Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việt Nam chiếm hơn 10% lượng chip bán dẫn xuất khẩu vào Mỹ

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thông tin từ Bộ TT-TT, Việt Nam đứng thứ ba về doanh số xuất khẩu chip bán dẫn sang Mỹ, sau Malaysia và Đài Loan. Việt Nam cũng thuộc nhóm dẫn đầu về gia tăng xuất khẩu chip tới Mỹ, bên cạnh Thái Lan, Ấn Độ và Campuchia.

Theo đó, doanh thu từ thị trường Mỹ của ngành chip Việt Nam tăng 74,9%, từ 321,7 triệu USD trong tháng 2/2022 lên 562,5 triệu USD tháng 2 năm nay, chiếm 11,6% thị phần. Đây cũng là tháng thứ bảy liên tiếp chip "Made in Vietnam" đạt hơn 10% thị phần tại nước này.

Trong 10 thị trường nhập khẩu vào Mỹ nhiều nhất, Việt Nam là một trong sáu thị trường tăng trưởng dương từ tháng 2/2022 đến 2/2023, trong khi doanh thu từ Malaysia, Trung Quốc đại lục, Nhật Bản, Philippines giảm.

Việt Nam chiếm hơn 10% lượng chip bán dẫn xuất khẩu vào Mỹ - Ảnh 1

Tuy vậy, trừ một số ít doanh nghiệp có khả năng thiết kế chip như Viettel, FPT, lượng chíp xuất khẩu từ Việt Nam đa phần được các công ty trong nước có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện các công đoạn gia công thiết kế vi mạch, lắp ráp, kiểm định.

Thực tế cho thấy, vi mạch bán dẫn được xem là nền tảng của tính toán hiện đại. Công nghiệp vi mạch bán dẫn ngày càng đóng vai trò quan trọng khi tham gia vào hoạt động của tất cả các hệ thống điện tử, công nghệ thông tin, viễn thông, tự động hóa.

Theo số liệu của Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ (SIA), doanh số của lĩnh vực vi mạch bán dẫn toàn cầu hiện đạt khoảng 600 tỷ USD và dự báo sẽ tăng lên 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đang tìm cách tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. 

Thời gian qua, ngành chip tại Việt Nam đạt nhiều thành tựu, bao gồm cả việc tự sản xuất chip hay gia tăng sản lượng trong các nhà máy lớn. IPV, nhà máy chip của Intel tại Việt Nam, đạt doanh thu xuất khẩu 11,5 tỷ USD năm 2022. Đơn vị này mất hơn 10 năm, từ 2010 đến 2020, để cho ra đời hai tỷ đơn vị sản phẩm đầu tiên, nhưng chỉ cần chưa tới hai năm tiếp theo để tăng con số lên 3,5 tỷ sản phẩm vào cuối 2022.

Việt Nam hiện có 20 công ty làm việc trong lĩnh vực IC Design với khoảng 5.000 kỹ sư thiết kế. Việt Nam có thể đẩy mạnh công tác đào tạo nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực trong lĩnh vực sản xuất chip bán dẫn trên bình diện toàn cầu.