70 năm giải phóng Thủ đô

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương: “Bật đèn đỏ" khống chế đất khu đô thị và đất công nghiệp

Vân Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là một trong những khuyến nghị đáng chú ý của TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương tại diễn đàn “Bất động sản (BĐS) công nghiệp Việt Nam 2019: Bối cảnh mới – Chính sách mới – Cơ hội mới” diễn ra vào sáng 23/4.

Viện dẫn những bất cập cố hữu của thị trường nhà đất thời gian gần đây, ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam đánh giá rất khốc liệt. Phân khúc căn hộ cao cấp có dấu hiệu dư cung, còn thị phần nhà ở bình dân và trung cấp dù giữ vai trò chủ đạo lại khó phát triển trong ngắn hạn khi chỉ tập trung ở ven đô, xa trung tâm, lại bất cập về hạ tầng, tiện ích, dịch vụ còn đang rất yếu và thiếu. Riêng bất động sản nghỉ dưỡng có độ chững nhất định do vướng pháp lý “sở hữu”.
 Các chuyên gia dự báo các tỉnh phía Bắc như Hà Nam, Bắc Giang, Vĩnh Phúc sẽ tăng hạng về BĐS công nghiệp.
“Điểm sáng đầu tư của thị trường địa ốc năm nay có “đáp án” rất khác so với những năm trước. 2019 được ví như năm triển vọng của BĐS công nghiệp; đặc biệt trong quy luật mang tên độ chững “10 năm của BĐS” - vị Chủ tịch này nhấn mạnh.
Ở góc nhìn kinh tế, TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, nói về vấn đề này, không nên dùng từ phát triển mà dùng từ cơ hội mới sẽ hợp lý hơn cho mọi khả năng đầu tư của DN.
Thực tế, dù tăng trưởng kinh tế còn nhiều thách thức nhưng đã có điểm nhấn. Tỷ trọng thương mại quốc tế so với GDP năm 2017 đạt mức cao nhất trong số 20 quốc gia đông dân nhất thế giới.
"Tôi khẳng định, quá trình đô thị hoá sẽ tạo nên những ảnh hưởng tích cực trên thị trường và tạo nên những thay đổi lớn. Việc chuyển đổi cơ cấu công nghiệp hướng đến những ngành công nghiệp chế tác, chế tạo giá trị gia tăng cao, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu trên nền tảng công nghiệp 4.0, kế hoạch phát triển đến năm 2020, tổng diện tích đất dành cho phát triển BĐS công nghiệp sẽ tăng gấp đôi” - ông Cung nói.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương phân tích thêm, ngành công nghiệp chủ đạo hiện nay phần lớn vẫn là ngành sản xuất cơ bản có tiêu chuẩn kỹ thuật thấp. Yêu cầu này đòi hỏi phải dịch chuyển sản xuất lên bước cao hơn: Những ngành nghề “xanh”, sử dụng lao động hiệu quả và hàm lượng công nghệ cao sẽ là thế hệ khách thuê BĐS công nghiệp 4.0 đáp ứng nhu cầu chất lượng cao.
“Sự thay đổi nhanh nhạy như Khu công nghiệp Chu Lai của Thaco là một minh chứng. Chúng ta phải nâng cấp giá trị của các khu công nghiệp hiện hành, không nên áp mệnh lệnh hành chính mà để khu công nghiệp phát triển theo cơ chế thị trường. Cần tiếp cận tổng thể, không chia cắt khu công nghiệp và khu đô thị; không chia cắt “phụ trợ” và “không phụ trợ”; không giới hạn hay khống chế “đất khu độ thị” và “đất công nghiệp nếu cần” - ông Cung khẳng định tiếp.
Đồng quan điểm, theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ, BĐS công nghiệp phải đổi mới tích cực hơn nữa. “Để Việt Nam có thể tiến lên giai đoạn tiếp theo trong quá trình phát triển logistics/công nghiệp, trở nên cạnh tranh hơn và thậm chí trước các nước khác, việc tiếp tục duy trì mức đầu tư hợp lý vào hệ thống đường cao tốc và mạng lưới tiện ích, kể cả năng lượng tái tạo là cần thiết. Bên cạnh đó, muốn giữ chân các nhà đầu tư trong dài hạn, nên lưu tâm tới việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính và hải quan cũng như cải thiện sự kết nối đồng bộ giữa các lĩnh vực kinh tế” – vị giáo sư này khuyến nghị.

"Năm 2018, tổng vốn FDI cam kết đạt gần 35,46 tỷ USD; tổng vốn FDI vào KCN, Khu kinh tế và vốn tăng thêm đạt trên 8,3 tỷ USD.  Chiến lược thu hút FDI đang được xây dựng hướng tới nguồn vốn FDI thế hệ mới với tiêu chuẩn cao về công nghệ và phát triển bền vững trong khi đó, nguồn cung BĐS công nghiệp lại chưa đáp ứng được nhu cầu." - TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương