Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việt Nam cần cơ chế lãnh đạo có tầm nhìn, hỗ trợ bởi một nhóm kỹ trị mạnh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc trường ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội công bố ngày 10/5 đã đưa ra 2 kịch bản lạm phát và GDP cho năm 2016. Kết quả dự báo cho thấy tăng trưởng kinh tế nhiều khả năng không đạt mục tiêu đề ra.

Cụ thể, với kịch bản thứ 1 lạm phát là 4,24% thì tăng trưởng GDP sẽ đạt 6,05%. Kịch bản thứ hai khi GDP tăng cao hơn 6,38% thì lạm phát lại chạm mức 5,17%.

TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR nhận định mục tiêu tăng trưởng 6,7% cho cả năm 2016 do Quốc hội đề ra nhiều khả năng không thể đạt được. “Chỉ trong trường hợp có những nỗ lực cải cách đột phá của Chính phủ mới, mang lại hiệu ứng kích thích mạnh mẽ tâm lý người tiêu dùng và tạo niềm tin cho nhà đầu tư thì tăng trưởng mới có thể đạt 6,5% và hướng tới mục tiêu của Quốc hội. Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá trong năm 2016, khả năng này là thấp” – ông Thành cho hay.
Ảnh minh họa  (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Cũng theo nhóm nghiên cứu VEPR, nguyên nhân gây áp lực lạm phát là do sự hỗ trợ từ các yếu tố ngoại cảnh yếu đi, chính sách tiền tệ nới lỏng nhanh từ năm 2015 cùng với lộ trình điều chỉnh giá các loại hàng hoá, dịch vụ công. 

Ngoài ra, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh trong quý I/2016 đã xuất hiện những yếu tố bất thường. Đó là rét đậm, rét hại ở các tỉnh phía Bắc vào đầu năm, hạn hán, xâm nhập mặn tại các tỉnh Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long và hiện tượng cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung.

Báo cáo cũng đề xuất một mô hình chính sách kiểu mới, đi liền với cải cách hệ thống hành chính công, tăng liên kết nội bộ nhằm đáp ứng yêu cầu tăng trưởng mới của Việt Nam. Muốn vậy, Việt Nam cần một cơ chế lãnh đạo mạnh, có tầm nhìn, được hỗ trợ bởi một nhóm kỹ trị mạnh.