Qua những con số, tiếp tục mang đến một bức tranh toàn diện, chi tiết về chất lượng cung ứng dịch vụ công với cả những điểm sáng và cả những điều cần cải thiện hơn nữa.
Nhìn vào kết quả có thể thấy những tín hiệu đáng mừng khi nhiều đơn vị đã nỗ lực bứt phá, hầu hết các chỉ số đều có giá trị tăng điểm. Người dân, DN “bớt phàn nàn” hơn. Nhiều thủ tục được rút gọn, minh bạch hóa, hệ thống một cửa - một cửa liên thông, dịch vụ công trực tuyến được triển khai… đã giúp người dân và DN thuận tiện hơn trong thực hiện các thủ tục, giảm cả thời gian và chi phí.
Năm nay, Bộ Tư pháp và TP Hải Phòng lần đầu tiên bứt phá lên ngôi vị quán quân chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2021. Quảng Ninh tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu về chỉ số hài lòng của người dân, DN. Kết quả ấy không mấy ngạc nhiên khi nhiều tỉnh, thành và Bộ, ngành đã “dám nhìn thẳng sự thật”, quyết tâm thực hiện thành công nhiều mô hình, cách làm mang tính đột phá mạnh mẽ; để “truyền lửa” cải cách từ cấp tỉnh xuống các sở, ban, ngành và địa phương; chủ động để các địa phương “thi đua” lấy sự hài lòng của người dân và DN làm mục tiêu của mọi sự phục vụ.
Tại Hà Nội, với phương châm “lấy sự hài lòng của DN làm thước đo hiệu quả”, TP đã tăng 3 bậc ở chỉ số SPIAS. Trong đó, TP đã tiếp tục rà soát, sắp xếp tinh giản hàng loạt thủ tục hành chính (TTHC) trên nhiều lĩnh vực cũng như tăng cường trong ứng dụng công nghệ thông tin vào điều hành, nâng cao hệ thống dịch vụ công mức độ 3, 4. Qua đó, không chỉ giúp người dân, DN thuận lợi trong thực hiện TTHC, còn nâng cao khả năng quản lý, điều hành nhanh chóng, khoa học cho chính quyền cơ sở.
Tuy vậy, những con số từ kết quả khảo sát cũng cho thấy có những điều rất cần suy ngẫm khi một số đơn vị vẫn chưa có sự bứt phá, thậm chí nhiều năm ở vị trí thấp hoặc giảm điểm. Điều đáng nói đây lại là đơn vị mà người dân phải thường xuyên tiếp xúc về TTHC.
Liên quan tới chỉ số hài lòng về phục vụ hành chính, con số công bố vẫn cho thấy tình trạng công chức gây phiền hà, nhũng nhiễu diễn ra ở 46/63 tỉnh; hoặc người dân, tổ chức phản ánh phải trả thêm tiền ngoài phí/lệ phíg diễn ra ở 22/63... Thực tế, người dân và DN vẫn “kêu ca” về TTHC còn rườm rà. Tiếng “kêu” này gặp ở nhiều cơ quan khác nhau.
Kết quả Chỉ số PAR INDER và SIPAS hằng năm đã trở thành công cụ quản lý quan trọng, giúp xác định rõ ưu điểm, khuyết điểm trong thực hiện nhiệm vụ của từng bộ, tỉnh.
Năm 2021, lần đầu tiên triển khai điều tra xã hội học các nhóm đối tượng phục vụ xác định Chỉ số CCHC cũng có những đổi mới khi được thực hiện trực tuyến trên phần mềm, gửi phiếu điện tử trực tiếp đến hộp thư điện tử của từng cá nhân, đối tượng khảo sát… và có cả sự tham gia thực hiện của tổ chức khảo sát độc lập để đảm bảo tính khách quan.
Như mong muốn của người dân thể hiện qua cuộc khảo sát này cho thấy, vấn đề được mong đợi nhất vẫn là tiếp tục tiếp tục đơn giản hóa TTHC, rút ngắn thời gian cung ứng dịch vụ công. Do đó, hy vọng rằng, sau kết quả được công bố về chỉ số CCHC, mức độ hài lòng lần này, những nguyên nhân của yếu kém sẽ tiếp tục được chỉ rõ, khắc phục.
Việc thực hiện các TTHC tiến lên một bước cao hơn là nhanh và gọn, công khia, minh bạch, tạo thêm niềm tin, sự ghi nhận, đồng tình ủng hộ của cộng đồng DN, người dân vào sự lãnh đạo, quản lý, điều hành của cơ quan công quyền.