KTĐT - "Hội nghị cấp cao về đầu tư kinh doanh tại Việt Nam"là sự kiện mở màn cho Hội nghị thường niên Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) lần thứ 44 đang diễn ra tại Việt Nam từ ngày 3 - 6/5/2011. Đây là lần đầu tiên Việt Nam vinh dự giữ trọng trách nước chủ nhà sự kiện này.
Với sự phát huy mạnh mẽ nguồn lực trong nước cũng như sự giúp đỡ của cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục giữ được tốc độ phát triển cao và là điểm đến của nhiểu nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, nếu không tạo ra được các giá trị trong nước, Việt Nam chắc chắn sẽ gặp phải bẫy thu nhập trung bình. Đó là ý kiến được nhiều đại biểu quốc tế khuyến cáo tại "Hội nghị cấp cao về đầu tư kinh doanh tại Việt Nam" sáng ngày 3/5 - sự kiện mở màn cho Hội nghị Thường niên Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam.
Việt Nam - một trong 15 nền kinh tế hấp dẫn đầu tư nhất
Điều tra triển vọng đầu tư thế giới (WIPS) 2009- 2011 của Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) cho thấy, Việt Nam là một trong 15 nền kinh tế hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Những yếu tố được các nhà đầu tư đánh giá là hấp dẫn ở Việt Nam vẫn là tốc độ phát triển thị trường, khả năng thâm nhập vào thị trường khu vực, nhân công rẻ và ưu đãi đầu tư.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, Hoàng Trung Hải, trong 10 năm (2000- 2010), chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tăng trưởng đạt tốc độ bình quân 7,26%/ năm với cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, thể chế kinh tế thị trường tiếp tục được hoàn thiện, quy mô nên kinh tế tăng gấp 3,3 lần so với năm 2000. "Bởi vậy, năm 2010, cộng đồng quốc tế tiếp tục đánh giá cao tiềm năng phát triển của Việt Nam trong trung và dài hạn khi dành cho chúng ta nguồn vốn ODA kỷ lục, gần 8 tỷ USD. Đây thực sự là đòn bẩy giúp Việt Nam tiếp tục phát triển"- Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết.
Dự báo, riêng giai đoạn 2011- 2015, Việt Nam cần khoảng 300 tỷ USD cho đầu tư phát triển. Do đó, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tạo lập đồng bộ và phát triển các loại thị trường như thị trường tài chính, thị trường hàng hóa, dịch vụ, lao động, khoa học công nghệ theo hướng tự do hóa thương mại và đầu tư, giải phóng và phát huy tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước vẫn là một ưu tiên hàng đầu của Việt Nam.
Tạo ra các giá trị trong nước
Ông Kenechi Ohno- Chuyên gia kinh tế của ADB cũng cho rằng, từ sau đổi mới, Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong tự do hóa và hội nhập. Tuy nhiên, tăng trưởng trước đây chủ yếu dựa vào mở cửa thương mại và luồng tiền ngoại tệ đổ vào (ODA, FDI, kiều hối…) thay vì dựa trên năng suất và đổi mới. "Để tăng trưởng bền vững, các bạn phải đưa ra các chính sách thúc đẩy, (thậm chí bắt buộc) tích lũy tri thức, kỹ năng và công nghệ. Việt Nam có thể học hỏi nhiều từ những thực tiễn chính sách tốt nhất của các nước láng giềng trong Đông Á"- ông Kenechi Ohno nói.
Là một quốc gia thu nhập trung bình mới nổi, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có nhiều vấn đề về hoạch định chính sách. Theo một số đại biểu, cấu trúc chính sách của Việt Nam còn thiếu chặt chẽ, sự phối hợp giữa các Bộ kém, ngân sách, nhân lực, khung pháp lý… cần thiết cho việc thực thi không được cung cấp đầy đủ, thiếu sự tham gia của các bên liên quan… Các đại biểu quốc tế cũng góp ý rằng, Việt Nam không thể tiếp tục dựa vào lắp ráp đơn giản với lao động không có kỹ năng. "Các ngành công nghiệp sẽ rút khỏi Việt Nam khi mức lương không tăng lên và hội nhập ngày càng sâu rộng. Bởi vậy, Việt Nam cần tăng cường năng lực xây dựng gói chính sách phù hợp, sử dụng các mô hình nước ngoài làm các khối lắp ghép hoặc để tham khảo. Tuy nhiên, cần tránh sao chép một cách tùy tiện, máy móc, không tính đến bối cảnh trong nước. "Cũng không nên cho rằng, "nước tôi là trường hợp đặc biệt", không thể học hỏi từ các nước khác. Học cách nghĩ và phương pháp luận để xây dựng chiến lược công nghiệp một cách hiệu quả, học làm thế nào để hoạch định chính sách. Các nước đi trước đã thành công (Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…) phải tự xoay sở bằng nỗ lực của chính mình qua những lần thử nghiệm và thất bại. Đối với những nước đi sau, học hỏi một cách hệ thống là điều cần thiết"- Giáo sư Kenichi Ohno góp ý.