểm, Đại tá Đỗ Cảnh Thìn - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm (thuộc Học viện Cảnh sát Nhân dân) khi trả lời báo chí cũng cho rằng, xảy ra nhiều vụ án mạng nghiêm trọng đã phản ánh một hiện tượng không bình thường trong đời sống xã hội hiện nay. Dưới góc độ nghiên cứu về tội phạm, Đại tá Thìn cho rằng, có thể nhận thấy những vụ tàn sát man rợ thể hiện sự rối loạn nhân cách, lệch chuẩn về hành vi, chai sạn cảm xúc của đối tượng gây án. Các đối tượng này hành động theo sự thúc đẩy vì mục đích tối thượng là thỏa mãn nhu cầu của bản thân một cách bản năng, không suy nghĩ đến hậu quả đối với nạn nhân, xã hội và cho chính mình. Những vụ thảm sát lạnh lùng chỉ mang tính đơn lẻ nhưng nếu nhìn nhận trong tổng thể tình hình tội phạm thì nó là hệ quả của sự tác động từ nhiều yếu tố tiêu cực, chứ không phải đột xuất và bất ngờ.
Cũng theo Đại tá Đỗ Cảnh Thìn, những yếu tố tiêu cực được thể hiện ở chỗ, trong cuộc sống hiện nay có rất nhiều áp lực, khó khăn về kinh tế, vướng mắc trong đời sống, tranh chấp trong cuộc sống hàng ngày… đã làm cho một bộ phận dân chúng, nhất là những người trẻ tuổi không thích nghi được. Trước sức ép đó, người trẻ dễ bị chấn thương tinh thần, không định vị được giá trị cuộc sống và chạy theo giá trị ảo. Khi không thỏa mãn được nhu cầu cá nhân, họ mất phương hướng và dẫn đến có những hành động cực đoan, gây tội ác. Cùng với đó là sự hiểu biết về xã hội, pháp luật, ý thức công dân của một bộ phận dân cư còn nhiều hạn chế đã khiến cho một số người hành động phạm tội nghiêm trọng mà không nhận thức đầy đủ về tính chất, hậu quả hành vi của mình.
Nâng cao “sức đề kháng” cho xã hội
Để có thể giảm được tình trạng trên, luật sư Nguyễn Anh Thơm cho rằng, đối với người dân, cần chủ động phòng ngừa tội phạm bằng cách tự bảo đảm an toàn cho gia đình, tránh bị đối tượng trộm cắp tài sản đột nhập vào nhà ban đêm. Cảnh giác, không cho lưu trú tại gia đình với các đối tượng nghiện hút, kể cả họ hàng thân quen hay bạn bè. Đối với trường hợp bị trộm cắp đột nhập vào nhà, nếu không có khả năng chống lại thì coi như không biết để chúng chiếm đoạt tài sản. Bởi, mục đích chính của chúng là lấy tài sản và không dám đối mặt với chủ sở hữu. Chỉ khi chúng bị phát hiện, chống lại thì tâm lý chung sẽ dùng mọi khả năng để chống lại sự bắt giữ mà không từ một thủ đoạn nào.
Còn đối với trách nhiệm quản lý nhà nước, cần quản lý chặt chẽ các đối tượng hình sự, nhất là đối tượng nghiện ma túy, mới được đặc xá, sau cai nghiện và các đối tượng có biểu hiện hoạt động tệ nạn xã hội tại gia đình, cộng đồng. Đồng thời, cần tuyên truyền, giáo dục về pháp luật, đạo đức, lối sống và về phòng, chống tội phạm nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng phát hiện, phòng ngừa tội phạm cho người dân.
Cùng chung quan điểm, Đại tá Đỗ Cảnh Thìn cũng cho rằng, để hạn chế tình trạng trên, cần nâng cao “sức đề kháng” cho xã hội đối với loại tội phạm này bằng nhiều giải pháp. Trong đó, cần chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đạo đức, các chuẩn mực xã hội cho người dân, nhất là người trẻ. Khi người ta nhận định rõ hành vi sai trái bị lên án, nhất định bị xử lý và bị trừng phạt thì người đó sẽ có những điều chỉnh hành vi của mình. Ngoài ra, vai trò giáo dục của nhà trường, gia đình, xã hội rất quan trọng vì giới trẻ hiện nay rất thiếu kỹ năng sống. Theo đó, Đại tá Đỗ Cảnh Thìn cho rằng, cần đưa các môn học về giáo dục kỹ năng sống, về pháp luật vào trong nhà trường. Bên cạnh đó, cần bổ sung, sửa đổi hoàn thiện hệ thống pháp luật đảm bảo tính nghiêm minh, đủ sức răn đe và phòng ngừa tội phạm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần