Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách ghi nhận sự phục hồi của nền kinh tế

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo cáo kinh tế vĩ mô quý II/2017 do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) công bố chiều 10/7 cho thấy, tăng trưởng kinh tế 2 quý tiếp theo của năm 2017 sẽ ở mức 6,7% và 7%, đưa tăng trưởng cả năm lên mức 6,4%.

Theo Báo cáo, nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới ghi nhận những dấu hiệu phục hồi. Kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng khả quan với những tín hiệu tích cực rõ nét từ thị trường lao động và khu vực dịch vụ. Lạm phát ở Mỹ giảm mở ra khả năng Fed làm chậm lại lộ trình tăng lãi suất. Tại châu Âu, kết quả bầu cử tại Pháp cuối tháng 4 đã xoa dịu đáng kể những hoài nghi về bất ổn chính trị tại khu vực này.
Các chuyên gia kinh tế trao đổi tại buổi công bố. Ảnh: Khắc Kiên
Trong khi đó, sau thất bại tại cuộc bầu cử sớm, Anh được cho là sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc vực dậy nền kinh tế, nhất là trong tiến trình đàm phán Brexit sắp tới. Tại châu Á, triển vọng kinh tế Trung Quốc, Nhật Bản và các nước ASEAN đều được đánh giá cao trong khi kinh tế Ấn Độ tiếp tục suy giảm.
Trong bối cảnh đó, nền kinh tế Việt Nam trong quý II đã có những dấu hiệu hồi phục tích cực, với mức tăng trưởng 6,17%, cao hơn so với cùng kỳ năm trước (5,78%). Tính chung 6 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế đạt 5,73%, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2016.

Theo TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, kinh tế quý II hồi phục rõ nét nhờ sự cải thiện mạnh mẽ trong lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ. Bên cạnh đó, ngoại trừ khai khoáng, các ngành còn lại trong khu vực công nghiệp - xây dựng đều tăng trưởng khả quan, tương đương cùng kỳ năm 2016.

Các chỉ báo sản xuất công nghiệp cải thiện rõ rệt trong quý, chỉ số hoạt động kinh tế (VEPI) cũng tăng nhẹ lên mức 6,0% trong quý II. DN thành lập mới tăng cả về số lượng cũng như vốn đăng ký trung bình. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Thành cũng chỉ ra, số DN tạm ngừng hoạt động tăng đáng kể cùng với sự suy giảm trong số lượng lao động khu vực công nghiệp và tổng số việc làm tạo mới phần nào cho thấy thành quả của tăng trưởng không đến từ khu vực nội địa, mà có thể đang lệ thuộc vào một số DN FDI lớn.

Lạm phát lao dốc trong quý II khi CPI tháng 6 chỉ đạt 2,54% so với cùng kỳ năm trước và 0,2% so với năm 2016. Giá thực phẩm giảm mạnh do khủng hoảng dư cung thịt lợn cùng với giá xăng dầu được điều chỉnh giảm đã bù đắp hầu hết tác động của các đợt điều chỉnh giá dịch vụ công. Trong khi đó, tổng phương tiện thanh toán tăng trưởng thấp khiến lạm phát cơ bản cũng liên tục suy giảm trong nửa đầu năm nay.
Thương mại quốc tế gia tăng mạnh trong quý II khi tăng trưởng xuất khẩu và nhập khẩu trong quý lần lượt đạt 24,5% và 26,8% so với cùng kỳ, cao nhất trong vòng hơn nửa thập kỷ. Xuất khẩu tăng tốc mạnh đã giúp cán cân thương mại được cải thiện đáng kể. Đáng chú ý, lần đầu tiên thâm hụt thương mại với Hàn Quốc (15,9 tỷ USD) đã vượt Trung Quốc (14,1 tỷ USD).
Báo cáo cũng chỉ ra, bội chi ngân sách giảm đáng kể trong 6 tháng qua, đạt mức 32,5 nghìn tỷ đồng so với 89,2 nghìn tỷ đồng năm 2016. Tuy nhiên, sự cải thiện này lại bắt nguồn từ thực trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công. Trong khi đó, chi thường xuyên và chi trả nợ tiếp tục tăng cao gây áp lực lên cán cân ngân sách cũng như nguồn vốn dành cho đầu tư phát triển.
Ngoài ra, tiêu dùng cải thiện mạnh mẽ cả về giá và lượng trong quý II, tăng trưởng tương ứng 10,1% và 8,4% so với cùng kỳ. Đầu tư phục hồi nhẹ, chủ yếu nhờ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với lượng vốn FDI đăng ký mới tăng vọt lên mức 8,92 tỷ USD trong quý II, chủ yếu do một số dự án lớn mới được triển khai.

Về tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ trong khi tăng trưởng huy động giảm khiến chênh lệch huy động-tín dụng bị đẩy lên cao trong quý II. Tuy nhiên, tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công khiến lượng tiền gửi của KBNN vào hệ thống NHTM gia tăng, qua đó làm giảm áp lực thanh khoản trên thị trường và duy trì ổn định mặt bằng lãi suất.
Bên cạnh đó, thị trường ngoại hối và thị trường vàng tiếp tục diễn biến ổn định bất chấp những biến động trên thị trường thế giới trong quý II.
Còn trong lĩnh vực bất động sản, số lượng mở bán và giao dịch các căn hộ giảm cả so với quý trước và cùng kỳ năm trước, tập trung chủ yếu vào phân khúc trung cấp và bình dân.