KTĐT - Để kiểm soát được nợ quốc gia trong ngưỡng an toàn thì năm 2010, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã đưa ra một loạt khuyến cáo với Chính phủ trong việc thực hiện chi tiêu.
Việt Nam còn nghèo nên cần đặt ra một giới hạn nợ an toàn khác với các nước phát triển hơn, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội nhận định.
- Nhiều người khẳng định nợ của Việt Nam vẫn trong giới hạn an toàn, bằng cách dẫn chứng nhiều quốc gia khác đang gánh khoản nợ lớn hơn nhiều. Ông bình luận như thế nào về sự "trấn an" này?
- Hiện nay, nợ quốc gia của ta vẫn trong ngưỡng an toàn với mức 34 - 36% GDP. Tuy nhiên, xu thế trong những năm tới, nợ quốc gia có thể tăng rất nhanh và lên trên 40%. Thông lệ quốc tế thường định ra kịch trần của nợ quốc gia không được vượt qua 50 đến 60% GDP. Vào thời kỳ khủng hoảng như vừa qua, nhiều nước EU vượt qua ngưỡng này, thậm chí lên quá 60%, nhưng có vẻ như họ vẫn "an toàn" và phá cái trần thông lệ đó. Tuy nhiên, kể cả với các quốc gia trên, họ vẫn chỉ chấp nhận tỷ lệ nợ như thể này trong tình thế cấp bách. Chúng ta không thể so sánh để tự trấn an mình được. Việt Nam là một nước nghèo, nợ càng nhiều càng khó khăn trong việc trả nợ.
- Nhưng cũng vì chúng ta còn nghèo nên phải chấp nhận đi vay để phát triển. Vừa kiểm soát được các khoản nợ trong ngưỡng an toàn, vừa vực dậy nền kinh tế là cực kỳ khó khăn. Theo ông, làm sao để hài hòa được cả hai mục tiêu này?
- Đúng là chúng ta không đủ nguồn lực thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì phải đi vay. Vay càng nhiều thì nợ quốc gia càng tăng lên. Đất nước nào trong thời kỳ phát triển cũng phải làm như vậy. Mấu chốt là vay thế nào để đầu tư cho hiệu quả và tương xứng với số lãi mà tả phải trả khi đi vay. Việc chi trả nợ hiện nay của chúng ta là quá lớn, tốc độ tăng cao so với các năm trước. Dự toán năm 2008 là 51.200 tỷ đồng, năm 2009 là 58.800 tỷ đồng và năm 2010 dự kiến lên đến 70.250 tỷ đồng.
Để kiểm soát được nợ quốc gia trong ngưỡng an toàn thì năm 2010, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã đưa ra một loạt khuyến cáo với Chính phủ trong việc thực hiện chi tiêu. Trong đó có việc cần kích thích kinh tế một cách trọng tâm, trọng điểm, đưa nền kinh tế phát triển theo chiều sâu và bền vững hơn.
Ngoài ra, chúng tôi cũng kiến nghị tiếp tục cơ cấu lại chi ngân sách Nhà Nước theo hướng tập trung tư cho con người, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh quốc phọng, chú trọng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; cơ cấu lại đầu tư khu vực công theo hướng xác định thứ tự, mục tiêu ưu tiên đầu tư; giảm tỷ trọng vốn đầu tư từ ngân sách vào các lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác có thể tham gia.
- Trong điều kiện nguồn thu ngân sách hạn hẹp nhưng hầu hết các khoản chi năm 2010 theo đề xuất của Chính phủ đều tăng như chi cho đầu tư phát triển tăng hơn 11%, chi thường xuyên cũng tăng gần 10%. Quan điểm của ông về vấn đề này?
- Nhu cầu chi bảo đảm an sinh xã hội và đầu tư phát triển cho năm 2010 là rất lớn nên việc tăng chi cũng là bình thường. Tuy nhiên, chúng tôi có lưu ý là việc phân bổ ngân sách trung ương năm 2010 cần ưu tiên cho các lĩnh vực cải cách tiền lương, bảo đảm an sinh xã hội. Ngoài ra, Chính phủ cần bố trí tăng vốn đầu tư cho các vùng kinh tế động lực, công trình trọng điểm; ưu tiên cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng đề nghị làm rõ một số khoản chi tăng chưa hợp lý. Ví dụ như đối với chi trợ giá mặt hàng chính sách, mức tăng 31,7% là cao. Đề nghị Chính phủ lưu ý xem xét và thay đổi phương thức trợ cước, trợ giá các mặt hàng thiết yếu cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là trợ cước vạn chuyển.
Hay như về bố trí vốn đầu tư cho các tâp đoàn kinh tế và tổng công ty Nhà nước 5.038 tỷ đồng, chúng tôi đề nghị ngoại trừ việc bố trí 3.500 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế để lại cho Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam, thì chỉ bố trí vốn cho một số nhiệm vụ mà Chính phủ giao cho các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thực hiện. Còn lại các nhiệm vụ chi khác, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước phải tự bố trí kinh phí.