Thưa bà, nhiều năm nay câu hỏi “có nên coi mại dâm là một nghề” đã được đặt ra, nhưng tận bây giờ vấn đề này vẫn còn nhiều tranh cãi?- “Có nên coi mại dâm là một nghề?” hay “hợp pháp hóa cho phép mại dâm tồn tại” đã được đặt ra từ hội thảo đầu tiên năm 1993 và được nhắc lại khá thường xuyên trong mấy năm gần đây. Nhiều năm qua, chúng ta vẫn kiên trì cách tiếp cận coi mại dâm là tệ nạn xã hội. Mại dâm song hành với lịch sử của nhân loại và bắt nguồn từ nhu cầu của một bộ phận dân cư trong xã hội.
Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ, hoạt động mại dâm ngày càng vô hình và khó kiểm soát, có thể dẫn đến nhiều hệ lụy cho xã hội hơn. Từ thực tế đó, chúng ta phải suy ngẫm xem nên ứng xử với mại dâm thế nào để có thể quản lý tối ưu trong các điều kiện hiện hữu và giảm đi những hệ luỵ liên quan.Chúng ta vẫn quản lý mại dâm bằng việc đi kiểm tra, dẹp tụ điểm, hỗ trợ người bán dâm chuyển đổi nghề?- Tôi thấy cách quản lý này không hiệu quả, mại dâm chưa bao giờ giảm mà chỉ tăng và diễn biến phức tạp. Đến năm 2013, việc mua bán dâm không bị xử lý theo Luật Hình sự mà chỉ xử phạt vi phạm hành chính; người bán dâm cũng không bị bắt đưa đi trung tâm giáo dục lao động, chỉ nộp phạt tiền như lỗi vi phạm hành chính theo Luật Xử phạt vi phạm hành chính. Đó là bước đi tiến bộ trong quá trình phi hình sự hóa mại dâm, song hiệu quả quản lý vẫn chưa như mong muốn.Vậy theo bà, khi mại dâm không thể xóa bỏ thì chúng ta phải ứng xử như thế nào trong vấn đề này? - Cần phải có cách tiếp cận với mại dâm thực tế hơn, không phải chỉ hô khẩu hiệu xóa bỏ là xong. Đã có thời gian, những biện pháp trừng phạt nặng nề được áp dụng như bắt người bán dâm đi cải tạo, bêu tên, nhưng mại dâm vẫn tồn tại. Liên Hợp quốc đang khuyến khích cách tiếp cận phi hình sự hóa mại dâm.
Theo đó, mua bán dâm trên cơ sở tự nguyện, có thỏa thuận, phi bạo lực, an toàn về sức khỏe; Người bán dâm phải được pháp luật bảo vệ khỏi bạo lực, bóc lột, lừa đảo và được tiếp cận các dịch vụ sức khỏe và các dịch vụ xã hội khác một cách bình đẳng. Còn những hành vi như bóc lột, buôn bán người vì mục đích mại dâm, dắt mối, môi giới, lừa đảo, bạo hành với người bán dâm phải bị xử lý về mặt hình sự.Khi mại dâm vẫn đang có mặt ở khắp nơi, làm sao quản lý và không để phát triển?- Khi coi mại dâm là một dịch vụ và cho phép nó khu trú ở một số nơi nhất định, cộng với sự quản lý nghiêm sẽ hạn chế được sự tràn lan như hiện nay. Bởi các cơ sở làm dịch vụ này phải đăng ký và đảm bảo tiêu chuẩn về y tế, vệ sinh, an ninh...; người hành nghề cũng phải được đăng ký và có giám sát về sức khỏe. Nhiều người cho rằng, áp dụng cách quản lý này, số người đi bán dâm sẽ tăng, nhưng tôi không nghĩ vậy, vì để được hoạt động phải đáp ứng những quy định như đã nói. Vấn đề là chúng ta phải thực hiện nghiêm và nhất quán mọi nơi, mọi lúc. Nhiều người không muốn coi mại dâm là một nghề vì cho rằng như vậy là xúc phạm các nghề khác. Tôi nghĩ đơn giản hơn, sự tồn tại của một nghề hay một dịch vụ phụ thuộc vào nhu cầu xã hội. Nếu xã hội không có nhu cầu nữa thì nó tự mất đi. Vậy khi mại dâm được thừa nhận, nên khu trú hoạt động ở khu vực nào?- Lựa chọn khu vực để khu trú hoạt động mại dâm là vấn đề rất quan trọng. Nếu chúng ta có dự định này thì phải nghiên cứu kỹ, nhưng phải cách xa khu dân cư, trường học, khu vui chơi giải trí, cơ quan hành chính nhà nước và các địa điểm dịch vụ công cộng. Tuy nhiên, những vấn đề chúng ta nói đến chỉ là phần ngọn, gốc rễ là làm sao để phụ nữ có sinh kế khác mà không phải chọn mại dâm. Nhưng ngay cả khi phụ nữ không chọn mại dâm như một sinh kế thì mại dâm vẫn tồn tại, vì thế, ứng xử với mại dâm như thế nào mãi là vấn đề nan giải.Xin cảm ơn bà!