Việc xây dựng một đạo luật riêng về phòng thủ dân sự là cần thiết

Thịnh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Các cử tri tại Học viện Biên phòng (thị xã Sơn Tây) đánh giá, việc xây dựng một đạo luật riêng về phòng thủ dân sự là cần thiết nhằm khắc phục sự phân tán, riêng lẻ của các văn bản luật và các văn bản dưới luật về lĩnh vực này.

Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị

Chiều 3/10, tại Học viện Biên phòng (thị xã Sơn Tây), Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri lấy ý kiến vào Dự án Luật Phòng thủ dân sự.

Dự hội nghị có Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai và các ĐB thuộc Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội; đại diện Ủy ban Quốc phòng-An ninh của Quốc hội.

Theo tờ trình Dự án Luật Phòng thủ dân sự trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022: Dự thảo Luật gồm 7 chương, 71 điều. Dự án Luật tạo khung pháp lý chung nhất cho việc phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng, chống, khắc phục thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh nhằm bảo vệ cao nhất tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhân dân; nâng cao hiệu quả pháp lý của hệ thống pháp luật về phòng thủ dân sự.

Cử tri đóng góp ý kiến tại Hội nghị
Cử tri đóng góp ý kiến tại Hội nghị

Bên cạnh đó là tăng cường các biện pháp phòng ngừa và bảo đảm tính chủ động trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ người dân, cơ quan, tổ chức, bảo vệ môi trường.

Tại hội nghị, các cử tri đánh giá, việc xây dựng một đạo luật riêng về phòng thủ dân sự là cần thiết nhằm khắc phục sự phân tán, riêng lẻ của các văn bản luật và các văn bản dưới luật về lĩnh vực này. Cử tri cũng tập trung đóng góp ý kiến phạm vi, đối tượng điều chỉnh; nội hàm khái niệm “phòng thủ dân sự”, “thảm họa”, “sự cố”; hệ thống công trình phòng thủ dân sự, các quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn công trình xây dựng đáp ứng yêu cầu phòng thủ dân sự; làm rõ quy định về cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự, cơ chế huy động, phối hợp trong phòng thủ dân sự và về tổ chức lực lượng phòng thủ dân sự; nguồn lực, chế độ, chính sách đối với phòng thủ dân sự…

Thiếu tướng Nguyễn Đình Lưu, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội cho rằng: Cần quy định “Trong nhiệm kỳ, cơ quan quân sự các cấp tham mưu cho UBND cùng cấp tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ có nội dung phòng thủ dân sự từ một đến hai lần” để bảo đảm thống nhất với Nghị định số 21/2019/NĐ-CP của Chính phủ về Khu vực phòng thủ. Đồng thời, quy định “Bổ sung lực lượng, phương tiện, trang thiết bị và các vật chất cần thiết, sẵn sàng triển khai Sở Chỉ huy tại chỗ, chỉ đạo trực tiếp địa bàn trọng điểm, khu vực trọng yếu nơi xảy ra thảm họa, sự cố” để bảo đảm chặt chẽ và theo đúng phương châm “4 tại chỗ” trong ứng phó thảm họa, sự cố.

Theo Thượng tá Cao Trần Quốc Hoàng, Phó trưởng Phòng Tham mưu (Công an TP Hà Nội): “Tình trạng khẩn cấp” tại Dự Luật là khái niệm mới, do đó việc quy định vào Dự án Luật Phòng thủ dân sự nội hàm khẩn cấp là không phù hợp. "Nếu xác định hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tình trạng khẩn cấp chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đặc biệt trong thời điểm chống dịch Covid-19 vừa qua thì cần tập trung xây dựng Luật Tình trạng khẩn cấp trên cơ sở nâng Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp lên thành luật; thu hút các quy phạm về tình trạng khẩn cấp tại các văn bản luật khác nhau đưa vào Luật Tình trạng khẩn cấp, tạo sự đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo trong hệ thống văn bản quy định về tình trạng khẩn cấp" - Thượng tá Cao Trần Quốc Hoàng nêu ý kiến.

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai tiếp thu các ý kiến của cử tri 
Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai tiếp thu các ý kiến của cử tri 

Về phạm vi điều chỉnh, theo Thiếu tướng Trương Quang Hoài, Phó Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 1, nội dung phạm vi điều chỉnh chưa đầy đủ, cần bổ sung thêm nội dung “khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố” vì đây là một hoạt động quan trọng trong phòng thủ dân sự. Mặt khác Luật Phòng thủ dân sự là khung pháp lý để chủ động ứng phó với các thảm họa, sự cố, bảo vệ Nhân dân.

Thiếu tướng Trương Quang Hoài cũng đề nghị bổ sung quy định về đối tượng áp dụng của dự thảo Luật Phòng thủ dân sự; đề nghị quy định cụ thể nội dung chương trình đào tạo phòng thủ dân sự tại các nhà trường, học viện và nội dung chương trình huấn luyện phòng thủ dân sự cho các lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm, rộng rãi để bảo đảm tính thống nhất và dễ áp dụng thực hiện.

Thay mặt Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐB Quốc hội TP Phạm Thị Thanh Mai đánh giá các ý kiến đã giúp các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu chỉnh lý Dự thảo Luật, hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật. Đoàn ĐB Quốc hội TP sẽ tiếp thu, tổng hợp đầy đủ các ý kiến, nghiên cứu để các ĐB Quốc hội tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV sắp tới.