Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vị thế nước Mỹ có thực sự bị đe dọa?

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù nhiều ý kiến xem Mỹ là đế chế đang trên bờ vực, phân tích gần nhất cho thấy quốc gia này vẫn áp đảo phần còn lại của thế giới.

Tờ báo đình đám The Economist chỉ ra rằng còn quá sớm để nghĩ về sự suy tàn của nước Mỹ khi cường quốc này vẫn luôn cho thấy sự vượt trội mọi mặt trong suốt thời gian dài. Không cần bàn cãi, Mỹ vẫn luôn là nền kinh tế giàu có bậc nhất, với sự sáng tạo và hiệu quả nhất.

Nhằm bảo vệ luận điểm của mình, tờ báo này đưa ra những dẫn chứng mạnh mẽ sau:

Thứ nhất, ngay từ năm 1990, tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ chiếm 25% tổng sản phẩm của thế giới. Bất chấp sự trỗi dậy của Trung Quốc, xứ sở cờ hoa vẫn chiếm 25% sản lượng kinh tế toàn cầu.

Thứ hai, so với các nước trong G7, gồm Nhật Bản và Đức, thị phần của Mỹ vẫn áp đảo và không ngừng tăng lên. Hiện Mỹ chiếm 51% GDP của G7 so với 43% vào năm 1990, kết quả của sức mua mạnh mẽ.

Thứ ba, thu nhập bình quân đầu người của Mỹ cao hơn 24% so với Tây Âu vào năm 1990 và đến bây giờ, con số này lên đến 30%.

Thứ tư, năng suất lao động ở Mỹ trong khoảng 1990 đến năm 2022 tăng đến 67%, trong khi ở Châu Âu là 55% và Nhật Bản là 51%.

Thứ năm, trong suốt thập kỷ qua, chi tiêu của Mỹ cho nghiên cứu và phát triển tăng lên 3,5% GDP, vượt xa hầu hết các nước còn lại.

Thứ sáu, số tiền mà Mỹ chi cho giáo dục tính trên mỗi học sinh nhiều hơn 37% so với 23 quốc gia giàu có khác trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế và 34% người Mỹ đã hoàn thành giáo dục đại học, vượt qua Singapore.

Bên cạnh đó, nhiều bằng chứng khác, gồm cả số liệu thống kê cho thấy người Mỹ năng động hơn, khởi nghiệp nhiều hơn, có thị trường tài chính mạnh mẽ và ưu việt hơn.

Tuy nhiên, The Economist cũng thừa nhận một số hạn chế nhất định, đặc biệt là bất bình đẳng thu nhập. Phần lớn số liệu liên quan đến tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người của Mỹ mà nhóm này đề cập đến thuộc về nhóm “siêu giàu”. Không những vậy, tuổi thọ của người Mỹ thường ngắn hơn 5 năm so với các nước giàu khác khi chỉ đạt 77 tuổi, một phần do người nghèo ở Mỹ chưa được chăm sóc y tế tốt.

Mặc dù Mỹ là quốc gia có tình trạng bất bình đẳng về thu nhập lớn nhất trong G7, nhưng thu nhập của một tài xế xe tải ở Oklahoma cao hơn một bác sĩ ở quốc gia giàu có khác như Bồ Đào Nha.

Nhiều bài học cho thấy Mỹ vẫn luôn biết cách trụ vững trước vô vàn nghịch cảnh. Nguồn: The Economist
Nhiều bài học cho thấy Mỹ vẫn luôn biết cách trụ vững trước vô vàn nghịch cảnh. Nguồn: The Economist

Đồng quan điểm với The Economist, New York Times cũng đã có những bài phân tích sâu chứng minh ý kiến đưa ra. Trong đó, nhà kinh tế David Brooks đã đồng ý với The Economist và cho biết dù còn nhiều khiếm khuyết, nhưng nước Mỹ vẫn tỏ ra ưu việt với sự năng động, giúp nền kinh tế nước này tăng trưởng hiệu quả.

Tuy nhiên, nhà kinh tế Paul Krugman lại phản đối lập luận của The Economist. Theo ông, các con số không thực sự tốt như vẻ bề ngoài và có những góc khuất bên trong nước Mỹ mà tổng sản phẩm quốc nội không phản ánh được. Ông cũng cho biết mặc dù châu Âu tụt hậu so với Mỹ về kinh tế, người dân châu lục này lại được hưởng chất lượng cuộc sống cao hơn.