Việt-Lào-Thái Lan hợp tác phát triển trục kinh tế

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Các tỉnh trong khu vực trên đều có tiềm năng, thế mạnh riêng, chẳng hạn tỉnh Ubon Ratchathani có tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, du lịch; tỉnh Sisaket có kinh nghiệm trồng cây caosu, gạo, du lịch lữ hành.

Ngày 14/12, tại thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum đã tổ chức hội nghị hợp tác phát triển trên trục kinh tế Đông Tây, núi-biển giữa Kon Tum với các tỉnh Ubon Ratchathani, Sisaket (Thái Lan)-Champasak, Salavan, Sekong, Attapeu (Lào) và Quảng Ngãi, Bình Định (Việt Nam).

Các tỉnh trong khu vực trên đều có tiềm năng, thế mạnh riêng, chẳng hạn tỉnh Ubon Ratchathani có tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, du lịch; tỉnh Sisaket có kinh nghiệm trồng cây caosu, gạo, du lịch lữ hành.

Trong khi đó, Champasak, Sekong có thế mạnh về năng lượng, du lịch; Attapeu có tài nguyên phong phú, tiềm năng về khoáng sản, phát triển công nghiệp khai khoáng và phát triển cây công nghiệp lâu năm.

Phía Việt Nam, tỉnh Bình Định có cảng biển, tiềm năng du lịch biển; Quãng Ngãi có khu kinh tế Dung Quất là vùng kinh tế trọng điểm của miền Trung; Kon Tum có tiềm năng du lịch sinh thái và là địa phương kết nối, trung chuyển trên trục Đông-Tây, núi-biển…

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum, khẳng định sự kết nối hợp tác giữa các tỉnh sẽ tăng cường sức mạnh trên các lĩnh vực tương đồng và bổ sung cho nhau trên các mặt khác biệt để tạo ra sản phẩm đa dạng, phong phú trên các lĩnh vực.

Từ tiềm năng của mình, các tỉnh đã tập trung thảo luận, bàn biện pháp và cơ chế hợp tác trên các lĩnh vực: tổ chức kinh doanh du lịch lữ hành dọc tuyến giữa các địa phương; trồng cây công nghiệp (caosu, càphê…), xây dựng cơ sở chế biến tại các tỉnh; cung ứng máy móc, thiết bị sản xuất nông nghiệp; bảo tồn và phát triển tài nguyên rừng; đầu tư xây dựng các dự án năng lượng, mạng lưới truyền tải điện; phối hợp thực hiện các dự án thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản, khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng...

Các địa phương cũng thống nhất phối hợp kiến nghị Chính phủ đầu tư hoặc kêu gọi các định chế tài chính đầu tư hoàn chỉnh các tuyến đường trục kết nối các địa phương dọc tuyến, trước hết là nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ cửa khẩu Bờ Y-Phu Cưa đi Attapeu (Lào) dài 50km.

Ngoài ra, các tỉnh thông qua cơ sở đào tạo địa phương nghiên cứu các hình thức hợp tác và trao đổi đào tạo cán bộ, lưu học sinh; đào tạo ngôn ngữ (Thái, Lào, Việt); thành lập trung tâm thông tin về thương mại, du lịch, đầu tư giữa Kon Tum với các tỉnh.