Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việc của mọi người, mọi nhà

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ ngày 1/1/2022, theo quy định tại Điều 75, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, rác thải sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân (RTSH) phải được phân làm 3 loại: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác.

Trường hợp hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định, các cơ sở thu gom, vận chuyển RTSH có quyền từ chối thu gom, vận chuyển, đồng thời, thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Việc không thực hiện phân loại RTSH tại nguồn cũng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 55/2021/NĐ-CP, với mức phạt  từ 15.000.000 - 20.000.000 đồng.

Trước hết cần khẳng định việc phân loại RTSH tại nguồn là hoàn toàn cần thiết. Chúng ta đều biết, chôn lấp là phương pháp xử lý rác thải lạc hậu, gây lãng phí tài nguyên đất đai, thậm chí không khí, nguồn nước ngầm có thể bị ô nhiễm trong quá trình rác phân hủy nếu không được xử lý tốt. Như vậy, rõ ràng việc thay đổi phương pháp xử lý rác thải theo công nghệ tiên tiến là xu hướng tất yếu và việc thực hiện phân loại RTSH tại nguồn là điều kiện tiên quyết để thực hiện định hướng nêu trên. Đây là thực tế đã được chứng minh tại một số nước tiên tiến như ở châu Âu, Nhật Bản.

Tuy nhiên, cũng cần nhận thấy một thực tế là để thực hiện đúng theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 không hề đơn giản. Và cũng có thể thấy rằng, dù đã có một quãng thời gian không ngắn để chuẩn bị nhưng cho đến thời điểm đầu năm 2022 này, khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực, việc thực hiện các quy định này vẫn còn nhiều lúng túng, bất cập.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, xin nêu hai vấn đề được xem là cốt yếu:

Thứ nhất, việc tuyên truyền về quy định bắt buộc phân loại RTSH tại nguồn cũng như các nội dung khác của Luật Bảo vệ môi trường 2020 chưa đúng mức cần thiết, hầu như chỉ mới tập trung sau khi Luật được thông qua năm 2020. Do vậy, người dân chưa có nhận thức đầy đủ về việc này.

Thứ hai, nguyên nhân này khá quan trọng, việc chuẩn bị của cơ quan chức năng cho việc này còn thiếu chu đáo. Cho đến nay, ở nhiều địa điểm công cộng vẫn chưa có các thùng rác chứa các loại rác khác nhau theo quy định. Các hộ gia đình ở TP hầu như chưa được cung cấp những bao, túi đựng từng loại rác theo quy định. Nói cách khác là người dân chưa được tạo điều kiện cần và đủ để thực hiện nghiêm các quy định này. Đó là chưa kể những khó khăn trong việc kiểm tra, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm.

Cần nhắc lại, khái niệm phân loại rác tại nguồn không hề mới. Hơn 10 năm trước, Dự án phân loại rác thải tại nguồn (gọi tắt là 3R) được triển khai thí điểm tại một số phường trên địa bàn Hà Nội bằng nguồn tài trợ của Chính phủ Nhật Bản, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, Dự án này bị tạm dừng. Nguyên nhân cũng là do chưa có sự chuẩn bị chu đáo, quy trình, công nghệ xử lý rác thải chưa phù hợp, thiếu đồng bộ. Xem ra cũng có thể coi đây là bài học để rút kinh nghiệm, tránh đi theo vết xe đổ.

Với Luật Bảo vệ môi trường 2020, lần đầu tiên, cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường. Điều đó cũng có nghĩa là công tác bảo vệ môi trường, trong đó có việc thực hiện quy định phân loại RTSH tại nguồn có đạt kết quả hay không, phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức, hành động của cộng đồng và mỗi người dân. Và để quy định này được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, cần làm tốt công tác vận động, tuyên truyền đi đôi với việc tạo điều kiện thuận lợi để người dân dễ thực hiện. Mặt khác mỗi người dân cũng cần thấy đây là việc của mọi người, mọi nhà, đem lại lợi ích cho chính  mình và cả cộng đồng mà tự giác thực hiện nghiêm túc.