Việc cấp sổ đỏ ở Hà Nội đạt kết quả rõ nét

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là nhận định của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại buổi làm việc...

Kinhtedothi - Đây là nhận định của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại buổi làm việc với UBND TP Hà Nội ngày 22/9 về việc giải quyết khó khăn cho người dân về cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất ở, quyền sở hữu nhà ở tại đô thị. Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn chủ trì tiếp đoàn.

Tích cực tháo gỡ khó khăn cho người dân

Theo thống kê, hết năm 2014, Hà Nội đã cấp được 441.203 GCN quyền sử dụng đất ở do hộ gia đình, cá nhân sử dụng trong khu dân cư cũ với diện tích 8.167ha, tỷ lệ theo diện tích đạt 92,2%. Đồng thời, trong giai đoạn từ năm 2006 đến hết năm 2014, TP cũng quyết định giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện 410 dự án phát triển nhà ở. Tại các dự án này, hiện có 112.150 căn đã xây dựng xong, bàn giao cho người mua nhà. Đến hết năm 2014, TP đã cấp 72.300 GCN cho người mua nhà, còn lại 39.850 căn chủ đầu tư đang hoàn thiện các thủ tục hồ sơ cho người mua nhà để được cấp GCN theo quy định.
Việc cấp sổ đỏ ở Hà Nội đạt kết quả rõ nét - Ảnh 1
Theo đánh giá của Đoàn giám sát, Hà Nội đã tích cực thực hiện tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho người dân khi cấp GCN quyền sử dụng đất ở, nhà ở, nên kết quả đạt được rất rõ nét. TP cũng sẵn sàng xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai để quản lý theo hướng hiện đại. Trong thời gian tới, Đoàn giám sát đề nghị TP Hà Nội tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cấp GCN đối với các trường hợp còn lại, quy định chặt chẽ trách nhiệm của chủ đầu tư. Đối với nhà, đất có nguồn gốc phức tạp, TP phải giải quyết dứt điểm các khiếu kiện liên quan theo hướng hợp tình, hợp lý, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân.

Các kiến nghị của Đoàn giám sát đã được Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn tiếp thu, để TP triển khai tổ chức thực hiện trong thời gian tới.

Kiến nghị nhiều vấn đề dân sinh

Cùng ngày, các ĐB Quốc hội TP Hà Nội cũng đã tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII tại các huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Đan Phượng, Ba Vì, thị xã Sơn Tây, quận Nam Từ Liêm.

Tại cuộc tiếp xúc, các cử tri đề nghị Quốc hội cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền phổ biến pháp luật để người dân, cán bộ nắm được và thực hiện đúng quy định của pháp luật. Cử tri các huyện cũng kiến nghị những vấn đề liên quan đến đời sống dân sinh như việc giải quyết đất dịch vụ trên địa bàn chậm, đề nghị nhanh chóng giải quyết để người dân sớm ổn định cuộc sống. Cử tri cũng phản ánh về dự án thu hồi đất trên địa bàn song không triển khai, bỏ hoang đất, gây lãng phí. Cử tri đề nghị Quốc hội tăng cường công tác giám sát đối với việc thu hồi đất nông nghiệp để làm dự án nhằm hạn chế tối đa để dự án "treo" trong khi nông dân không có đất canh tác.

Một số ý kiến khác bày tỏ lo lắng về những bất cập trong ngành giáo dục hiện nay như tình trạng dạy thêm, học thêm còn phổ biến; thiếu các trường mầm non, tiểu học tại khu vực nông thôn và các khu công nghiệp; tình trạng lạm thu đầu năm học…; Tình trạng ô nhiễm làng nghề… trên địa bàn.

Liên quan tới phòng, chống tham nhũng, cử tri Hà Nội cho rằng, dù chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước về chống tham nhũng rất mạnh mẽ, nhưng thực tế vẫn còn "một bộ phận không nhỏ" cán bộ đảng viên thoái hóa, biến chất dẫn đến tham nhũng, tiêu cực. Điều này là do việc xử lý không triệt để.

Các ĐB Quốc hội đã tiếp thu và ghi nhận các ý kiến của cử tri để chuyển đến Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần