Vỉa hè thành nơi... họp chợ

Bài, ảnh: Nguyễn Trường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xã Tiền Phong, huyện Mê Linh nằm ven QL23B rất thuận tiện cho việc đi lại, trao đổi hàng hóa, tuy nhiên, hàng chục năm qua, chợ Yên cũ chật hẹp, không đáp ứng được nhu cầu kinh doanh của tiểu thương nên mỗi ngày có hàng trăm người dân chiếm dụng vỉa hè, lòng đường để bán hàng…

Đua nhau chiếm vỉa hè, lòng đường để buôn bán
Có mặt tại thôn Yên Nhân, xã Tiền Phong vào những ngày cuối tháng 5 vừa qua nhận thấy, sự buông lỏng quản lý của chính quyền các cấp huyện Mê Linh đã khiến hàng trăm tiểu thương căng ô, che bạt, thậm chí còn làm lán tạm bày bán các loại nông sản suốt cả ngày trên vỉa hè bao quanh hồ trung tâm xã. Liền kề khu vực này là chợ Yên nằm sát QL23B và trụ sở UBND xã. Không chỉ chiếm dụng vỉa hè, từ 4 - 8 giờ sáng hàng ngày, hàng trăm hộ dân còn buôn bán rau, củ, quả ngay dưới lòng đường QL23B, con đường độc đạo kết nối trung tâm huyện Mê Linh để đi ra đường Thăng Long - Nội Bài. Chính vì vậy, tại đây thường xuyên xảy ra cảnh ùn tắc, va chạm giao thông khiến người dân rất bức xúc trước sự thiếu quyết liệt của chính quyền các cấp huyện Mê Linh.

Vỉa hè QL 23B đoạn qua xã Tiền Phong bị biến thành nơi họp chợ.   

Chị Nguyễn Thị Lan ở xã Đại Thịnh cho biết: Ngày nào, tôi cũng phải đi qua đây để đến nơi làm việc trong Khu công nghiệp Quang Minh. Do làm việc ở công ty có 100% vốn nước ngoài nên việc kiểm tra giờ công nhân đi, đến làm việc rất gắt gao. Nếu chậm giờ, sẽ bị trừ lương tháng, thậm chí bị phạt tiền do làm ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất. Chỉ vì việc tiểu thương chiếm dụng vỉa hè, lòng đường QL23B để buôn bán, trao đổi hàng hóa ngay dưới lòng đường nên thường xuyên gây ra cảnh ùn tắc giao thông. Vì thế, có lần tôi bị chậm giờ làm việc và bị phạt tiền.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Phó Chủ tịch UBND xã Tiền Phong Hoàng Văn Phương thừa nhận, mặc dù UBND xã đã nhiều lần ra quân tuyên truyền, vận động, thậm chí xử lý các trường hợp chiếm dụng vỉa hè, khu đất công ven QL23B để biển hiệu, làm lều lán tạm. Tuy nhiên, địa phương là vùng chuyên sản xuất nông sản nên việc người dân trao đổi, bán hàng hóa để tạo nguồn thu cho gia đình là rất cần thiết. Chính vì vậy, việc xử lý người dân bán hàng ở đây gặp nhiều khó khăn bởi chủ yếu các tiểu thương là người dân trong địa phương. Mặt khác, ông Phương cho rằng: “Việc người dân tràn ra vỉa hè để kinh doanh, nguyên nhân còn do UBND huyện chậm thực hiện đầu tư xây dựng chợ trung tâm thương mại trên địa bàn để bố trí vị trí cho các tiểu thương kinh doanh”. 
Liên quan đến nội dung này, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Mê Linh Lương Toàn Thắng cho biết, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn trên địa bàn ra quân, xử lý trường hợp vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh từ đầu tháng 3. Qua đó, các địa phương có trách nhiệm vào cuộc xử lý, báo cáo UBND huyện hàng tuần, hàng tháng. Tháng 4 và tháng 5, UBND huyện đã nhiều lần kiểm tra việc thực hiện xử lý vi phạm tại các địa phương. Tuy nhiên, riêng tại xã Tiền Phong do có chợ Yên nằm liền kề QL23B nên hàng trăm tiểu thương đã lợi dụng tràn ra vỉa hè, lòng đường và những vị trí đất công ven đoạn đường khúc cua để kinh doanh đã thường xuyên gây ra cảnh ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và làm mất mỹ quan đô thị là đúng. Lãnh đạo huyện đã nhiều lần nhắc nhở việc UBND xã thiếu quyết liệt xử lý nên người dân mới dám chiếm dụng vỉa hè, lòng đường. Quan điểm của UBND huyện là không để vi phạm tồn tại. “Trong khi chờ xây dựng chợ trung tâm thương mại trên địa bàn xã để di chuyển, bố trí vị trí cho tiểu thương vào bên trong kinh doanh, trước mắt trách nhiệm xử lý vi phạm hiện nay vẫn thuộc về UBND xã là chính” - ông Thắng khẳng định.