Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việt Nam cam kết cùng New Zealand hướng tới đối tác chiến lược

Đỗ Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với những kết quả tích cực trong 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, Việt Nam mong muốn cùng New Zealand sớm đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới.

Ngày 22/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có cuộc hội đàm cấp cao trực tuyến với thủ tướng New Zealand bà Jacinda Ardern, theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng thông báo tại họp báo thường kỳ chiều 16/7.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern nhân chuyến thăm của thủ tướng năm 2018. Photo: Báo Quốc tế

Các biện pháp này nhằm đưa quan hệ của hai nước lên tầm cao mới, phù hợp với tinh thần tuyên bố chung giữa hai nước nhân chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới New Zealand năm 2018. Hai bên cũng sẽ trao đổi các vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm.

Tại cuộc hội đàm, hai bên dự kiến sẽ trao đổi các biện pháp thúc đẩy hợp tác song phương toàn diện thực chất trên nhiều lĩnh vực: chính trị, thương mại, đầu tư, an ninh quốc phòng, nông nghiệp, giao lưu nhân dân và ứng phó với dịch Covid-19.

Năm 2020, Việt Nam và New Zealand sẽ kỷ niệm 45 ngày thiết lập ngoại giao giữa hai nước. Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1975, trong suốt 45 năm qua quan hệ Việt Nam và New Zealand phát triển tích cực và bền vững. Năm 2009, hai nước đã nâng cấp lên quan hệ toàn diện, đây là cột mốc thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển toàn diện, thực chất, hiệu quả trên nhiều lĩnh vực.

Với những kết quả tích cực trong 45 năm qua Việt Nam rất mong muốn và cam kết cùng New Zealand nỗ lực sớm đưa quan hệ hai nước lên một tầm cao mới, phù hợp với tinh thần tuyên bố chung giữa hai nước nhân chuyến thăm của thủ tướng chính phủ Việt Nam năm 2018 về việc tăng cường đối tác chiến lược toàn diện hướng tới đối tác chiến lược.

Đại sứ New Zealand Wendy Matthews tham dự lễ hội táo và kiwi nhập khẩu từ New Zealand được tổ chức tại Hà Nội và Hồ Chí Minh.

Thúc đẩy hợp tác thương mại

Trong những năm qua, kim ngạch thương mại hai nước tăng mạnh. Xuất khẩu giữa hai nước khá cân bằng, mặc dù các mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang New Zealand nhiều hơn chút, nhưng nhìn chung kim ngạch thương mại hai chiều luôn tăng cao đều. 

Dưới sự ảnh hưởng của dịch Covid-19, hợp tác kinh tế- thương mại giữa hai nước cũng chịu tác động đáng kể, nhưng thương mại hàng hóa và dịch vụ hai chiều vẫn tiếp tục giữ mức tăng trưởng ổn định.

Tính đến tháng 6/2020, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt gần 500 triệu đô la, trong đó kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang New Zealand đạt 211,9 triệu đô la và kim ngạch nhập khẩu vào Việt Nam đạt 286,9 triệu đô la.

Theo số liệu của Cục Thống kê New Zealand, kim ngạch thương mại song phương (cả hàng hóa và dịch vụ) năm 2019 đạt 2,04 tỷ NZD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2018. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 16 của New Zealand.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang New Zealand gồm: Máy móc, thiết bị điện; giày, dép; hàng dệt, may; đồ nội thất. Ngược lại, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của New Zealand sang Việt Nam gồm: Bơ sữa; trái cây; gỗ và sản phẩm gỗ; chế phẩm thực phẩm. Việt Nam và New Zealand là hai nền kinh tế tương đối có tính bổ trợ lẫn nhau.  

Với lợi thế cùng là thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do như AANZFTA, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và trong tương lai là Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), hai bên có thể tận dụng các lợi thế của nhau để thúc đẩy phát triển kinh tế, kết nối các chuỗi cung ứng trong các hiệp định thương mại tự do cũng như xuất khẩu sang các thị trường khác.

Năm 2021, New Zealand sẽ là chủ tịch APEC và Việt Nam cũng cam kết phối hợp chặt chẽ với New Zealand để đảm bảo thành công cho APEC 2021.