Điều đáng nói là thời gian qua, những trường hợp tương tự đang diễn ra tại nhiều ngành hàng khác. Thực trạng này không chỉ làm ảnh hưởng đến những DN làm ăn chân chính mà còn gây ra những hệ lụy khôn lường tới uy tín của hàng xuất khẩu Việt Nam.
Lô nhôm thỏi, nhôm thanh, nhôm bán thành phẩm nói trên có trị giá lên tới khoảng 4,3 tỷ USD. Nếu xuất khẩu sang Mỹ chỉ phải chịu thuế khoảng 15%, trong khi nhôm của Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ phải chịu thuế lên đến 374%. Khoản chênh lệch khá lớn khiến không ít DN bị mờ mắt. Song nếu biết rằng kể cả khi DN dùng thủ đoạn nhập khẩu nhôm thanh, nhôm thỏi, nhôm thành phẩm về đưa vào lò nấu thành nhôm thỏi rồi cán thành nhôm thanh cũng không đủ điều kiện có xuất xứ Việt Nam để hưởng ưu đãi có thể thấy, việc làm đó của DN thật sự là tai hại.
Vụ việc Asanzo mới đây cũng là một ví dụ điển hình, qua điều tra của cơ quan hải quan xác nhận, mặt hàng tivi của Asanzo có 98% là giá trị nhập khẩu, chỉ 2% lắp ráp, song vẫn lấy danh hàng Việt Nam chất lượng cao. Trong số không ít lô hàng tiêu thụ trong nước cũng có không ít đã xuất khẩu với xuất xứ từ Việt Nam. Cùng với đó là không ít các vụ việc tương tự khác như vụ 10 container xe đạp đang bị tạm giữ tại hải quan Bình Dương, gần như 100% nhập khẩu từ nước ngoài, thậm chí cả nhãn mác cũng được dán từ nước ngoài, sau đó đưa về lắp ráp lấy xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu. Hay việc hải quan Hải Phòng đang tạm giữ nhiều container máy móc, thiết bị nhập từ nước ngoài và chỉ qua công đoạn lắp ráp đơn giản để thành hàng Việt Nam trước khi xuất khẩu sang nước thứ 3…
Đây chỉ là những vụ việc mà ngành quan hải quan đã phát hiện và kịp thời ngăn chặn, thu giữ. Trong khi với hàng ngàn DN tham gia xuất khẩu, những kiểu làm ăn chộp giật như thế vẫn là bài toán nan giải trong vấn đề kiểm soát. Và thực tế, lợi dụng những hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các đối tác thương mại được ký kết thời gian qua, không ít DN, dù biết rõ các quy định, vẫn cố tình vi phạm. Rất nỗ lực trong việc đàm phán để đạt được những hiệp định thương mại tạo cơ hội cho DN trong nước mở rộng thị trường, trong đó có không ít thị trường lớn.
Nhưng chính những kiểu làm ăn chộp giật, chỉ thấy cái lợi trước mắt mà quên đi lợi ích lâu dài, quên đi lợi ích chung của một số DN nói trên đang làm ảnh hưởng không nhỏ đến hàng hóa xuất khẩu, thậm chí là những mặt hàng vốn là thế mạnh như nông sản, gỗ, thiết bị điện tử… của Việt Nam. Chỉ biết cái lợi ngắn hạn mà quên đi lợi ích lâu dài, quên đi mục tiêu phát triển bền vững, tác hại từ những vụ việc kể trên không chỉ là việc giảm uy tín của hàng hóa Việt Nam ra thị trường thế giới mà tai hại hơn đó là những hậu quả khôn lường nếu bị đánh giá là điểm trung chuyển hàng hóa vi phạm về xuất xứ, gian lận thương mại… Điều này đòi hỏi trong thời gian tới bên cạnh những giải pháp quyết liệt trong việc ngăn chặn, xử lý, cộng đồng DN và từ chính mỗi DN phải tự ý thức được trách nhiệm cũng như có những hành động cụ thể để nâng cao uy tín, chất lượng hàng Việt không chỉ tại thị trường trong nước mà còn vươn ra thị trường quốc tế.