Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Viện nghiên cứu Kinh thành: Giải mã kiến trúc cung điện thời Lê sơ từ tư liệu khảo cổ Hoàng thành Thăng Long

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 12/11, Viện Nghiên cứu Kinh thành tổ chức toạ đàm “Nhận diện hình thái kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lê sơ”

Kiến trúc thời Lê sơ thuộc loại “đấu củng”

Tại buổi toạ đàm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành Bùi Minh Trí cho biết: Các cuộc khai quật ở khu vực trục trung tâm và khu vực điện Kính Thiên trong nhiều năm qua đã có nhiều phát hiện mới, cung cấp thêm nhiều tư liệu khoa học quan trọng cho những hiểu biết về diện mạo, quy mô của các công trình kiến trúc và quy hoạch không gian kiến trúc trong Hoàng cung Thăng Long, đặc biệt là về kiến trúc thời Lê sơ và thời Lê Trung hưng. Phát hiện quan trọng nhất về kiến trúc thời Lê sơ đó là dấu tích nền móng của kiến trúc hành lang, các loại cấu kiện gỗ sơn son thếp vàng và số lượng lớn các loại ngói lợp mái cung điện có men màu vàng và men màu xanh lục.
 Toàn cảnh buổi toạ đàm.

Từ những kinh nghiệm thực tiễn trong nghiên cứu giải mã hình thái kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lý, Trần trong Hoàng cung Thăng Long trong nhiều năm qua, đặc biệt là dựa vào kết quả nghiên cứu, phân loại chỉnh lý các loại hình vật liệu kiến trúc thời Lê sơ, kết hợp với kết quả nghiên cứu so sánh với di tích Lam Kinh (Thanh Hóa) và kiến trúc cung điện cổ ở châu Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) các nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh thành đã cứu giải mã hình thái kiến trúc điện Kính Thiên về: Các loại ngói và hình thái bộ mái; Hình thái bộ khung giá đỡ mái; Hình thái kiến trúc điện Kính Thiên.

Theo PGS. TS Bùi Minh Trí: Như công trình nghiên cứu trước chúng tôi đã công bố, thành tựu nghiên cứu giải mã thành thành công về hình thái kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lý, đó chính là những phát hiện quan trọng về đấu củng và kiến trúc đấu củng. Từ đây, những nghiên cứu giải mã về hình thái kiến trúc được triển khai nhanh chóng. Kết quả nghiên cứu này đã được công bố tại nhiều hội thảo khoa học quốc tế tại Trung Quốc và Hàn Quốc, nhận được nhiều sự đồng thuận và được các học giả quốc tế đánh giá rất cao.
 PGS.TS Bùi Minh Trí - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành.

Đối với thời Lê sơ, chúng ta có những cơ may hơn rất nhiều thời Lý, Trần. Trên đồ gốm thời Lê sơ chúng ta may mắn có được những hình vẽ về kiến trúc đấu củng được mô tả khá sinh động với nhiều tầng mái. Các cuộc đào xung quanh khu vực điện Kính Thiên cũng đã tìm thấy khá nhiều cấu kiện gỗ, bao gồm cột, xà, ván sàn và đặc biệt trong số đó có một số cấu kiện nằm trong kết cấu của hệ đấu củng, ví dụ như “bình áng”.
 Mảnh mô hình tháp men xanh lục mô tả kết cấu đấu củng, thời Lê sơ. Khai quật được khu vực điện Kính Thiên năm 2021. Ảnh: Viện Nghiên cứu Kinh thành.

Tư liệu này minh chứng rõ rằng, kiến trúc thời Lê Sơ cũng thuộc loại kiến trúc đấu củng. Đặc biệt, cuộc khai quật phía Đông điện Kính Thiên năm 2021 tìm thấy một mô hình kiến trúc men xanh lục rất đặc sắc. Trên mô hình này mô tả khá hiện thực bộ mái của công trình được lợp bằng loại ngói ống, có diềm là ngói câu đầu trích thủy và bộ khung của công trình là hệ đấu củng. Đây là hệ đấu củng thuộc loại "liên đấu củng", tức là hệ đấu củng được thể hiện theo phương nằm ngang với mật độ cao và đấu củng không chỉ được bố trí ở trên đầu các cột mà còn được bố trí ở vị trí giữa các cột hay giữa các gian. Đồng thời, đây là loại "củng xuyên", là loại củng được kết hợp với đấu củng ngang đặt trên đầu cột chuyển góc để vừa hỗ trợ cho mái vươn rộng ra vừa hỗ trợ cho cột góc chịu lực. Các tổ hợp đấu củng đặt ở nhiều vị trí trong bộ khung nhà và vươn ra bốn phía. Tại vị trí các góc mái, các tay củng được triển khai một cách bài bản về cả 3 hướng: góc hiên, mặt ngang và mặt đầu hồi của kiến trúc.

Như vậy tư liệu hiện nay cho thấy, kiến trúc trong hoàng cung Thăng Long từ thời Lý, Trần đến thời Lê sơ đều phổ biến là kiến trúc đấu củng. Đây là phát hiện rất quan trọng, được xem là chìa khóa để giải mã về hình thái kiến trúc.

Mặt khác, bằng chứng của khảo cổ học cho thấy rằng, kiến trúc đấu củng thời Lê đều được sơn son màu đỏ và vẽ hoa văn bằng màu vàng thật. Điều này phản ánh rằng, kiến trúc cung điện thời Lê sơ vốn từng được thiết kế công phu, trang trí cầu kỳ và tráng lệ với nhiều màu sắc lộng lẫy, sang trọng, mang vẻ đẹp tương đồng với các cung điện nổi tiếng nhất ở châu Á thời bấy giờ.

Giải mã hình thái kiến trúc điện Kính Thiên

Theo Viện Nghiên cứu Kinh thành, từ kết quả nghiên cứu giải mã về hệ khung giá đỡ mái nêu trên, Viện Nghiên cứu Kinh thành đã hướng tới một tham vọng lớn hơn là vẽ giải tích về hình thái kiến trúc điện Kính Thiên. Tuy nhiên như trên đã nêu, khó khăn lớn nhất khi nghiên cứu phục dựng tòa điện quan trọng nhất là đó chính là diện mạo mặt bằng và quy mô của nó, bởi lẽ đến nay chúng ta chưa khai quật trong lòng của khu vực thềm điện Kinh Thiên, do đó chưa có thông tin cụ thể và chính xác về kết cấu, quy mô của công trình này.
 Hố khai quật khảo cổ học tại Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội năm 2021. Ảnh: Lại Tấn.

Trong các hố khai quật tại khu Thành cổ Hà Nội, khu vực phía trước và xung quanh điện Kính Thiên, các nhà khảo cổ cũng chưa tìm thấy mặt bằng nền móng hoàn chỉnh của một cung điện của thời Lê sơ, vì thế chưa có cơ sở dữ liệu để giải đoán về kích thước bước gian, bước cột cũng như kết cấu chuẩn mực của kiến trúc cung điện thời Lê sơ.

Tuy nhiên, dựa vào những manh mối từ các cuộc khai quật tại khu vực phía sau điện Kính Thiên, PGS.TS. Tống Trung Tín đã đưa ra bản vẽ mặt bằng kiến trúc điện Kính Thiên.
Linh thú và các loại ngói lợp trên mái kiến trúc cung điện thời Lê sơ. Ảnh: Viện Nghiên cứu Kinh thành. 

PGS. TS Bùi Minh Trí cho biết: “Trong bối cảnh còn thiếu tư liệu, để có cơ sở khoa học trong việc phục dựng kiến trúc điện Kính Thiên, chúng tôi đã tiếp cận nghiên cứu mặt bằng chính điện Lam Kinh (Thanh Hóa) dựa trên các kết quả khai quật, nghiên cứu khảo cổ học do Bảo tàng Lịch sử Việt Nam thực hiện từ những năm 1996”.

Từ cơ sở tư liệu này và dựa vào dấu tích thềm bậc đá chạm rồng còn lại tại điện Kính Thiên, Viện Nghiên cứu kinh thành đã thử giải đoán và tiến hành vẽ 3D kiến trúc điện Kính Thiên dựa trên mô hình mặt bằng giả định kết cấu nền móng là hình chữ Công và kích thước bước gian, bước cột theo mô hình mặt bằng chính điện Lam Kinh có tổng diện tích là 1.556,8m2 gồm 2 điện chính, mỗi điện có 7 gian, 2 chái.

Hình ảnh này cũng giúp người xem cảm nhận sâu hơn về vẻ đẹp độc đáo và đặc sắc của kiến trúc trong Hoàng cung Thăng Long thời Lê sơ cùng với những nét tương đồng và sự khác biệt đặc sắc của kiến trúc cung điện Việt Nam trong lịch sử kiến trúc cung điện cổ ở châu Á.